Sau chuỗi ngày dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch, nhân viên hoạt động trong ngành du lịch cũng như giới hướng dẫn viên đang háo hức chuẩn bị đón khách du lịch trở lại với nhiều hy vọng tốt đẹp.
|
Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách du lịch nội địa (ảnh chụp trước thời điểm dịch bùng phát). Ảnh: Lan Nhi |
Những ngày gian khó phía sau
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, anh Trần Đức Ân (SN 1989, hướng dẫn viên du lịch ở Quảng Ninh) cũng phải nghỉ việc. Để duy trì cuộc sống, anh Ân đã nhận làm thêm đủ nghề như bán hàng online, chạy xe ôm tự do... Nghe tin được đón khách trở lại, những người làm nghề hướng dẫn viên du lịch như anh Ân không khỏi vui mừng, phấn khởi, hi vọng công việc sẽ sớm ổn định sau hai năm dài khó khăn. Theo đó, mở cửa du lịch quốc tế, đồng nghĩa với việc những doanh nghiệp du lịch sẽ được chủ động lên kế hoạch, vận hành đón khách vào Việt Nam (inbound) và đưa khách Việt Nam ra nước ngoài (outbound) như trước đây mà không gặp bất cứ rào cản nào.
Anh Trần Đức Ân chia sẻ: “Hai năm qua là khoảng thời gian khủng hoảng, tôi buộc phải làm thêm nhiều công việc khác để cầm cự. Nếu như trước đây, vào mùa cao điểm như dịp lễ Tết, du xuân, nghỉ hè..., tôi thường xuyên phải chạy tour, nhận lịch trình gần như là kín bưng cả tháng. Nhưng trong thời điểm dịch bệnh kéo dài vừa qua, những người làm du lịch như tôi đều phải nghỉ việc hoặc rẽ ngang sang công việc khác. Hiện tại, tôi cũng đang mong chờ đến ngày du lịch mở cửa hoàn toàn để quay trở lại công ty nhận tour đón khách, ổn định công việc, cuộc sống".
Chịu tác động của dịch COVID-19, anh Nguyễn Hùng (nhân viên một công ty du lịch ở Hà Nội) cũng vừa mừng, vừa lo khi nghe tin ngành du lịch sắp mở cửa, hoạt động trở lại. Theo anh Hùng, du lịch là ngành nghề khá nhạy cảm, khi nào đời sống thực sự trở về trạng thái bình thường, không còn bất cứ rào cản, vướng mắc nào thì người dân mới có nhu cầu. Đối với những công ty chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam thì mọi hoạt động trong 2 năm qua đều bị "đóng băng", ảnh hưởng nặng nề 100%. Vì không đủ nguồn tài chính duy trì, kiệt sức vì dịch bệnh nên một số công ty du lịch của bạn bè anh Hùng hầu như đều phải tìm cách xoay xở, chuyển đổi, hoạt động sang những ngành khác như kinh doanh nhà hàng, quán ăn, có người chuyển sang mảng tư vấn bất động sản.
Ra trường đúng đợt dịch COVID-19 bùng phát, Nguyễn Thu Hương (SN 1999, sinh viên khoa Du lịch - Trường Đại học Thăng Long) cũng không tránh khỏi cảm giác chán nản. Mặc dù Hương đã tìm cách rải hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng phần lớn các khách sạn, resort, công ty du lịch tại thời điểm này đều đang hoạt động cầm chừng và liên tục cắt giảm nhân sự. Hương chỉ có thể nhận công việc pha chế tại quán cà phê với mức lương không đủ trang trải cuộc sống.
“Trong dịch bệnh, nhiều bạn cùng khóa của tôi cũng phải tạm thời gác lại ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch, chuyển sang hoạt động ở ngành nghề khác để kiếm thêm thu nhập. Có người kinh doanh online, có người làm shipper giao hàng, bán đồ ăn vặt, nông sản... Tôi cũng mong dịch bệnh qua nhanh, những công ty du lịch, lữ hành nhanh chóng được hồi phục, hoạt động trở lại" - Hương tâm sự.
|
Từ ngày 15.3, Việt Nam sẽ mở cửa du lịch trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Ảnh: Lan Nhi |
Cánh cửa lớn đang mở
Để chuẩn bị mở cửa du lịch vào ngày 15.3, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTVDL) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thống nhất nội dung, phương án mở cửa hoạt động, quy định đón khách du lịch. Đồng thời, Bộ VHTTDL sẽ làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
Chỉ trong thời gian ngắn thực hiện thí điểm đón khách (từ giữa tháng 11.2021), thị trường du lịch Việt Nam đã “ấm” dần lên, nhận được sự quan tâm của nhiều du khách, hãng truyền thông trên thế giới. Theo đó, ngành du lịch đang đứng trước cơ hội "vàng" khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức cho phép tất cả các địa phương có đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế. Từ ngày 15.3, sẽ mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam cũng phấn đấu sẽ đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế vào 60 triệu khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 400 nghìn tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh: "Việc mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới phải dựa trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam, đồng thời tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên thế giới. Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã được triển khai từ tháng 11.2021 đến ngày 10.2 và thu được những kết quả tích cực, đón được gần 9.000 khách du lịch quốc tế, đảm bảo điều kiện an toàn, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý để tất cả các địa phương đủ điều kiện, được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế".
Đặc biệt, thay vì phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm trước đó, khách quốc tế khi đến Việt Nam chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế. Du khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vaccine phòng COVID-19 vì Việt Nam chưa áp dụng tiêm cho đối tượng này. Khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng COVID-19, mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận.
Khách quốc tế bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay. Trường hợp du khách nhập cảnh bằng đường hàng không khi có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay. Những người còn lại phải về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký, tự cách ly trong vòng 24 giờ và thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR, tiếp tục tự theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K. Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh. Du khách phải cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam...
Các bộ, ngành cũng đã thống nhất với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, du khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình mức đóng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Trường hợp khách quốc tế có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, cơ sở lưu trú có trách nhiệm làm việc với cơ quan y tế, chính quyền địa phương để cách ly, quản lý, điều trị tương tự như người Việt Nam.
Theo LAN NHI (LĐO)