(GLO)- Xóm Ghe nằm bên sông Trà Khúc-một trong những con sông lớn của tỉnh Quảng Ngãi thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh là nơi của nhiều thế hệ người dân nơi đây dùng những chiếc ghe nan, ghe nhôm đánh bắt con cá, con tôm trên sông đắp đổi qua ngày. Nhưng giờ, sông cạn, cá tôm cũng ít dần. Cuộc mưu sinh của bà con đang xô dạt nhiều phía với những tiếng thở vắng, than dài.
Ảnh: Trường An |
Tháng 3, nắng bắt đầu gay gắt. Dòng sông Trà Khúc trơ đáy từng đoạn. Xóm Ghe nằm dọc mé sông phía dưới Cầu Trà Khúc 2 vắng tanh. Chúng tôi đi dọc quanh xóm và nhìn ra sông thấy nhiều chiếc ghe nằm úp bên bờ tre, bãi bến. Ông Ngô Tấn Vinh-người làng lắc đầu nói: "Cá tôm ít quá, nên người làng bỏ nghề đi làm nhiều việc khác. Còn muốn bám nghề thì ra sông Trà Bồng hoặc đến đầu nguồn sông Cao Lâu (Quảng Nam) thuê ghe đánh bắt cá, đành bỏ lại ghe của mình bên sông. Bởi chở ghe ra ngoài đó, sau khi đánh bắt trở về sợ mất ghe".
Xé đêm mưu sinh
Để mưu sinh nơi sông Trà Bồng hoặc sông Cao Lâu, từ lúc 12 giờ khuya, người làng chuẩn bị lưới trũ, dây sò, đèn pin rồi kéo nhau lên đường. Trên những chiếc xe cup 78, cup 81 cũ kỹ, từng đôi vợ chồng, anh em chở nhau ra đi. Ông Vinh bảo rằng: ''Từ đây ra sông Cao Lâu mất đến 145 km. Xe cà tàng chạy chậm đến nơi thì khoảng 4-5 giờ sáng nên ai cũng mệt nhòa. Nhưng đâu có thời gian để nghỉ, người người lại thuê ghe rồi thì phần ai nấy lo chèo đi đánh bắt…".
Ông Vinh làm nghề kéo cá bống từ nhỏ, nên giờ có kinh nghiệm. Đến dòng sông lạ, đi ghe lạ nhưng nghề thì quen nên ông đã đánh được nhiều cá bống. Cứ mỗi lần rải lưới giáp mối là ông vớt lên cũng kiếm được đôi lạng cá bống. Có hôm còn đánh được cá hanh, cá chép, cá trôi...
Cào, nhũi cật lực cả ngày trời trên sông Trà Bồng nhưng vợ chồng chị Mến cũng chỉ kiếm được khoảng 200.000 đồng từ tiền bán hến. Ảnh: Trường An |
Quần quật trên sông, đến khi mặt trời xuống núi, bà con lại tìm nơi nghỉ chân để ngày mai còn rải thêm vài bận lưới nữa rồi mới trở về. Bà Nguyễn Thị Mến-vợ ông Vinh khoe: "Mỗi chuyến đi cũng kiếm được khoảng 5 kg cá bống là mừng". Cuộc mưu sinh của vợ chồng ông Vinh cùng nhiều người dân Xóm Ghe hơn 3 năm rồi như thế. Bất kể ngày trời trở gió, mưa lạnh, hay nắng gắt. Ông Vinh nói như than: "Từ Tết đến giờ đau bệnh gai cột sống và bị bệnh tê thấp nên đang uống thuốc để chóng bớt bệnh mà đi làm để nuôi mình và nuôi bọn trẻ ăn học".
Có một số người thấy ra sông Cao Lâu (Quảng Nam) đánh bắt xa quá nên chọn sông Trà Bồng làm nơi mưu sinh bằng nghề nhũi hến. Nghề đãi hến cũng khá nhọc nhằn. Cứ 3 giờ sáng là vợ chồng con cái mang nhũi, cỡi xe máy đến sông Trà Bồng. Đến nơi, đàn ông, đàn bà cùng nhau ngâm mình dưới nước để nhũi hến. Đến 11 giờ trưa, họ lên bờ thu dọn "chiến lợi phẩm" rồi ăn qua quýt miếng cơm trưa, chở vội "hàng" trở về rồi phân loại để kịp cân cho tư thương bán ở các chợ chiều trong tỉnh.
Xòe bàn tay chai sần, có nhiều vết xước, bà Nguyễn Thị Quả phân bua: "Cứ lặn hụp dưới sông nên tay chân trầy sướt hết. Mùa hè còn đỡ chứ mùa đông lạnh cóng cả người".
Một ngày cào, hụp lặn trên sông, tính ra mỗi người cào được khoảng từ 50 kg đến 60 kg hến chỉ bán được từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng.
Áo cơm đè nặng
Kéo một mẻ lưới đánh cá bống, hay nhũi hến dưới lòng sông ở huyện bạn, tỉnh bạn nhiều bà con Xóm Ghe nghĩ: "Ngày xưa sông mình (sông Trà Khúc) cá, tôm, hến ốc nhiều lắm. Bà con người làm cá bống, người nhũi don, hến. Sông của mình cá tôm dồi dào có kém sông nào trong tỉnh đâu"-ông Lê Minh Em kể “Nhà tôi làm nghề cá bống ba đời rồi. Đến đời cha cá vẫn còn nhiều. Thuở nhỏ đi theo cha thả lưới, khi kéo lưới cá nhảy tung nước. Cuộc sống không giàu có nhưng miếng ăn luôn đủ đầy, bọn trẻ quần áo tinh tươm. Khi nhà nước chia ruộng đất cho dân, chính quyền địa phương bảo Xóm Ghe làm nghề đánh bắt khá giả nên không chia cho ai tấc đất nào. Giờ, ở sông không có cá muốn lên bờ cũng không có đất sản xuất".
Nhiều hộ ở Xóm Ghe phải úp ghe hoặc để nằm gối rồi rời quê tìm nghề khác mưu sinh. Ảnh: Trường An |
Sông Trà Khúc từ khi chắn dòng xây dựng đập dâng Thạch Nham nên dòng sông cạn, cá tôm sinh sôi ít, cộng với nhiều nơi (mà trong đó có cả người làng) dùng các phương tiện đánh bắt theo kiểu tận diệt như dùng xung điện nên cá tôm thưa vắng dần nên cuộc sống của 130 hộ dân Xóm Ghe cũng khó khăn theo. Bà Mến nhẩm tính: "Gia đình có 6 khẩu, hai đứa con đầu làm ở xa. Cái ăn bọn nó đã lo được. Còn hai nhỏ đang tuổi ăn học nên chi phí gạo, mắm muối và chuyện học bọn trẻ một tháng tiện gì cũng mất 3 triệu đồng. Đến sông xa phải làm gấp đôi sông nhà mới có ăn. Vì chi phí tiền ăn ở, tiền xăng dầu và cả tiền thuê ghe nếu làm không hiệu quả thì làm sao sống nổi".
Cuộc mưu sinh của dân chài Xóm Ghe đang khó khăn. Nhiều người nhìn sông cạn, cá tôm thưa vắng mà buồn. Chính vì vậy nên khi nghe nhà nước khởi công xây dựng đập dâng ngăn sông Trà để đảm bảo nguồn nước trên sông, nhiều hộ hy vọng có đập, môi sinh sẽ tốt trở lại, cá tôm sẽ có điều kiện sinh sôi. Nhưng rồi đập dâng làm bằng "cao su" chờ mãi mà chưa thấy nên những dân chài nơi đây chỉ còn cách khuya đến là cùng nhau lên đường ra Quảng Nam hoặc ra sông Trà Bồng đánh bắt hải sản. Nhiều người lớn tuổi sau những chuyến đi mệt mỏi thở dài: "Chẳng biết đi đánh bắt cá tôm kiểu này còn được bao lâu nữa. Nhưng không cố gắng mà đi thì biết lấy gì sống đây?".
Trường An