(GLO)- Nhờ sự hỗ trợ từ dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (2011-2015), sự nỗ lực vận động của chính bản thân nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống đã và đang dần khẳng định thương hiệu, tìm kiếm các cơ hội giới thiệu và quảng bá sản phẩm cũng như tìm đối tác, đầu ra cho sản phẩm…
Hưởng lợi từ dự án
Ông Nguyễn Duy Đạt-cán bộ phụ trách hợp phần I về tăng cường năng lực thể chế thực hiện chiến lược Tam nông thuộc dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh cho biết: Từ nguồn vốn hỗ trợ xúc tiến thương mại phát triển thị trường của dự án cấp cho năm 2014, đơn vị đã hỗ trợ cho 10 đơn vị làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ trên địa bàn như: Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar (huyện Đak Đoa); bò một nắng, muối kiến Nhân Giao (huyện Krông Pa); cơ sở cơ khí, rèn Dũng (huyện Đak Đoa); HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Linh H’Nga, HTX Sản xuất Nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên (TP. Pleiku)… để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại Hội chợ Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2014. Đây là cơ hội để các cơ sở, làng nghề phát triển thị trường, giao lưu học hỏi, liên kết phát triển và tìm đối tác phân phối sản phẩm.
Anh Trần Minh Dũng (bên trái) giới thiệu những sản phẩm cơ khí ở cơ sở của mình. Ảnh: L.L |
Giới thiệu cho chúng tôi về các sản phẩm cơ khí, anh Trần Minh Dũng-Chủ cơ sở cơ khí, rèn Dũng phấn khởi: Không chỉ hỗ trợ chi phí thuê gian hàng, ăn ở và vận chuyển mà dự án còn giúp cơ sở quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thông qua hội chợ, cơ sở hy vọng sẽ có nhiều người biết đến các sản phẩm cơ khí như dao, cuốc, xẻng, dao cạo mủ cao su là sản phẩm được nhiều đơn vị đặt mua như: Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Hóa Chi… Còn theo chị Nguyễn Thị Bích Tuyết-đại diện cơ sở bò một nắng, muối kiến Nhân Giao (huyện Krông Pa) thì dự án đã giúp cơ sở có cơ hội giới thiệu sản phẩm thịt bò, gân bò 1 nắng, muối kiến Krông Pa tại một hội chợ có quy mô lớn, đã có rất nhiều người đến thưởng thức sản phẩm và lấy số điện thoại để sau này đặt hàng.
Được thiết kế, bố trí hẳn một khu trưng bày riêng biệt trong Hội chợ, Khu làng nghề truyền thống đã thu hút được khá đông khách tham quan. Theo Ban tổ chức hội chợ thì đây là một trong những điểm nhấn đặc sắc của hội chợ. “Nếu năm sau được cấp vốn về phát triển thị trường, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức cho các làng nghề, cơ sở tham gia hội chợ ở các tỉnh bạn, đồng thời tổ chức hội thảo, mời đối tác gặp gỡ, giao lưu với các làng nghề, cơ sở”-ông Nguyễn Duy Đạt cho biết thêm.
Hướng đi mới
Bên cạnh sự hỗ trợ của các dự án thì sự tự thân vận động, nỗ lực tìm hướng đi mới để phát triển sản xuất, kinh doanh là một trong những giải pháp được các cơ sở thủ công mỹ nghệ lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Lập-Chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ và đặc sản vùng miền Hà Nguyên (TP. Pleiku) chia sẻ: Thời buổi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng ngày càng “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu, để phù hợp với thị hiếu và hoàn cảnh kinh tế hiện nay, cơ sở đã tập trung vào các dòng sản phẩm tượng gỗ mini, nhỏ gọn và độc đáo dễ vận chuyển với giá tương đối “mềm” 500-600 ngàn đồng đến vài ba triệu đồng một sản phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm của cơ sở đều được chế tác một cách tinh vi từ những loại gỗ “độc” như hoàng đàn tuyết (phía ngoài sản phẩm phủ một lớp tuyết trắng) hay mùi thơm đặc trưng của loại gỗ ngọc am có thể để trên ô tô không chỉ trưng bày mà còn khử mùi rất tốt...
Không chỉ vậy, nhiều cơ sở mỹ nghệ còn đa dạng sản phẩm để thu hút khách hàng, tạo sự hỗ trợ tương tác lẫn nhau như kinh doanh thêm các đặc sản vùng miền. “Hiện cơ sở còn bán thêm các đặc sản có tác dụng chữa bệnh như tỏi 1 nhánh, cao mật nhân, mướp đắng rừng…”-chị Hà cho biết thêm.
Vận động tự tìm hướng đi mới hay triển khai các dự án hỗ trợ được xem là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống, cơ sở thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho lao động, đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy những nghề truyền thống của địa phương.
Dã Quỳ