(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) đã đồng ý để Gia Lai đăng cai tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” vào tháng 4-2013. Cùng sự kiện này, năm 2013 sẽ là năm đầy ắp các sự kiện về văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc gia tại Gia Lai. Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở VH-TT và DL, cho biết:
Ông Phan Xuân Vũ |
Trước thời điểm diễn ra các sự kiện quan trọng về văn hóa, thể thao và du lịch, Gia Lai sẽ long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên (quý IV-2012). Cùng với đó, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội văn hóa lớn với chủ đề “Tây Nguyên mừng đón Bác Hồ”. Mọi công tác chuẩn bị cho lễ khánh thành đã và đang gấp rút chuẩn bị để buổi lễ diễn ra trang trọng, ấm cúng, thể hiện được niềm mong đợi, yêu kính Bác của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.
- Còn có cuộc “hội ngộ” nào nữa trong năm có nhiều lễ trọng này, thưa ông?
Gia Lai còn vinh dự được tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” vào đầu năm 2013. Đây là sự kiện mang tầm quốc gia, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay khi lần đầu tiên quy tụ đủ 54 dân tộc anh em trong ngày tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ý nghĩa hơn khi cuộc hội ngộ diễn ra trên mảnh đất cách đây 67 năm (19-4-1946), diễn ra sự kiện lịch sử lớn: Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam. Bác Hồ đã gửi thư cho Đại hội, động viên toàn thể các dân tộc Việt Nam đoàn kết chống Pháp. Tư tưởng đại đoàn kết của Bác vẫn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Sự kiện này không chỉ lớn về tầm vóc mà còn hội tụ nhiều yếu tố về văn hóa, lịch sử, kinh tế.
Sau ngày văn hóa, Gia Lai tiếp tục đăng cai tổ chức Hội thao các dân tộc thiểu số khu vực phía Nam (từ Quảng Trị tới Cà Mau). Hàng ngàn vận động viên là người dân tộc thiểu số khu vực phía Nam sẽ về Pleiku trình diễn, thi đấu các môn thể thao truyền thống, đặc trưng của các dân tộc. Cũng trong năm 2013, Hiệp hội du lịch tỉnh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Giải quần vợt ngành du lịch cả nước. Sự kiện này quy tụ 500 tay vợt ngành du lịch tranh tài tại Pleiku…
Thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). |
- Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ là dịp “phô diễn” phong vị văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc anh em tại Pleiku?
Đúng vậy, các hoạt động được lựa chọn tham gia “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc, mang tính quần chúng, sáng tạo, phong phú. Đây là sự kiện có quy mô không kém Festival cồng chiêng 2009, vì thế cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương và các vùng miền trong cả nước.
Sự kiện này diễn ra trong ba ngày (từ ngày 19 đến 21-4-2013). Lễ khai mạc và bế mạc được dàn dựng công phu, ý nghĩa tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, dưới chân Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Các hoạt động xuyên suốt trong sự kiện này gồm có: triển lãm giới thiệu văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum; giới thiệu về văn hóa người Việt và văn hóa các dân tộc vùng Nam bộ tại Công viên Đồng Xanh; văn hóa Việt Bắc và Tây Bắc tại Công viên hồ Diên Hồng; giới thiệu văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên tại khu du lịch Về Nguồn. Ngoài ra, còn có hoạt động trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO tôn vinh như: nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, hát quan họ của Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, ca trù của đoàn Hà Nội, đờn ca tài tử Nam bộ.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tinh thần đại đoàn kết các dân tộc làm nên sức mạnh Việt Nam trong 67 năm thực hiện thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số tại miền Nam”. Hội thảo là sự khẳng định giá trị tư tưởng đại đoàn kết của Bác cả trong quá khứ và hiện tại. Chúng tôi đã đặt bài tham luận với một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhân sĩ trí thức… về các nội dung của hội thảo.
- Ngành văn hóa Gia Lai có chiến lược gì để nắm bắt, tận dụng cơ hội vàng này trong quảng bá du lịch?
Trong mỗi sự kiện dự kiến thu hút 2.000-5.000 khách du lịch và khách mời. Dịp này, ngành du lịch đã có kế hoạch xây dựng chương trình hoạt động, quảng bá du lịch cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi vận động các đơn vị kinh doanh du lịch lành mạnh, giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút và tạo ấn tượng đẹp với du khách. Ngành du lịch cũng đẩy mạnh hoạt động hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền Trung và đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài nỗ lực của ngành du lịch thì chính thái độ của mỗi người dân là yếu tố quan trọng để tạo nên môi trường du lịch thân thiện, tạo ấn tượng tốt với du khách.
Ảnh: Minh Thi |
Để phục vụ tốt các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cuối năm nay và trong năm 2013, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh để tổ chức thành công các sự kiện này và thu hút khách du lịch. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày cho lực lượng tham gia hoạt động đón tiếp du khách; nâng cấp, chỉnh trang hệ thống khách sạn, nhà hàng, chỉnh trang bộ mặt đô thị; chuẩn bị các sản phẩm phục vụ nhu cầu khách tham quan mang đặc trưng văn hóa-kinh tế địa phương…
- Cảm ơn ông!
Hoàng Ngọc (thực hiện)