Thanh tra cống xả nước thải gây ô nhiễm của Công ty bột cá East Wind- Việt Nam. |
Ở miền Bắc, ngoài các khu công nghiệp Phú Minh, Quang Minh (Hà Nội), Thụy Vân (Phú Thọ)… gây bức xúc trong dư luận vì hành vi xả thải ra môi trường, thì riêng trong năm 2010, các đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường đã phát hiện, có bốn khu đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng chưa đạt yêu cầu và bảy khu công nghiệp xả nước thải vượt quy chuẩn.
Đáng chú ý, một đơn vị xả nước thải vượt quy chuẩn trên mười lần và ba đơn vị xả thải vượt quy chuẩn từ hai tới dưới năm lần.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã công bố hàng loạt khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là các khu công nghiệp Cát Lái 2, Hiệp Phước, Tân Tạo, Tân Thới Hiệp, Tây Bắc Củ Chi và Bình Chiểu, với lưu lượng nước xả thải trên 1.000 m3/ngày đêm.
Tại Bình Dương, đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện 14 trong tổng số 21 khu công nghiệp tại địa phương này xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Trong đó, tám khu xả thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải cho phép hơn 10 lần gồm: Bình Đường, Sóng Thần 2, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B, Đồng An 1, Mỹ Phước 3, Nam Tân Uyên và Việt Hương 2; 3/21 khu xả thải vượt chuẩn cho phép từ 5 đến dưới 10 lần gồm VSIP 2, Mỹ Phước 1, Mai Trung...
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, Đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện 2 khu công nghiệp xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép là Phú Mỹ 1 và Mỹ Xuân A2.
Tại "điểm nóng" Tân Hải, huyện Tân Thành, trong 22 doanh nghiệp chế biến hải sản thì chỉ có 2 doanh nghiệp có hệ thống xử lý có nước thải đạt yêu cầu.
Trước đó, từ cuối năm 2010 và đầu năm 2011, khi tái kiểm tra 19 cơ sở chế biến hải sản, Sở Tài nguyên Môi trường Bà Rịa- Vũng Tàu đã phát hiện 17 doanh nghiệp chưa hoàn thành hệ thống xả thải bảo vệ môi trường và xử phạt các DN trên 911 triệu đồng…
Theo một lãnh đạo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn còn nhiều bất cập trong việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của một số khu công nghiệp, cũng như công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xả thải ra môi trường.
Ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp còn yếu, việc xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải tại một số khu công nghiệp chưa nghiêm túc, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống của người dân xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng khoa Kinh tế phát triển, Học viện Chính trị Hành chính, cho rằng: Đối với các khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng, cần rà xét lại quy hoạch bố trí sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng mới đồng bộ; kiên quyết không cho phép hoạt động khi chưa có hệ thống xử lý phế liệu, phế thải tập trung đúng tiêu chuẩn.
Với các dự án khu công nghiệp mới, cần có phê duyệt chặt chẽ, đồng bộ; tạm ngừng cấp phép xây dựng đối với địa phương có quá nhiều cơ sở khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.