(GLO)- Bên cạnh xác minh, truy bắt các đối tượng phạm pháp, việc vận động đầu thú luôn là ưu tiên hàng đầu của lực lượng Công an. Từ đầu năm đến nay, Công an toàn tỉnh đã vận động 27 đối tượng có lệnh truy nã. Đằng sau con số ấy là rất nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh và lực lượng Công an cũng mất nhiều công sức nhằm thuyết phục những người lầm lỗi tự nguyện trình diện để hưởng chính sách khoan hồng, không lãng phí thời gian của cuộc đời mình trong sự lẩn trốn.
Một đối tượng truy nã đến cơ quan Công an đầu thú. Ảnh: T.N |
Một ngày tháng 4-2016, Đại úy Bùi Anh Sáng-cán bộ Phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ truy nã đối tượng Trịnh Minh Hải (SN 1988, trú tại xã Ia Pia, huyện Chư Prông) về tội đánh bạc. Qua xác minh lai lịch đối tượng và thông tin trinh sát, anh và đồng đội biết được trong quá trình lẩn trốn, Hải thỉnh thoảng gọi điện về cho mẹ và vợ. Mẹ Hải bị tai biến, không đi lại được đã nhiều năm. Trước hoàn cảnh đó, anh nhờ một người có uy tín trong gia đình bên vợ của Hải tác động để gặp vợ và mẹ Hải, động viên, thuyết phục họ kêu gọi Hải ra trình diện. Đại úy Sáng kể: “Trong quá trình vận động, chúng tôi được biết khi bị lực lượng Công an ập vào rẫy vắng để bắt giữ nhóm đánh bạc ăn tiền, do quá sợ hãi, Hải chạy trốn và bị rơi xuống giếng ở rẫy vắng bị gãy cả 2 chân. Hôm sau, chủ rẫy đi làm thì phát hiện, cứu được Hải. Hải liên lạc với gia đình, đi chữa bệnh ở nhiều nơi. Do đó, trong quá trình vận động, chúng tôi vừa động viên, tác động để Hải biết nghĩ đến mẹ, đến gia đình mình, vừa tạo điều kiện để Hải khám-chữa bệnh. Ngày 31-5-2016, sau khi đã ổn định sức khỏe, Trịnh Minh Hải đã đến cơ quan Công an đầu thú”.
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, một số đối tượng đã chọn cách chạy trốn thay vì chịu trách nhiệm những gì mình gây ra. Trong số đó, nhiều người sống trong mặc cảm tội lỗi nhưng lại không đủ dũng cảm để ra đầu thú. Nắm bắt được tâm lý này, lực lượng Công an đã thực hiện nhiều biện pháp, nhất là tranh thủ người có uy tín, chính quyền, gia đình để một mặt tuyên truyền pháp luật, mặt khác trực tiếp hoặc gián tiếp tác động vào tư tưởng, tình cảm của đối tượng. Tuy nhiên, việc gặp gỡ, tiếp xúc gặp không ít khó khăn vì nhiều gia đình do mặc cảm hoặc bao che cho con, em mình nên không muốn hợp tác với cơ quan Công an, tìm nhiều lý do để tránh né. Do đó, cán bộ vận động cần hiểu rõ lai lịch, nhân thân, hoàn cảnh gia đình đối tượng và hết sức kiên trì, khéo léo với một tình cảm chân thành thì mới có thể thành công. Trong quá trình vận động đối tượng Nguyễn Anh Tuấn (SN 1966, trú tại xã Trà Đa, TP. Pleiku) bị truy nã về tội trốn thuế, Đại úy Nguyễn Trung Nghĩa-cán bộ Phòng Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Công an tỉnh) đã tìm gặp vợ của Nguyễn Anh Tuấn đang ở trọ cùng 3 người con để vận động. Ban đầu, vợ của Tuấn tỏ ra bất hợp tác, nhưng trước sự kiên trì, bền bỉ động viên, giải thích, vợ Tuấn đã đồng ý để Đại úy Nghĩa trực tiếp liên lạc với Tuấn. Gần một tháng liên tục gọi điện thuyết phục, khi Nguyễn Anh Tuấn quyết định từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai để đầu thú thì bất ngờ bị tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị. Trước tình cảnh ấy, Đại úy Nghĩa thường xuyên đến thăm hỏi, động viên Tuấn yên tâm điều trị để nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Đến sáng 14-3-2016, sau khi xuất viện, Nguyễn Anh Tuấn đã đến cơ quan Công an đầu thú.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 215 đối tượng bị truy nã, trong đó có 63 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Đại tá Trần Quang Huy-Trưởng phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm (Công an tỉnh) cho biết: “Vận động đầu thú vừa thể hiện tính nhân văn, vừa giảm công sức cho lực lượng Công an, tăng hiệu quả công tác điều tra. Do đó, lãnh đạo đơn vị luôn quán triệt cán bộ, chiến sĩ chú trọng công tác vận động đầu thú, trau dồi khả năng tuyên truyền, thuyết phục, giúp đối tượng thoát khỏi mặc cảm, ra trình diện trước pháp luật để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước”. |
Mới đây nhất, ngày 8-7-2016, Đại úy Nghĩa cũng đã thuyết phục được gia đình kêu gọi đối tượng Vương Quý Lộc (SN 1985, trú tại thôn 2, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah), bị truy nã về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội đến cơ quan Công an trình diện.
Thế nhưng cũng có những trường hợp dở khóc dở cười. Đại úy Nguyễn Anh Sáng nhớ lại có lần, anh thuyết phục được một người mẹ gọi con trai ra đầu thú. Anh con trai cũng xiêu lòng, nhưng đến phút cuối, anh này cho xin vài phút lấy bộ đồ rồi… trốn mất. Anh nói: “Diễn biến tâm lý con người nhiều khi cũng khó nắm bắt. Ngỡ họ thực sự muốn ra trình diện rồi nhưng đến phút cuối đối tượng lại đổi ý. Tôi vừa buồn, vừa tiếc cho họ vì chính họ vừa đánh mất một cơ hội được sớm sửa chữa lỗi lầm”.
Thoại Nhân