(GLO)- Đối nghịch với sự ồn ào vốn có của chợ, những gian hàng bán ngư cụ (dụng cụ đánh bắt cá) trong Trung tâm Thương mại Pleiku vô cùng im vắng, nghe rõ mồn một tiếng máy khâu may lưới, tiếng kìm kẹp từng lá chì mỏng trên những tấm lưới bén của chủ hàng làm thêm trong lúc vắng khách. Vậy mà, chúng tôi từng nghe rằng, buôn bán ngư cụ một thời là nghề buôn rất thịnh…
Phần lớn thời gian rảnh rỗi, bà Thảo ngồi hoàn thiện những tay lưới. Ảnh: H.N |
Ngồi nói chuyện dâu bể về nghề buôn, về những phận đời đã gắn bó cùng chợ với con gái bà Duyên-chủ một gian hàng bán lưới lâu đời nhất ở Trung tâm Thương mại Pleiku suốt buổi chiều, tôi mới thấy có khách ghé vào xem và mua một tay lưới bén “mắt nhỏ”. Con gái bà Duyên cho hay, hôm nay là ngày may mắn nên mới có vài khách ghé mua, bình thường có khi hai ba ngày chị không bán được tay lưới nào. Chị từ chối nêu tên vì gian hàng này của mẹ chị, nói tên chị cũng không ai biết. Khách hàng và phường buôn bán với nhau chỉ biết hàng lưới bà Duyên, bà Bình, bà Ngọc hay ông Tấn-bà Thảo, nếu nói họ tên đầy đủ từng người lại trở thành cái tên hoàn toàn xa lạ. “Hàng lưới của mẹ tôi có sớm nhất và lâu đời nhất ở chợ. Buôn bán ngư cụ từng nuôi sống cả gia đình nhưng nay chỉ bán cho vui, phải kèm thêm nhiều mặt hàng khác nữa”-con gái bà Duyên cho biết.
Người đàn ông mua tay lưới bén tên Đơ, ở làng Diang Blo, xã Ia Khai (huyện Ia Grai). Ông Đơ kể: “Làng mình ở dọc sông Pô Kô đoạn gần thủy điện Sê San 4. Trước đây dân làng hầu như ai cũng có thêm nghề đánh bắt cá để kiếm tiền mua gạo, nhưng nay bỏ nghề gần hết rồi. Mình mua tay lưới này về bắt cá nhỏ ở suối cho vui và cải thiện bữa ăn”. Người đàn ông Jrai đã ngoại ngũ tuần kể rằng, trước đây không chỉ sông Pô Kô cho rất nhiều cá mà những con suối nhỏ quanh vùng cũng đầy ắp các loài cá nhỏ, nhưng nay thả lưới kiếm đủ cho bữa ăn cũng rất khó. “Cá thì ngày càng ít, sông suối thì cạn khô, nên tôm cá cũng hiếm dần. Thậm chí ở một số làng, có những dòng suối đã biến mất”-ông nói trong tiếng thở dài. Lắng nghe câu chuyện của ông, con gái bà Duyên thêm vào: “Đó là lý do vì sao nghề buôn bán ngư cụ từng rất thịnh lại trở nên hẩm hiu như vậy”.
Là một trong số những hàng bán lưới còn tồn tại đến ngày hôm nay sau những biến cố của chợ (chợ cháy một số gian hàng bán dép năm 1989, xây mới năm 1997…), hàng lưới của bà Thảo-ông Tấn cũng rơi vào cảnh ế ẩm không kém. Tỉ mẩn kẹp từng miếng chì dát mỏng vào chân lưới bén, bà Thảo cho biết, ế khách quá nên bà ngồi làm cho vui. Bà kể, ông bà khởi nghiệp buôn bán ở trong chợ này từ khá sớm với gian hàng bán sắt thép, nhưng sau những thay đổi dâu bể mấy chục năm, gian hàng của ông bà sắp xếp thế nào lại sát ngay với những hàng bán ngư cụ nên trở thành lạc lõng. Người ta nói “buôn có bạn, bán có phường”, hơn nữa, hàng chài lưới thời ấy luôn đắt khách nên ông bà chuyển đổi mặt hàng buôn bán. “Hồi đó cứ chuẩn bị vào mùa mưa, người bản địa khắp nơi đổ về mua lưới, mua các dụng cụ đánh bắt cá. Các gian hàng bán ngư cụ lúc nào cũng đắt khách. Bây giờ ngược lại, thường xuyên vắng tanh. Thỉnh thoảng bán được một tay lưới cũng mừng, tôi phải bán thêm vài món đồ phụ kiếm chút đỉnh như giỏ đi câu, cần câu, lưỡi câu phục vụ cho những người thích đi câu chơi”-bà Thảo thở dài.
Gắn bó với mặt hàng ngư cụ đã nhiều năm, bà Thảo nói trong sự nuối tiếc: “Trước đây, ngay cả cánh đồng An Mỹ đồng nước mênh mông người ta cũng bắt được rất nhiều loại cá huống hồ các con sông, lòng suối. Người nông dân làm lúa nước cũng có thể kiêm thêm việc bắt cá để thêm thu nhập. Vì vậy, mặt hàng ngư cụ không chỉ bán cho dân chuyên nghiệp mà còn bán được cho những người nghiệp dư”. Một số người bán lâu năm còn kể rằng, nhiều bạn hàng ở vùng đồng bằng từng đặt câu hỏi vì sao ngư cụ lại có thể bán đắt ở Tây Nguyên. Người đồng bằng từng ngạc nhiên khi biết Tây Nguyên sông suối dày đặc và có rất nhiều cá. Khi nhiều sông suối cạn kiệt, thậm chí biến mất, những người bán buôn ngoài chợ phải đặt bạn hàng làm những loại lưới phù hợp hơn, thích nghi địa thế ở những lòng sông, suối nhỏ của vùng cao nguyên.
Cả chợ giờ chỉ còn lại vỏn vẹn 5 gian hàng bán ngư cụ. Tất cả đều rất lâu năm, nhưng không ai biết chắc, những gian hàng này sẽ còn tồn tại đến bao giờ. Và, những thứ sắp mất có thể nhìn thấy ấy lại nhắc nhớ đến sự mất mát đang hiển hiện, đó là những thứ vốn rất đặc trưng cho Gia Lai, cho Tây Nguyên: những dòng suối, con sông.
Hoàng Ngọc
------------------
(*) Tên một nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.