Cơm gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Anh nhận được điện thoại của sếp: chuyên viên thanh tra của tổng công ty sẽ đáp máy bay vào chiều chủ nhật. Anh có nhiệm vụ chăm sóc tới tận răng cho một tuần lễ tại Sài Gòn của ông chuyên viên.

I



Tốt nhất là cho ông ấy cái cảm giác nồng ấm nhất. Nếu không, hậu quả chắc anh biết rõ. Buổi sáng tan loãng theo dư vị đắng nghét của ngụm cà phê.

Anh cuống cuồng tìm sự tham mưu từ cái hội bạn thích sưu tầm điều hay ho của mình. Nhiều cái chau mày suy nghĩ. Nhiều cái ý tưởng đưa ra. Ngay cả những cái nhếch môi đầy mỉa mai. Thứ gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền. Chú mày khéo lo. Bốn năm nhiệm kỳ của sếp năm nào cũng thanh tra. Năm nào chả qua. Tài khoản sếp có vơi đi tháng này thì tháng sau lại đầy.


 

II



Cô chẳng bao giờ đón khách cuối tuần, anh biết mà. Lại là tối chủ nhật. Điều cấm kỵ ngay từ khi cô mở tiệm. Anh là khách quen, điều này lại càng rõ. Nhưng em giúp anh lần này được không? Chẳng qua là ông thanh tra vào, anh muốn…, ờ thì muốn ổng có bữa cơm gia đình trong mấy ngày công tác. Cơm gia đình lúc nào cũng khiến đàn ông cảm thấy ấm áp mà. Vậy đi, anh trả gấp ba.

Phía bên kia điện thoại vẫn là sự im lặng. Anh nghe nhịp tim mình đánh thình thịch từng hồi. Được rồi, coi như em giúp anh nhé, anh trả gấp năm, chuyển khoản ngay tức thì cho em. Đáp lại lời anh là tiếng thở dài. Nhẹ tênh.

Anh chọn món và gởi qua em. Tiệm chỉ mở cửa từ sáu giờ chiều và đúng mười giờ đêm sẽ đóng cửa. Cô cúp máy vội.


 

III



Chị bảo mớ cà chua bi này trái chín mọng, vàng đều. Chồng chị thích ăn nó vì có mùi cà phê. Chồng chị cứ như gã trẻ con. Để vào tủ lạnh mấy trái cà chua bi rồi đem chấm với muối ớt ăn như thể đó là món trái cây tráng miệng của anh sau mỗi bữa ăn. Mà cái giống cà chua bi này không phải ở đâu cũng có hàng, người ta lai giống như thế nào mà nó ra được cái thứ lạ lùng. Bởi cuộc đời có nhiều thứ mình hổng thể ngờ.

 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG



Cô nhìn chị sững người. Ủa…, cũng có loại cà chua này à? Em đi chợ hằng ngày chưa thấy bao giờ. À, chị đặt tận Đà Lạt về hèn chi…

Ngày ấy, cô đến cùng câu chuyện không đầu không đuôi, nửa muốn che giấu, nửa muốn trút cạn lòng. Những đêm dài mất ngủ triền miên. Những lần đắm mình trong rượu và thuốc lá khiến ngay cả chính cô cũng tự thừa nhận mình chỉ là xác sống. Một cái xác sống vật vờ giữa cuộc đời láo nháo này.

Chị đốt một chút trầm lên. Không khí trong phòng bắt đầu dịu nhẹ. Xác sống được nằm ngay ngắn trên cái sô pha. Nhắm mắt lại. Thả trôi muộn phiền. Xác sống bắt đầu kể. Câu chuyện đứt quãng ở năm mười hai tuổi. Nhiều giọt nước mắt. Xác sống chụp vội cái áo khoác. Hẹn chị lần sau.

Rồi cứ thế, chị đốt một ít oải hương, câu chuyện hôm đấy dừng ở năm mười sáu. Chị đốt trái táo trên ngọn lửa nhỏ, là câu chuyện của mối tình đầu năm mười tám tuổi. Chị cho một ít hương thảo cùng vài giọt vani, nụ cười chát đắng của năm hai mươi lăm tuổi hẫng nhẹ trên môi cô.

Chị song hành cùng cô cả năm nay. Bắt đầu từ yêu thương chính bản thân mình. Bắt đầu từ chăm chút thanh tân người con gái. Bắt đầu từ rất nhiều thứ cho chính cô gái mà gần mười lăm năm trong nghề, lần đầu tiên chị trị liệu một cách tỉ mỉ như thế. Hơn một năm, đôi lúc chị nghĩ, khoảng cách của chị và cô, gần như chẳng thể là một bác sĩ và bệnh nhân, nó tựa thể như tình thân của hai chị em. Chị luôn trông ngóng điện thoại của cô. Chị mua thỏi son đỏ cho mình, lại nghĩ đến cái màu hồng cho cô. Chị mua cho mình chiếc váy lại nghĩ đến đầm cho cô.

Cô từng bảo cả cuộc đời này, nếu cô cứ bám lấy chị như vậy, chị chịu không? Chị nhớ như in lần đó, chị trả lời cô, đã từ lâu chị không còn coi cô là bệnh nhân, chị coi cô như một đứa em trong gia đình. Chị thương cô lắm. Cô ôm chặt chị vào lòng. Chị nghe bờ vai mình ươn ướt.

 


IV



Cái chung cư cũ kỹ nằm ngay giữa con phố sầm uất bậc nhất Sài Gòn, chẳng ai nỡ đập bỏ vì nó như một phần ký ức của người dân nơi này. Nhiều gia đình ăn nên làm ra, dọn khỏi chung cư, chuyển qua mấy căn nhà phố hay biệt thự nhưng cũng chẳng nỡ bán. Mà có đem rao bán thì mấy ai có tiền mua nổi. Thành thử hầu hết gia chủ đều cho thuê.

Tiệm cơm bé bé xinh xinh theo phong cách gia đình chẳng biết tự khi nào và ai bắt đầu, lại mọc lên bên trong chung cư. Tiệm cơm đầu kinh doanh khấm khá thì tự nhiên có tiệm cơm thứ hai, tới giờ là hơn hai chục cái tiệm cơm. Nào là Cơm Ta, rồi thì Rất Huế, Là Nhà, Mình Ơi, Về Quê…; nhiều cái tên đọc lên là thấy cả một trời thương nhớ được gởi gắm vào đó. Tiệm cơm dần dà thu hút giới trung lưu hay mấy ông chủ rủng rỉnh thu nhập khoái cái độc đáo mới lạ.

Nghiệt cái, đâu phải có tiền là có quyền vào ăn. Tiệm cơm chỉ mở theo giờ. Mỗi buổi tiếp đúng một khách. Muốn ăn phải đặt trước, có khi tận cả tuần mới tới lượt mình. Nhiều ông cay cú, nhiều anh trả giá, nhiều gã hậm hực, nhưng hầu như ai cũng chực chờ như một cái thú tao nhã.

Duy mỗi cái tiệm cơm Cô Đơn là thuộc hàng chảnh nhất xứ. Mà phàm cái gì chảnh thì thiên hạ lại tranh nhau xếp hàng. Tiệm Cô Đơn nằm tuốt lầu sáu, ngay cái số nhà 13, chủ tiệm là cô gái miền Tây, nấu mấy món tập tàng trong cái nồi đất. Được cái vị ngon lạ lùng. Cái vị xưa cũ không lẫn đi đâu được. Ngay cả cái tiệm cũng lát gạch hoa cũ, màu bạc thếch như thời gian phôi pha lên đó nhiều luân lạc. Cô chủ tiệm nước da trắng ngần, nụ cười e ấp. Còn cái giọng miền Tây thì thôi rồi như mía lùi, muốn rụng tim khách ghé đến.

Có bận khách hỏi cô chủ tiệm tên gì, cổ đâu thèm trả lời, cổ chỉ tấm biển hiệu, rồi cười e ấp. Cổ rao đờn. Cổ so dây Long Xuyên. Cổ hát vọng cổ. Người cắc cớ hỏi dân An Giang phải hông em? Kẻ đắc chí đích thị Bạc Liêu. Người ra chiều tư lự miệt gạo trắng nước trong Cần Thơ đây nè. Cô chủ buông dây đờn. Lấy giọng hò Bến Tre. Khách ngẩn tò te. Gật gù ngọt như nước dừa em ơi.

Mỗi tiệm cơm gia đình đều có một cô chủ. Mỗi cô chủ là một ngón nghề đủ để khiến thiên hạ thèm thuồng.


 

V



Gã thanh tra nốc nhẹ một ly rượu Phú Lễ, ánh mắt hưởng thụ cái không gian ấm cúng của đêm cuối cùng ở Sài Gòn. Sau lần thứ nhất ghé đến, hồn gã vẫn còn lững thững vương vất trong cái tiệm ăn. Gã trả gấp mười lần cho bữa ăn này. Gã mang đến một bó hoa hồng. Gã thủ sẵn một cọc tiền xanh dày cộp. Đêm nay gã muốn ăn bữa ăn thịnh soạn nhất của mình.

Cô mặc cái áo bà ba đen bó sát người, quần lãnh tha thướt. Cô vấn tóc cao. Son môi nâu trầm. Gã đờ đẫn đắm chìm vào cái không gian u hoài. Gã uống ly rượu thứ hai. Cô chỉ nhoẻn miệng cười, cô vốn dĩ chỉ là chủ của một bổn tiệm cơm gia đình. Đâu dám nhận hậu lễ nhiều như thế. Xấp tiền xanh dày cộp nằm chơ vơ trên mặt bàn.

Nếu khách thấy ngon miệng cứ đặt cho lần sau. Cô chỉ có mấy món nhà quê. Cao lương mỹ vị hơn thì cô có thể đưa qua mấy tiệm kế bên. Cô lại so dây, tay trái giữ dọc nhị rồi bấm dây đờn bằng lòng ngón tay. Tay phải kéo cung vĩ đẩy đưa. Cô rao bài "Khúc tương tư". Gã dốc cạn ly rượu thứ ba. Tiếng cửa đóng sầm lại. Vẳng xa ngoài hành lang tiếng gã gào rống trong điện thoại cho một ai đó. Tiếng đờn cô vẫn nhưng nhức của một trời đêm. Sài Gòn mùa nổi gió. Đám kèn hồng rụng lả tả như mưa.


 

VI



Chị thở dài với anh ngay trên mâm cơm chiều. Cô ấy đến chào từ biệt em mới sáng nay. Cô ấy sẽ đi đến một nơi rất xa. Cô ấy bảo mấy tháng nay cô ấy mở một tiệm cơm gia đình. Mỗi khách hàng cô ấy lại nghe một câu chuyện về gia đình họ.

Có ông khách giống anh mỗi cái tánh thích ăn cà chua bi chấm muối ớt. Mỗi lần ông ấy đến là chê cô vợ mình hời hợt, chỉ là thứ ăn bám, già nua, xấu xí. Ổng nói ngày xưa lấy vợ chẳng qua là vì cái hộ khẩu thành phố mà thôi. Chứ kỳ thực, ổng chưa bao giờ yêu thương. Sống với nhau giờ là cái nghĩa vì còn kẹt thằng con trai.

Mà anh biết không, câu chuyện của cô ấy luôn không đầu không đuôi. Mười hai tuổi, cuộc đời cô ấy bị xé toạc bởi người cha dượng say bét nhè trong một đêm mẹ vắng nhà. Mười sáu tuổi, mẹ mất mộ còn xanh cỏ thì cha dượng lại tái diễn cái trò dã thú ấy một cách kinh khủng hơn. Cô bắt đầu chuỗi ngày luân lạc đời mình từ hôm đó. Mười tám tuổi, cô có mối tình đầu sau hai năm trời lặn lội theo mấy gánh hát lô tô. Đục trong tối sáng gì đó cô thả trôi phận đời mình theo từng cái bến đậu. Cô ấy nói mối tình đó cũng chỉ như những đóa hoa bách hợp đẹp một cách quyến dụ. Hai mươi lăm tuổi, cầm trong tay kết quả mình bị H. Cô ấy biến mình thành xác sống, đặt cho mình cái tên xa xót: Cô Đơn.

Anh bất giác đưa tay lên sờ vào mặt mình. Nghe bên má vẫn còn bỏng rát cái tát vào đêm hôm trước. Khi anh quyết tâm ăn món cao lương mĩ vị tại cái tiệm cơm gia đình có cô chủ u hoài trong bộ bà ba quần lãnh.

Chị cúi xuống nhìn vào chén cơm. Chị đâu kể hết sự thật câu chuyện. Chị chẳng thể mở lời cho anh nghe. Phút giây cuối cùng cô ấy từ biệt. Cô đã đến ôm chầm lấy chị, đặt nhẹ lên bờ môi của chị một nụ hôn. Rồi lặng lẽ rời đi.

Gió lầm lũi thổi, hai vợ chồng, mỗi người một chén cơm.

 

Truyện ngắn của TỐNG PHƯỚC BẢO
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.