(GLO)- Nhắc đến Thành cổ Quảng Trị, cũng đồng thời là nhắc đến cuộc chiến đấu 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa năm 1972; trái tim và ý chí của những người lính trẻ đã làm nên một đài tưởng niệm bất tử về khát vọng hòa bình, độc lập thống nhất.
Thế nhưng, lịch sử Thành cổ không chỉ được viết nên bởi những người lính đã không ngần ngại dâng hiến trái tim của tuổi hai mươi, bởi song hành cùng cuộc chiến ấy, có hàng vạn người dân chân lấm, tay bùn, dẫu đạn bom bủa vây, sống chết trong gang tấc, vẫn hiên ngang chèo thuyền đưa bộ đội vượt sông, thậm chí lấy thân mình hứng làn đạn địch, mở đường máu cho bộ đội tiến lên phía trước.
Bức ảnh hai cha con o Thu chèo đò đưa bộ đội vượt sông Thạch Hãn do phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chụp được treo trang trọng tại phòng khánh tiết Thành cổ. |
Giờ thì làng Giang Hến (nay thuộc Tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) không còn mấy nhà làm nghề cào hến, cho dù đây được xem là một nghề truyền thống của làng. Thế nhưng, o Nguyễn Thị Thu hàng ngày vẫn lặng lẽ với nghề cào hến nơi bến đò xưa, miệt mài ngụp lặn trong dòng nước bạc. Công việc này đối với o Thu, không chỉ đơn thuần là sinh kế, mà còn là một cách để o nuôi nấu hy vọng tìm được thi hài của những người bộ đội đã hy sinh trong những chuyến vượt sông của mùa hè đỏ lửa mấy chục năm về trước.
Trong những năm 1968, người dân làng Giang Hến phải di dân qua làng Tiền, cách làng cũ khoảng 5 km để quân đội Sài Gòn lấy đất xây dựng sân bay Ái Tử. Đến bây giờ, o Thu vẫn nhớ như in cột mốc ngày 28-6-1972, ngày mở màn cuộc chiến đấu 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, đoạn từ xã Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thành trở thành huyết mạch quan trọng của Quân Giải phóng. Bến đò làng Tiền trở thành điểm đón, đưa Quân Giải phóng vào chiến trường cho dù việc tiếp tế cho chiến trường Thành cổ hết sức khó khăn.... Mới 17 tuổi, o Thu đã tình nguyện cùng với ba chồng nhận nhiệm vụ chèo thuyền đưa bộ đội sang sông. Mang tiếng là gái đã có chồng, được nhà chồng mang cau trầu sang dạm hỏi, thế nhưng, o Thu chưa một lần nhìn thấy mặt người bạn đời của mình bởi anh cũng đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Hình ảnh hiên ngang, can trường của cha con o Thu trên bến đò Tiền đã lọt vào ống kính của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính. O còn nhớ, ngày đó, người phóng viên này đã hỏi o: “O không sợ à? và o đã khảng khái trả lời: “Sợ chi, giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!”. Thế nhưng, phải 38 năm sau, cũng trên bến sông năm xưa, trong cuộc hạnh ngộ ngỡ như mơ với ông Đoàn Công Tính, o Thu mới biết bức ảnh của hai cha con mình được treo trang trọng ở phòng khánh tiết của Thành cổ Quảng Trị.
Trong lớp lớp những ký ức lửa đạn của mùa hè 1972, o Nguyễn Thị Thu vẫn nhớ không ít lần cả hai cha con được các anh bộ đội lấy thân mình để bảo vệ: "Lần đó khi thuyền ra đến giữa dòng nước xoáy, bom B52 Mỹ thi nhau tấp xuống, các chú bộ đội nằm đè lên bảo vệ cha con tui. Nhưng cha tui vùng dậy, nói oang oang: Nằm yên đấy, da bố đen và bóng như thế này bom đạn nó có nhắm trúng cũng văng trượt ra thôi". Nhắc lại chuyện cũ, người đàn bà đã luống tuổi không khỏi ngậm ngùi: “Một lần khác, thuyền trúng đạn chòng chành, tui cùng cha nhảy ùm xuống sông, trên vai dìu người chiến sĩ bị thương nặng. Nhưng rồi giữa dòng nước xoáy sâu, tui kiệt sức lúc nào không biết... Khi tỉnh lại, thấy tay mình đang cầm lá thư viết bằng bút mực đã bị nước làm nhòe hết chữ - kỷ vật của người chiến sĩ kịp gửi lại trước lúc vĩnh viễn hóa thân vào dòng Thạch Hãn… ”. Cạnh bàn thờ tổ tiên, o Thu còn lập một ban thờ riêng để thờ đồng đội, ở đó, không có di ảnh, chỉ có chiếc ba lô cũ sờn và đôi dép cao su làm vật tượng trưng. Giọng o Thu chùng xuống, nghẹn ngào: “Hàng ngàn chiến sĩ hy sinh trên dòng sông này chỉ mới mười tám, đôi mươi, có người chưa một lần nắm tay con gái…”.
Cuộc hội ngộ giữa o Nguyễn Thị Thu và ông Đoàn Công Tính bên bến đò năm xưa. |
Trong điệp trùng những ký ức chiến tranh, người cựu binh già Lê Bá Dương vẫn không nguôi quên hình ảnh người du kích có nhiệm vụ dẫn đường cho đại đội anh trong một trận đánh trong đêm tháng 5-1972 ở xã Hải Hòa. Cả đại đội đang hành quân hướng về bến nước làng Phú Kinh của xã Hải Hòa thì một trận pháo của địch dội xuống; khoảng một nửa đội hình bị hy sinh, kể cả người đại đội trưởng. Lê Bá Dương dù bị một mảnh pháo trúng cánh tay nhưng nhận nhiệm vụ tiếp tục chỉ huy đại đội cùng người du kích tiếp cận bờ sông. “Bom đạn như ri thì không biết tui và anh có dễ sống được không. Tui và anh cứ chỉ trước đường đi cho anh em cả đơn vị chủ động mà tìm đến mục tiêu, nhỡ không may cả tui và đồng chí cũng hy sinh như các đồng chí vừa nãy”-người du kích nói về cái chết mà vẫn bình thản như nói chuyện cày cấy hàng ngày, anh Lê Bá Dương nhớ lại.
Những người lính lần lượt bám phao vượt sông trong làn đạn tới tấp. “Trong làn đạn pháo sáng như ban ngày, có thể nhìn thấy những người lính của đại đội lần lượt trúng đạn và hô lớn “Phải chiến thắng” sau đó chìm hun hút trong dòng nước sùng sục như sôi. Kế bên, người du kích dẫn đường cũng đang vừa đạp nước, vừa điểm từng loạt AR15 được kê trên chiếc phao kết bằng thân cây chuối”. Theo phản ứng tự nhiên, Lê Bá Dương nhích phao sang người du kích nhưng chỉ kịp nhìn thấy từng ngón tay anh cứ tuột dần khỏi thân cây chuối và vuột chìm xuống dòng sông ấy, chưa kịp để lại cho đồng đội dẫu chỉ là một cái tên gọi hay một dòng địa chỉ.
Nhưng ấn tượng hơn cả, với cựu binh Lê Bá Dương, có lẽ là sự hy sinh thân mình hứng đạn, mở đường máu cho bộ đội tiến lên phía trước của những người dân nơi đây. “Sáng 17-7-1972, địch tập trung 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và 2 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép tiến về phía làng Ngô Xá Tây- phía Đông Thành cổ. Trước chúng là hàng trăm phụ nữ và trẻ em bị bắt làm lá chắn đỡ đạn cho chúng. Đây quả là bài toán khó đối với các chiến sĩ Quân Giải phóng. “Bằng mọi cách bảo vệ dân”-đó là mệnh lệnh của trận đánh! Địch mỗi lúc càng áp sát nhưng ta không thể nổ súng. Bất ngờ, trong đoàn người, một phụ nữ tầm 40 tuổi, xoay người ấn đứa con chưa đầy 10 tháng tuổi vào tay một phụ lão đứng sau mình rồi chạy vượt lên trước hô to: - Giải phóng ơi bắn đi, đừng cho chúng cướp làng… Một loạt AR15 cắt ngang tiếng thét của chị, chị lảo đảo gục xuống trong tư thế hai tay dang rộng chặn đường địch. Đằng sau chị, hàng trăm người dân ào lên xô dạt bọn địch, mặc những mũi lê tứa máu, những khẩu súng trên tay quân thù thi nhau nhả từng loạt đạn vào đoàn người. Trận đánh giằng co tới tối mịt, toàn bộ binh địch cuối cùng tháo chạy, các chiến sĩ ta cũng vừa tìm đến với bà con. Trong khét lẹt mùi bom pháo, mọi người đứng lặng yên, vĩnh biệt người phụ nữ và hàng chục người dân dũng cảm”-giọng anh Lê Bá Dương chùng xuống, nghèn nghẹn.
Trong bom đạn cày xới của chiến tranh khốc liệt, người dân nơi đây vẫn kiên gan dành lại từng tấc đất quê hương; sự can trường của các mẹ, các chị đã góp phần tạo nên nốt trầm của khúc tráng ca Thành cổ.
Hà An