Trước kia, muốn thưởng thức món thịt gia cầm, người nội trợ sẽ phải mất thời gian đến chợ chọn gà, vịt rồi mang về nhà làm thịt. Bây giờ chỉ cần nhấc điện thoại Alô, khoảng nửa tiếng sau đã có người mang đến tận nhà. Dịch vụ làm sạch gia cầm ở thị xã Ayun Pa (Gia Lai) đã tự phát từ gần 10 năm nay và hiện dịch vụ này đã tạo việc làm cho một số lao động phổ thông...
|
Chị Thêm đang vặt lông gà. Ảnh: Bích Vân |
Vợ chồng chị Tạ Thị Thêm và anh Mai Văn Quốc làm công việc nhổ lông gà, vịt tại chợ thị xã Ayun Pa đã trên 3 năm. Hàng ngày vợ chồng chị phải dậy từ lúc 4 giờ sáng chở nhau ra chợ, phụ với chủ hàng quét dọn nơi làm việc, nhóm bếp bắc nồi nước trụng lông gà, xách nước đổ đầy các thau… và bắt đầu một ngày làm việc mãi đến chiều tối mới trở về nhà. Mỗi ngày vợ chồng chị phải làm bao nhiêu con gà, vịt là phụ thuộc vào chủ hàng. Mỗi con gà hoặc vịt làm sạch được chủ trả cho từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng. Chị Thêm cho biết, có ngày đắt hàng vợ chồng chị cũng kiếm được trên trăm ngàn đồng, nhưng những lúc ế ẩm thì chỉ được vài chục ngàn đồng. Tuy nhiên đối với vợ chồng chị thì có một chỗ làm ổn định như vậy là tốt rồi.
Nhìn đôi tay thoăn thoắt của chị Thêm miết trên lưng con gà và sau đó là một mảng lông gà rơi xuống lộ ra làn da vàng ươm, mới thấy chị làm công việc này chuyên nghiệp làm sao. Khi tôi hỏi, chị có xem đây là một cái nghề cho mình không? Chị Thêm mỉm cười thật tươi: Em thấy được làm việc như vậy là tốt rồi, công việc nào cũng là công việc, tuy nó thấp kém đối với xã hội, nhưng nó giúp gia đình em có cuộc sống ổn định. Nếu đây được gọi là nghề thì em xem đây là nghề của mình.
Năm nay tròn 36 tuổi, chị Thêm sinh đúng ngày 30-4-1975 tại Nam Định. Năm 1982 chị cùng gia đình vào Ayun Pa sinh sống, ít lâu sau bố mẹ mất, chị Thêm mồ côi và sống cùng các anh chị em. Nhà nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn, nên để nuôi sống bản thân chị đã làm đủ thứ công việc, làm ruộng, làm thuê… chỉ đến khi làm công việc này, chị mới thấy cuộc sống của mình ổn định. Hiện nay chị có 4 đứa con và tất cả đều đang đi học, mọi sinh hoạt của gia đình trông vào số tiền kiếm được từ dịch vụ này.
Cũng như chị Thêm, ở thị xã Ayun Pa hiện nay có gần 50 lao động làm dịch vụ này, phần lớn là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số. Vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, có chị vì sức khỏe không thể tìm được công việc khác nhẹ nhàng hơn, có chị vì gia đình đông con lại thiếu đất sản xuất, có chị lâu nay thất nghiệp giờ thấy nhiều chị em sống được với nghề này nên cũng xin đi làm. Nhu cầu tiêu dùng của xã hội ngày một lớn, thời gian rảnh của người lao động trở nên hiếm hoi, vì vậy một số dịch vụ mới mẻ như: Dịch vụ làm sạch nhà, dịch vụ làm sạch gia cầm... tự phát và cùng với nó đã giải quyết việc làm cho một số lao động phổ thông, chủ yếu là phụ nữ lâu nay thất nghiệp…
Với công việc làm sạch gia cầm, chị Thêm đã giúp cho người bận rộn không có thời gian với bếp núc tiện lợi hơn trong cải thiện bữa ăn hàng ngày. Niềm vui của chị là làm được một việc hữu ích cho mọi người. Hàng ngày được nghe câu nói: Chị làm giúp cho em đôi gà này, đôi vịt này em đang gấp… là chị cảm thấy bằng lòng với công việc của mình.