Hình thành từ thời nhà Hồ, cửa Thuận An thay đổi vị trí theo quy luật của tự nhiên và là nơi minh chứng cho trận đánh gan dạ của nhà Nguyễn trước quân địch
Chiều tà, nhóm du khách trên chiếc thuyền rồng xuôi dòng sông Hương qua đập Thảo Long, ghé rú Chá ven phá Tam Giang tại xã Hương Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế để đắm mình trong thiên nhiên trong lành với rừng dừa, cây đước.
Từng có nhiều cửa biển
Từ đây, du khách leo lên đài quan sát để ngắm hoàng hôn buông xuống cửa Thuận An.
Hòa trong đoàn thuyền đánh cá của ngư dân, chiếc ghe chở nhóm du khách xuôi dòng phá Tam Giang - nơi đổ ra cửa Thuận An. Nơi đây gió mát, có những trảng cát trắng và rừng dương xanh. Cửa Thuận An chia xã Hải Dương với phường Thuận An (cùng thuộc TP Huế) ra làm đôi - nơi sông Hương với phá Tam Giang gặp nhau rồi đổ ra biển.
Ông Trương Viết Phương - một người nuôi cá ở cửa Thuận An, phường Thuận An - tỏ ra rất am hiểu khi giới thiệu với chúng tôi về lịch sử cửa biển này. Theo ông, cửa biển Thuận An ngày xưa - được gọi là cửa Eo - nằm giữa xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với phường Thuận An ngày nay, cách cửa biển Thuận An bây giờ tầm 3 km về phía Nam.
|
Cửa Thuận An nhìn từ cầu Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế |
"Ngày xưa, dân Thuận An và Hải Dương qua lại bằng đường bộ, có mối quan hệ bà con. Bên Thuận An gọi là làng Thai Dương Thượng hạ giáp, còn Hải Dương là Thai Dương Thượng thượng giáp. Hai làng cùng thờ một ngài khai canh là Trương Quý Công" - ông Phương cho biết.
Theo ThS Nguyễn Quang Trung Tiến, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong khoảng 2.000 năm tồn tại trước khi có cửa Thuận An, phá Tam Giang - Cầu Hai chỉ có cửa biển duy nhất là Tư Hiền ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc ngày nay. Khi đó, dòng chảy sông Yêu Lục (sông Hương sau này) theo nhánh sông An Cựu cổ đổ ra đầm Hà Trung - Cầu Hai rồi ra cửa Tư Hiền để hòa vào biển Đông.
Năm 1404, sau một trận lũ lớn, sông Hương bị vỡ và mở thêm một cửa biển - tức cửa Eo - nằm giữa làng Thai Dương Thượng hạ giáp với làng Hòa Duân, thuộc xã Phú Thuận bây giờ. Khi đó, cửa biển này có tên là Yêu Hải môn, Noãn Hải môn, Nhuyễn Hải môn, Nộn môn. Đến năm 1813, vua Gia Long mới đổi thành Thuận An hải khẩu. Cũng từ đó, dòng chảy của sông An Cựu cổ trở thành chi lưu của sông Hương, nhiều đoạn bị đứt quãng khiến cửa Tư Hiền thiếu lượng nước đổ về nên dẫn đến bị bồi lấp.
|
Khu vực cửa Eo |
Vậy nhưng, sự xuất hiện của cửa Eo đã không được con người lúc đó đón nhận. ThS Nguyễn Quang Trung Tiến dẫn chứng: Chính sử đã ghi nhận ngay sau khi cửa Eo xuất hiện, vua Hồ Hán Thương (1401-1407) đã huy động quân lính ở Thuận Hóa đào đất lấp lại nhưng các mùa lũ sau nó lại mở ra. Đến năm 1467, dưới thời vua Lê Thánh Tông, cửa Eo lại được lấp để phá Tam Giang chỉ còn cửa Tư Hiền hoạt động.
"Ở thời vua Lê Hiến Tông, trong khoảng thời gian năm 1498-1504, cửa Eo lại vỡ lớn, sâu hơn trước và con người không thể lấp lại được. Kể từ đó, phá Tam Giang có 2 cửa biển là Tư Hiền và cửa Eo. Trong đó, cửa Eo là cửa chính, là hải khẩu quan trọng nhất và tồn tại đến mấy trăm năm" - ông Tiến cho biết.
Vào cuối thể kỷ XVII, mưa bão đã mở ra một con lạch nhỏ nằm giữa 2 làng Thai Dương Thượng hạ giáp và Thai Dương Thượng thượng giáp. Năm 1909, đợt mưa lũ lịch sử đã làm con lạch này mở rộng hơn, tạo thành cửa biển mới là cửa Thuận An bây giờ. Trong khi đó, cửa Eo bị bồi lấp rồi biến mất sau 500 năm hình thành.
Dấu tích bi hùng
Chúng tôi tìm tới cửa biển cũ - cửa Eo ở phường Thuận An và xã Phú Thuận, nay là tuyến Quốc lộ 49B băng qua. Vị trí trận đại hồng thủy năm 1999 xé toạc cửa Eo, cuốn bao mạng người nay là rừng phi lao xanh ngát và một trảng cát rộng khoảng 100 m, nối giữa phá Tam Giang với biển.
Lão ngư Trần Quang Duế (ngụ xã Phú Thuận) kể rằng cơn lũ năm đó khiến cửa Eo mở ra với chiều rộng 300 m, ngăn cách giữa 2 làng. Tuy nhiên, với sức người, sức của kết hợp với phương tiện kỹ thuật tiên tiến, cửa biển này được lấp lại sau đó vài năm. Sau khi cửa biển được lấp lại thì cát bồi lấp vào, tạo thành lớp bảo vệ vững chắc.
|
Di tích Trấn Hải thành |
Đến cửa Eo phải di chuyển qua con đường Trấn Hải Thành, Lê Sĩ khiến nhiều người nhớ đến lịch sử chiến đấu giữ gìn nền độc lập dân tộc của triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Đó là công trình phòng thủ Trấn Hải thành nằm bên cửa Eo (hiện là căn cứ của một đơn vị biên phòng), được xây dựng theo kiến trúc Vauban còn sót lại ở Đông Dương. Đây là nơi hy sinh của quan trấn thủ xứ Thuận An Lê Sĩ trong trận đánh với quân Pháp năm 1883.
PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng cửa Eo trở thành cửa biển quan trọng bậc nhất của kinh thành Huế thời bấy giờ. Vào đầu thời vua Gia Long, triều đình đã lập thủ sở với 3 đội lính lệ có nhiệm vụ đi tuần phòng ngoài biển.
"Đại Nam nhất thống chí" cho biết Trấn Hải thành được đắp năm 1813, hình tròn, chu vi 71 trượng 2 thước, cao 15 thước; đài chu vi 17 trượng 2 thước, hào rộng 1 trượng và sâu 6 thước, có 99 ụ súng. Do tính chất quan trọng của cửa ngõ đường thủy kinh đô nên quan chức và binh lính giữ Trấn Hải thành được tăng cường và quy định rất cẩn trọng trong chuyển giao phiên ứng trực. Chính vì vậy, các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức luôn quan tâm tu bổ và đặt quan binh trấn giữ nơi này.
Tháng 4-1847, sau vụ tấn công của Hải quân Pháp vào Đà Nẵng, vua Thiệu Trị cho xây dựng thêm pháo đài ở làng Hòa Duân, thuộc xã Phú Thuận ngày nay. Nghiên cứu của PGS-TS Đỗ Bang khẳng định phía trong phá Tam Giang là hệ thống phòng thủ liên hoàn gồm nhiều đồn lũy khác nhau như: Cồn Sơn, Hạp Châu, Lộ Châu, Hy Du, Hải Trình, Thuận Hóa, Quy Lai, đại đồn Triều Sơn để chặn đánh khi quân Pháp tiến lên sông Hương, vào kinh thành Huế.
Lúc 4 giờ 30 phút ngày 18-8-1883, quân Pháp huy động 8 chiến hạm với hơn 1.050 lính bộ tấn công cửa Thuận An. Sau 3 ngày bị tấn công, Trấn Hải thành thất thủ. Nhiều tướng giỏi như Lê Sĩ, Lê Chuẩn, Nguyễn Trung, Lâm Hoành, Trần Thúc Nhẫn… cùng hàng ngàn bính lính và người dân đã hy sinh.
"Sự cố gắng của triều đình nhà Nguyễn đã không mang lại kết quả như mong muốn vì đối đầu với một lực lượng không cân sức, trong khi hệ thống phòng thủ Thuận An - sông Hương còn nhiều nhược điểm về tính bền vững và an toàn. Triều Nguyễn đã không cứu được mình cũng như cứu vãn nền độc lập dân tộc nhưng các công trình phòng thủ và những người đã hy sinh trong trận chiến chống quân Pháp ở Thuận An mãi được lưu danh" - PGS-TS Đỗ Bang nhận xét.
Trông chờ một dự án
Thuận An được vua Thiệu Trị xếp vị trí thứ 10 trong "Thần kinh nhị thập cảnh". Nơi đây có bờ biển trải dài hơn 4 km và hiện trở thành địa điểm thu hút số lượng du khách đến tắm biển, nghỉ dưỡng lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sau 6 tháng khởi công, dự án đường ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 1 đang khẩn trương thi công cầu vượt cửa Thuận An dài 2.360 m và đường dẫn với tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng. Ông Lê Văn Đủ, Bí thư Đảng ủy phường Thuận An, cho biết người dân rất trông chờ dự án này hoàn thành để giao thông thuận lợi. Địa phương đang mời gọi đầu tư hạ tầng du lịch - dịch vụ ven biển, làm cho Thuận An phát triển hơn.
|
Thi công cầu vượt cửa Thuận An |
Nhà gần cửa Thuận An nên sáng nào cụ Trần Văn Hồng cũng tản bộ ra công trình xây cầu vượt này để xem. Cụ nói rằng ông cha lúc trước qua lại để thăm nhau mỗi ngày, song cửa biển mở ra, cách trở đò giang nên thi thoảng mới gặp nhau. "Người ta nói cầu sẽ xây 3 năm mới xong. Tôi mong mình còn sống đến khi đó để được con cháu dẫn đi qua cầu" - cụ tâm sự.
Từ khi dự án cầu vượt cửa Thuận An rục rịch triển khai, giá đất ở khu vực xung quanh tăng lên chóng mặt, có vị trí lên đến 30-40 triệu đồng/m2. Điều này cho thấy dự án đang được người dân chờ đợi. Sau khi dự án hoàn thành sẽ thu hút đầu tư, tạo luồng gió mới để không những Thuận An mà cả TP Huế cũng như tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển.
Đô thị động lực phía Đông của Huế Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, cho biết Thuận An đang được định hướng phát triển trở thành đô thị động lực phía Đông của thành phố. Ngoài xây dựng tuyến đường từ trung tâm Huế về Thuận An, cầu qua cửa biển, tuyến đường ven biển, tỉnh Thừa Thiện - Huế đã và đang chỉ đạo rà soát điều chỉnh khu vực Thuận An theo hướng di dời, sắp xếp dân cư, mồ mả, tăng số lượng và mật độ xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ du lịch biển, kêu gọi đầu tư các khách sạn có quy mô lưu trú lớn. Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển cảng Thuận An; phát triển đô thị đầm phá, đô thị sinh thái; phát triển nuôi trồng thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học. |
Theo Bài và ảnh: QUANG NHẬT (NLĐO)