Đại dịch COVID-19 bùng phát, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không còn là đầu đề thời sự nữa, nhưng không có nghĩa chúng đã dừng hoạt động.
|
Các tay súng Taliban ở Afghanistan mở chiến dịch nâng cao nhận thức chống dịch cho dân - Ảnh: hstoday.us |
Trong nghiên cứu công bố hôm 8-5, TS Murat Yesiltas - giám đốc Quỹ nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội (SETA) ở Thổ Nhĩ Kỳ - đánh giá IS xem khủng hoảng y tế COVID-19 là thời cơ nên đã điều chỉnh chiến lược tấn công khủng bố. Chúng tận dụng tình hình rối ren để khôi phục lực lượng trên thế giới.
Khi giúp dân chống dịch, các băng nhóm đang bảo vệ lợi ích chính mình. Chuyên gia Jori Breslawski |
COVID-19 - đồng minh của IS
TS Murat Yesiltas ghi nhận từ đầu đại dịch, IS đã gia tăng hoạt động ở Afghanistan, Tây Phi, Trung Phi, khu vực Sahel (châu Phi), Ai Cập, Yemen và gia tăng tấn công ở Iraq, quần đảo Maldives và Philippines. Hoạt động của IS trong tháng 4-2020 được thể hiện qua hai giai đoạn. Từ ngày 2 đến 8-4 đã xảy ra 60 vụ tấn công của IS.
Dù số nạn nhân nhiều nhất ở Tây Phi nhưng 50% số vụ xảy ra ở Iraq. Từ ngày 9 đến 15-4, IS tổ chức 49 vụ tấn công, trong đó có 33 vụ ở Iraq. Các vụ tấn công của IS ở Iraq được thực hiện trong bối cảnh Pháp quyết định rút quân khỏi Iraq cũng như Mỹ giảm nhân viên ở một số căn cứ quân sự và dừng công tác huấn luyện.
Các báo cáo tình báo ghi nhận quân số IS ở Iraq tăng lên đến khoảng 3.000 tên, phù hợp với số vụ tấn công gia tăng. Trong các vụ tấn công ở Iraq, chúng đã chuyển sang chiến thuật tấn công phức tạp hơn bằng bom tự tạo và giăng bẫy. Tình hình bất ổn tại Syria cũng hậu thuẫn cho IS. Gần 500 phần tử IS đã đào tẩu khỏi các nhà tù ở Syria. Ngoài Iraq, IS còn gia tăng tấn công tại Syria dưới hình thức tấn công vũ trang, tấn công bằng bom xe và mìn bẫy.
Nghiên cứu của TS Murat Yesiltas phù hợp với nhận định được nêu trong hội thảo quốc tế trực tuyến do tổ chức phi chính phủ Quan sát quốc tế về nghiên cứu khủng bố (OIET) của Tây Ban Nha tổ chức trung tuần tháng 4-2020. Các chuyên gia đánh giá các nhóm khủng bố đã thay đổi hành vi để thích nghi với tình hình dịch.
Nhà báo Pilar Cebrián (Thổ Nhĩ Kỳ) ghi nhận bất ổn gia tăng tại một số điểm nóng ở Trung Đông. Bạo động đã xảy ra trong các nhà tù sau khi các tù nhân IS đòi khẩu trang và đồ bảo hộ. Chuyên gia Sergio Altuna thuộc tổ chức tư vấn Real Instuto Elcano (Tây Ban Nha) ghi nhận IS và Al Qaeda đã hô hào trả tự do cho tù nhân khủng bố và phát động thánh chiến trong tháng Ramadan (từ ngày 24-4).
Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo Pháp (CF2R) Alain Rodier nhận định: "IS đã xây dựng lại các chân rết trong cộng đồng Hồi giáo Sunni. Dịch COVID-19 không phải là lý do đe dọa mạng sống vì bọn IS còn nhiều rủi ro khác nghiêm trọng hơn".
Song song đó, bộ máy tuyên truyền của IS liên tục kêu gào tổ chức tấn công tại các nước phương Tây. Cựu sĩ quan tình báo Pháp Alain Rodier giải thích IS tin rằng dịch COVID-19 là dấu hiệu thần thánh phù độ chúng chống "bọn ngoại đạo".
Ông lưu ý: "Trong các tuyên bố, IS đều nhắc đến dịch COVID-19 như một chiến binh Hồi giáo. IS xem COVID-19 là đồng minh". Trong bản tin phát vào cuối tháng 3, IS đánh giá dịch COVID-19 là hành động can thiệp của thượng đế nhằm "giày vò đau đớn" phương Tây và vui mừng khi nhìn thấy phương Tây "bên bờ vực đại họa kinh tế" vì dịch bệnh.
Chuyên gia Sergio Altuna ghi nhận IS thay đổi thông điệp tuyên truyền tùy thuộc diễn biến của dịch. Ban đầu, chúng nói đây là hình phạt dành cho Trung Quốc bởi Trung Quốc đã đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Khi dịch lan đến Iran, chúng hô hào Iran đáng bị dịch vì là "bọn dị giáo". Đến lúc dịch hoành hành ở phương Tây, chúng khẳng định dịch bệnh là hình phạt của thượng đế dành cho chủ nghĩa tư bản.
|
IS hô hào trả tự do cho phạm nhân khủng bố. Trong ảnh: các phần tử IS trong nhà tù ở Al-Hasakah (Syria) - Ảnh: AFP |
Khi các băng nhóm chống dịch
Trong khi IS lợi dụng dịch bệnh để khôi phục lực lượng, nhiều tổ chức vũ trang và phiến quân lại tích cực tham gia chống dịch. Khi được mời dự họp về chống dịch sau buổi cầu kinh thứ sáu, ông Khairullah (55 tuổi, ở huyện Darzab, tỉnh Jawzjan thuộc miền bắc Afghanistan) ngạc nhiên nhìn thấy các tay súng Taliban cầm AK-47 mặc trang phục bảo hộ đón khách.
Taliban đã mở chiến dịch nâng cao nhận thức chống dịch cho người dân. Họ yêu cầu mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, cấm tụ tập hay cưới xin và cầu nguyện tại nhà, đồng thời phát xà phòng và khẩu trang cho dân. Taliban còn cho phép và hỗ trợ các nhân viên y tế chính phủ cùng các tổ chức nhân đạo quốc tế giúp dân chống dịch.
Tại Lebanon, Hezbollah đã huy động hơn 1.500 bác sĩ, 3.000 nhân viên y tế và điều động 20.000 thành viên chống dịch. Nhiều bệnh viện của Hezbollah đã tổ chức xét nghiệm và điều trị miễn phí. Một số khách sạn của Hezbollah được chuyển thành nơi cách ly. Tại Libya, các nhóm phiến quân ban hành lệnh giới nghiêm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng để hạn chế lây nhiễm.
Các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng lăn xả chống dịch. Tại Ý, bọn mafia thể hiện vai trò kiểm soát địa bàn bằng cách tuyển dân thất nghiệp làm đàn em. Băng Cosa Nostra cung cấp nguồn tiền mặt khổng lồ cứu các công ty sắp phá sản với điều kiện đổi lấy quyền đồng sở hữu. Chúng còn tổ chức phát quà cho người nghèo.
Tại Rio de Janeiro (Brazil), các băng đảng phát loa phóng thanh: "Chúng tôi ban hành lệnh giới nghiêm vì không ai đánh giá nghiêm túc tình hình. Bất kỳ ai coi thường lệnh giới nghiêm đi ra đường sẽ nhận hình phạt làm gương".
Tại Mexico, các con của trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman ở bang Sinaloa đe dọa ai vi phạm lệnh giãn cách xã hội sẽ bị trừng phạt. Lính của băng này cầm súng rảo khắp đường phố kiểm tra lệnh giới nghiêm, đồng thời tổ chức phát quà cứu trợ cho dân. Tại El Salvador, băng đảng MS-13 đáng sợ nhất Mỹ Latin đã ban hành lệnh giới nghiêm tại các khu vực cảnh sát ít dám vào.
Vì sao các tổ chức vũ trang và các băng nhóm tội phạm lại giúp dân chống dịch? Trên trang web The Conversation, chuyên gia Jori Breslawski ở Đại học Maryland (Mỹ) nhận xét: các băng nhóm cung cấp cho dân một số phúc lợi xã hội như chăm sóc y tế và giáo dục tại phần lớn những khu vực kiểm soát để đạt được tính chính danh, nhằm thu phục người dân và tìm kiếm nguồn ủng hộ từ nước ngoài.
Ngoài ra, các băng nhóm vẫn phụ thuộc người dân địa phương về tiền bạc và nguồn thông tin. Nếu để dân khó khăn trong dịch, nguồn tài trợ có thể bị cắt giảm hoặc mất hẳn. Bởi thế, khi giúp dân chống dịch, các băng nhóm đang bảo vệ lợi ích chính mình.
Để chống dịch trong khu vực kiểm soát, các nhóm vũ trang đã gạt bỏ bất đồng về chính trị và phe phái, đồng thời sẵn sàng nhờ cậy các tổ chức nhân đạo như Hội Chữ thập đỏ, tổ chức Thầy thuốc không biên giới.
Dù vậy, theo chuyên gia Jori Breslawski, quan hệ giữa đôi bên đôi lúc cũng vấp phải khó khăn. Có khi chính phủ ngăn cản các nhân viên cứu trợ tiếp cận khu vực phiến quân. Ngược lại, phiến quân có khi không tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo như đã hứa.
Bộ An ninh nội địa Mỹ đã cảnh báo bọn khủng bố có thể lợi dụng dịch bệnh để tấn công các mục tiêu tập trung đông người nhằm gieo rắc sợ hãi và hoảng loạn. Song Mỹ đánh giá không có bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng đáng tin cậy nào có thể xảy ra. Hôm 9-4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ghi nhận nguy cơ tấn công khủng bố sinh học là 1 trong 8 mối đe dọa đối với tình hình ổn định quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19. |
Nghiên cứu virus trong phòng thí nghiệm giống như đùa với lửa. Đã từng xảy ra nhiều vụ nhiễm khuẩn, thất thoát ống nghiệm chứa virus. Nguy cơ virus thoát khỏi phòng thí nghiệm như thòng lọng treo lơ lửng. Kỳ tới: Ngày virus gây họa… |
Theo HOÀNG DUY LONG (TTO)