Từ tận cùng nỗi đau, khổ ải…
Ở bản Mò O - Ồ ồ của tộc người Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) có một ngôi nhà nhỏ xinh xinh, tươm tất, gọn gàng, sạch sẽ, khuôn viên có chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm, trước sân còn cả một vườn rau xanh mướt… điều hiếm thấy ở những ngôi nhà của tộc người Rục. Điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà này là không gian được bố trí như một phòng triển lãm tranh, mà “tranh” ở đây là những giấy khen, bằng khen từ xã, huyện, tỉnh, các ngành trung ương và cả của Thủ tướng Chính phủ… tặng cho chủ nhân của ngôi nhà, bà Hồ Thị Pấy (SN 1972), năm nay 51 tuổi.
Bà Pấy và vườn rau xanh mướt trước sân nhà |
Cũng như bao cô gái thuộc các tộc người thiểu số sống dọc biên giới Việt - Lào thuộc địa phận Quảng Bình, bà Pấy lấy chồng và đẻ liên tù tì 8 đứa con. Chồng bà Pấy là Cao Xuân Lan, thuộc thế hệ thứ nhất của tộc người Rục kể từ khi rời hang đá ra định cư ở thung lũng Rục Làn. Dù không sinh ra trong hang đá, nhưng những người như ông Lan vẫn nhớ hang đá, săn bắt hái lượm và nhút nhát khi gặp người lạ. Cuộc sống của người Rục ngày ấy vẫn tự cung tự cấp, nguồn sống chủ yếu được lấy từ rừng và đói rét triền miên.
Một buổi trưa năm 2006, khi đang dầm mình ngoài suối bắt ốc chuẩn bị cho bữa chiều của gia đình thì bà Pấy nhận tin, người chồng đang đi làm bị ngất xỉu, người làng đã cõng về nhà. Bà Pấy chạy về, thấy chồng tím tái lay gọi mãi không trả lời, bà liền nhờ người khiêng đi viện. Đường núi đèo dốc gập ghềnh, mới qua hết 2 con dốc thì chồng bà Pấy qua đời, khi chưa kịp đến bệnh viện.
Bà Pấy hỗ trợ cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn bò nhà mình |
Sau mấy ngày quăng quật theo ma chay cho chồng, ngồi nhìn đàn con nheo nhóc, bà Pấy cảm thấy rùng mình cho những ngày tháng tiếp theo. Trước đây cả hai vợ chồng cùng lao động kiếm cái ăn mà cả nhà còn đói, giờ chỉ một mình, bà Pấy thực sự bế tắc. Biết cậy nhờ ai bây giờ, trong lúc cả tộc người Rục cũng chìm trong thiếu thốn. “Nhiều lần đứt hơi, kiệt sức nghĩ mình không sống nổi sau những đêm thức trắng dầm mình dưới suối bắt ốc. Nhưng về đến nhà, nhìn đàn con nheo nhóc, đói khát, mình lại gượng dậy được, vào rừng đào củ sắn, củ mài, chặt cây nhúc, cây đoác làm bột thay cơm, tối thì ra suối mò con cua, con ốc về làm thức ăn…” - bà Pấy nhớ lại.
Mặc dù bà Pấy đã phải làm việc bằng hai, bằng ba người bình thường nhưng đàn con hằng ngày vẫn đói lả, teo tóp dần theo ngày tháng. Không thể để đàn con chết dần chết mòn vì đói, bà Pấy đã nuốt nước mắt vào trong, cho hai đứa con thứ 3 và thứ 4, lúc đó mới 6 tuổi và 8 tuổi làm con nuôi của người Ý, để bớt miệng ăn cho những đứa con còn lại. “Nhìn họ dắt hai đứa con đi mà lòng mình đau thắt như đứt từng khúc ruột. Hai đứa cứ ngoái cổ nhìn lại, chịu không nổi, mình đuổi theo định giật về, nhưng hình ảnh bầy con thiếu ăn đói lả lại hiện lên trong đầu, mình đã không làm được. Hình như hiểu được nỗi đau của mình, người phiên dịch nói, họ hứa sẽ cho các con về thăm mẹ, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có đứa nào về” - bà Pấy kể trong hai hàng nước mắt.
“Khi cha mất, chị đầu mới 12 tuổi, còn đứa em út mới 8 tháng tuổi. Tộc người Rục ngày đó, cả năm không có lấy một bữa no cơm trắng. Hàng xóm láng giềng ai cũng đói, muốn giúp nhau cũng không có gì mà giúp. Có cha cả nhà còn đói, cha mất là cả một thảm họa”. Cao Xuân Long nhớ lại
…đến điển hình của các phong trào
Nhiều đêm suy nghĩ, bà Pấy nhận ra nếu cứ tiếp tục săn bắt, hái lượm mà không thay đổi phương thức lao động sẽ còn đói mãi. Bà Pấy bắt đầu quan tâm đến những chương trình, dự án như: chăn nuôi, trồng hoa màu, trồng rừng… mà lâu nay người Rục vẫn không mặn mà, xem đó không phải là việc của mình.
Cuộc sống đòi hỏi phải thay đổi, bà Pấy bắt đầu siêng năng đến các lớp tập huấn kỹ thuật, lắng nghe như nuốt từng lời từ các chuyên gia dự án. Càng nghe, càng thấm, bà mạnh dạn nhận con giống để nuôi, nhận đất để trồng hoa màu và trồng rừng. Thay cho việc trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu nhờ trời lâu nay người Rục vẫn làm, bà Pấy dùng phân để bón ruộng, làm chuồng để nuôi nhốt gia súc, gia cầm, hằng năm thực hiện tiêm phòng theo hướng dẫn của cán bộ dự án… cây trồng, vật nuôi của bà Pấy luôn phát triển và mang lại hiệu quả cao. Cái đói cứ thế lùi dần đối với gia đình bà Pấy.
Bà Pấy (giữa) cùng dân bản gặt lúa |
Nhờ những buổi tập huấn kỹ thuật mà bà Pấy nhận ra, muốn thoát nghèo phải có con chữ, có kiến thức. Về nhà bà động viên các con không được bỏ học, đói mấy cũng ráng mà kiếm con chữ, may ra sau này mới có cơ hội thoát nghèo. Nhờ sự động viên của mẹ, nên duy nhất người con gái đầu của bà Pấy học hết lớp 5, ở nhà phụ mẹ nuôi em. Hai người con kế tiếp học hết cấp 3 về quê lập nghiệp. Cô con gái thứ 6 đang học đại học sư phạm mầm non. Hai người con cuối cùng đang học lớp 9 và lớp 12.
Năm 2011, khi Đồn Biên phòng Cà Xèng tổ chức khai hoang, trồng thử nghiệm lúa nước để chuyển giao cho đồng bào Rục, bà Pấy là nhân tố đi đầu, tích cực lôi kéo người Rục tham gia trồng lúa nước. Bà Pấy trở thành điển hình của các phong trào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, văn hóa của tộc người Rục. Đặc biệt, Cao Xuân Long, người con thứ 2 của bà Pấy, sau khi tốt nghiệp THPT đã quay trở về quê. Nhờ năng nổ, sáng tạo làm ăn, nhiệt tình trong các phong trào, năm 2016, Long được bầu làm Phó Bí thư chi đoàn Bản Mò O, Ồ Ồ. Sau 1 năm Long được kết nạp Đảng và được dân bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Năm 2019, Cao Xuân Long vinh dự được bầu làm Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng Bản Mò O, Ồ Ồ.
Chỉ sau mấy năm dưới sự dẫn dắt của Long, bản Mò O, Ồ Ồ như được lột xác, tỷ lệ thoát nghèo hơn 50% trong vòng 5 năm; các phong trào luôn tốp đầu của xã Thượng Hóa. Long tâm sự: “Để dẫn dắt dân bản phát triển làm ăn kinh tế được như ngày hôm nay, ngoài kiến thức học được ở trường mang về quê áp dụng, em nhờ mẹ rất nhiều. Chủ trương gì của bản đề ra mẹ cũng xông xáo đi đầu, làm có hiệu quả để giúp dân bản nhìn thấy và làm theo”.