Công ty Ngọc Thạch Khôi: Thành công với sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã chế biến thành công sản phẩm rượu ngâm đinh lăng.
 Sản phẩm rượu ngâm đinh lăng của Công ty TNHH MTV Ngọc Thạch Khôi được trưng bày tại Hội chợ triển lãm OCOP tỉnh Gia Lại lần thứ 1-2019. Ảnh: Thảo Nguyên
Sản phẩm rượu ngâm đinh lăng của Công ty TNHH MTV Ngọc Thạch Khôi được trưng bày tại Hội chợ triển lãm OCOP tỉnh Gia Lại lần thứ 1-2019. Ảnh: Thảo Nguyên
Có kinh nghiệm trồng cây đinh lăng gần 10 năm nay, anh Trần Thế Vinh-Giám đốc Công ty Ngọc Thạch Khôi (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) chia sẻ: “Từ xa xưa, y học cổ truyền đã dùng đinh lăng dưới dạng thuốc sắc hay đinh lăng ngâm rượu vì nó có tác dụng như nhân sâm, chữa được nhiều bệnh, rất tốt cho sức khỏe. Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã gọi đinh lăng là “cây sâm của người nghèo”. Vì vậy, khi cây hồ tiêu chết, giá giảm thấp, tôi nghĩ tại sao mình không chuyển đổi sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Thế là từ năm 2010, tôi bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu về lĩnh vực cây dược liệu như đinh lăng, đương quy. Sau đó, tôi quyết định chuyển đổi phần lớn trong 5 ha đất hồ tiêu của gia đình sang trồng đinh lăng, phần còn lại thử nghiệm trồng đương quy. Sau 6 năm trồng và chăm sóc, thấy cây đinh lăng sinh trưởng, phát triển tốt, giá bán ổn định, năm 2017, tôi quyết định mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời đầu tư máy móc sản xuất rượu ngâm đinh lăng. Đồng thời, tôi thành lập Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi”.
Cũng theo anh Vinh, ngoài vùng nguyên liệu sẵn có, Công ty đã liên kết với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa trồng đinh lăng trên diện tích 5 ha. Trong năm nay, Công ty tiếp tục liên kết thêm 5 ha nữa ở huyện Chư Sê để đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất. Anh Vinh cho biết, cây đinh lăng trồng 3-5 năm là có thể khai thác, nếu 5 năm sẽ có hàm lượng dưỡng chất tốt nhất. Đinh lăng ngâm rượu chỉ dùng rễ (củ) vì phần này khá mềm, chứa nhiều saponin có tác dụng như nhân sâm, sinh tố B1 và khoảng 13 loại acid amin cần thiết cho cơ thể, có tác dụng tăng cường trí nhớ, tăng lực, chữa bệnh thiếu máu, bổ thận tráng dương, đau tức ngực, viêm gan… Quy trình sản xuất rượu đinh lăng được thực hiện hoàn toàn khép kín từ việc đầu tư dây chuyền máy móc nấu rượu gạo, sơ chế đến khâu ngâm. Rượu ngâm đinh lăng được ngâm 3-6 tháng, sau đó đưa qua hệ thống máy lọc để khử độc tố aldehyde và methanol, sau đó mới đóng chai.
“Với khát khao nâng tầm sản phẩm để vươn ra thị trường nên khi được tham gia chương trình OCOP, Công ty không những hoàn thiện về mặt chất lượng thông qua các chứng nhận của ngành chức năng mà còn củng cố về mặt mẫu mã, bao bì sản phẩm. Sản phẩm rượu ngâm đinh lăng của Công ty đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019 chấm đạt 3 sao. Mới đây, Công ty được một đối tác đặt vấn đề hợp tác lâu dài về việc cung ứng số lượng lớn rượu ngâm đinh lăng đóng chai”-anh Vinh thông tin thêm.
Qua 2 năm tiếp cận thị trường, sản phẩm rượu ngâm đinh lăng của Công ty Ngọc Thạch Khôi đã có mặt ở nhiều thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ông Cao Sơn Chuyền (xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), một nhà phân phối của Công ty Ngọc Thạch Khôi, cho hay: “Rượu ngâm đinh lăng là một sản phẩm mới trong nhiều sản phẩm bồi bổ sức khỏe hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, qua một thời gian bán sản phẩm này của Công ty Ngọc Thạch Khôi, tôi thấy khách hàng rất tin tưởng về chất lượng. Họ dùng rượu ngâm đinh lăng trong bữa ăn hàng ngày để bồi bổ sức khỏe. Do đó, số lượng bán ra ngày một tăng, khách hàng không chỉ là người địa phương mà còn ở các huyện trong và ngoài tỉnh”.  
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.