Công ty bầu Đức 'chia tay' thủy điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau mảng bất động sản, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục rút vốn khỏi thủy điện để tập trung phát triển mảng nông nghiệp.
 
Hoàng Anh Gia Lai đang tập trung vào mảng nông nghiệp. Ảnh: HAG
Nghị quyết Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) được thông qua ngày 10.12 nêu rõ, sẽ chuyển nhượng toàn bộ 248,5 triệu cổ phần thuộc sở hữu của HAG tại Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, tương đương 99,4% vốn điều lệ.
Mục đích nhằm đẩy mạnh công tác tái cấu trúc Tập đoàn theo hướng mạnh dạn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường tập trung vào nông nghiệp.
Trước đó cuối tháng 9.2019, HAG đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH V&H Corporation (Lào) liên quan đến Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, phần vốn chuyển nhượng chiếm 80% vốn tại V&H Corporation.
Tại Báo cáo tài chính quý 3/2019, HAG cho biết đang thanh lý hai doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực thủy điện là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu - Nậm Kông 2 (trụ sở tại Viêng Chăn, Lào) và Công ty TNHH Nậm Kông 3 (trụ sở tại Attapeu, Lào). Đây là hai doanh nghiệp do HAG sở hữu 99,4%.
Doanh thu tài chính trong quý 3/2019 của công ty cao gấp đôi cùng kỳ năm trước khi đạt gần 1.439 tỉ đồng, chủ yếu đến từ ghi nhận lợi nhuận thanh lý các khoản đầu tư, trong đó có việc chuyển nhượng số cổ phần còn lại của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land) cho Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.
Như vậy, sau khi bán hết cổ phần tại Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, HAG đã hoàn toàn rút khỏi mảng thủy điện, sau khi rút hoàn toàn khỏi mảng bất động sản trước đó.
Doanh thu của HAG hiện chủ yếu đến từ mảng trái cây với tỷ trọng khoảng 64%, các hoạt động nông nghiệp khác như bán mủ cao su và bán ớt đóng góp lần lượt 13% và 9%.
Nhờ một loạt động thái tái cấu trúc nên nợ vay của HAG giảm mạnh. Đến hết ngày 30.9, các khoản vay ngắn hạn giảm còn 4.052 tỉ đồng, giảm gần 3.000 tỉ đồng và vay dài hạn xuống còn 10.700 tỉ đồng, giảm gần 4.000 tỉ đồng so với đầu năm nay.
Mai Phương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.