(GLO)- Ấy là chúng tôi muốn nói đến những già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng nơi biên giới. Họ có vai trò to lớn trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng biên giới ngày càng vững mạnh.
Cố kết cộng đồng
Trưởng thôn Ksor Phiếu (làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) được biết đến như một tấm gương điển hình trong việc nêu cao tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm trên địa bàn biên giới. Cuối tháng 2-2015, ông đã góp phần ngăn chặn kịp thời hai đối tượng lạ mặt vào địa bàn trong đêm tối để tìm đường vượt biên sang Campuchia. Theo lời kể của Trưởng thôn Ksor Phiếu, khoảng 11 giờ đêm, vợ chồng ông đang ngồi xem ti vi thì thấy hai thanh niên vào nhà hỏi đường về làng Cúc, làng O. Nhìn thoáng qua, biết đây không phải thanh niên trong làng và cách ăn mặc, nói chuyện có dấu hiệu khả nghi, ông liền ra hiệu cho vợ rót nước mời “khách” để kéo dài thời gian. Về phần mình, ông tìm cách gọi điện thoại báo cho lực lượng chức năng tới kiểm tra. Quả đúng như ông nghi ngờ, khi vừa nhìn thấy lực lượng chức năng, hai đối tượng vội leo lên xe hòng bỏ trốn. Qua đấu tranh khai thác, 2 đối tượng thừa nhận đang định tìm đường câu móc, vượt biên sang Campuchia.
Hướng dẫn người dân làm lúa nước. Ảnh: P.D |
Cũng như Trưởng thôn Ksor Phiếu, nhiều năm qua, già Siu Hlim (làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) đã không quản ngại đêm ngày, lặn lội đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia giữ gìn đường biên, mốc giới. Đặc biệt, già không quên nhắc nhở bà con, nhất là những hộ có nương rẫy ngay sát đường biên mốc giới, yên tâm lao động sản xuất, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tố giác tội phạm và không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, kích động, lôi kéo để bỏ ruộng vườn, bỏ nhà cửa… Nhất là khi phát hiện người lạ mặt vào địa bàn, người dân phải báo ngay với chính quyền địa phương và đồn biên phòng để kịp thời ngăn chặn những tình huống xấu có thể xảy ra.
Riêng già Siu Quý (làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) thì luôn được bà con kính nể bởi cách giải quyết các mâu thuẫn trong làng “thấu tình đạt lý”. Già bảo, muốn bà con cùng chung tay góp sức trong việc giữ gìn an ninh biên giới thì trước hết mình phải tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng. Vì vậy, dù đêm tối hay sáng sớm, hễ trong làng có chuyện cần giải quyết, từ chuyện trộm gà, heo cho đến vợ chồng, hàng xóm xô xát nhau… ông đều lắng nghe và đưa ra cách giải quyết khiến mọi người “tâm phục khẩu phục”…
Phát huy vai trò của người có uy tín
Theo thống kê, hiện nay trên khu vực biên giới của tỉnh có 131 già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Đây là những người được cộng đồng tín nhiệm, luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tham gia phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh ở địa phương.
Đại tá Lê Thuần Huy-Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhấn mạnh: Để phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm, Bộ đội Biên phòng tỉnh thường tổ chức khảo sát, đánh giá về tình hình công tác vận động của những người có uy tín trong cộng đồng và rà soát, xác định, thống nhất việc phân công, phân cấp vận động người có uy tín. Đặc biệt vào những ngày lễ, Tết, Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan và cấp ủy chính quyền các cấp tổ chức thăm hỏi, động viên, đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng những người uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, tích cực thực hiện và vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Anh Huy