(GLO)- Bắt đầu từ đầu tháng Chạp năm Nhâm Thìn, người dân các làng nghề truyền thống ở cố đô Huế như mứt Kim Long, bánh tét làng Chuồn, hoa giấy Thanh Tiên… đã tất bật với công việc cha truyền con nối những mong góp thêm hương xuân cho Tết nguyên đán 2013.
Bánh tét làng Chuồn
Ngoài tranh trướng liễn dân gian, làng Chuồn thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn có một thành tựu trong việc gói bánh tét truyền thống ở vùng đất kinh kỳ Huế. Kỹ thuật gói và nấu bánh tét phổ biến khắp mọi làng quê xứ Huế. Nhưng bánh tét làng Chuồn lại có riêng cho mình một thương hiệu nổi tiếng cả nước.
Làng Chuồn-ngôi làng nhỏ bé này từ xưa đã khoanh vùng khoảng 20 mẫu ruộng để cấy nếp ngon. Đó là loại nếp thơm, gọi tên là nếp Tây dùng vào việc làm bánh tét. Tài khéo làm bánh tét làng Chuồn thể hiện trong mọi khâu.
Cụ Lê Thị Hoa đang gói bánh tét vào mỗi dịp tết đến xuân về. Ảnh: Bùi Oanh |
Cụ Lê Thị Hoa năm nay đã bước sang tuổi 80 vừa gói bánh vừa chỉ bảo cho chúng tôi cách thức làm ra thứ chiếc bánh tét “Làng Chuồn” nổi tiếng trong và ngoài nước. Cụ bảo, muốn có chiếc bánh tét ngon, trước hết là việc chọn nếp: nếp ngon đều hạt, giã trắng, sàng kỹ tấm cám, không lẫn gạo hay bông cỏ, hạt cát. Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước (để bảo đảm giữ bánh được chừng nửa tháng). Lá gói bánh là lá chuối sứ không già lắm, có mặt rộng độ bền chắc. Lạt giang vót mỏng dễ cột chặt làm cho bánh ổn định hình thể, và không thấm nước nhiều làm nhão bánh.
Nhân đậu xanh cũng chọn loại đậu xanh mỡ (loại hạt đậu lớn đều), ngâm vút làm nhân sống. Mỡ lợn là loại mỡ giấy xắt thỏi dài vuông vức góc cạnh. Tiêu, hành, muối nêm vừa ướp đều trong mỡ, thêm một ít muối trộn đều trong nếp. Khi gói thao tác khéo, để nhân bánh nằm đúng trung tâm. Đòn bánh gói đẹp giữ vững hình trụ tròn đều, các nuộc lạt buộc khéo đều nhau. Để bánh có màu xanh tự nhiên còn phải bỏ một lượng lá “mật lục” (lá hoang ở bờ bụi có hình thùy, chót lá tóp nhỏ, thân và cành có gai thưa) vào nồi trước khi nấu. Trong quá trình nấu bánh, phải thay nước nhiều lần để khỏi úa màu lá. Giữ lửa đều 12 tiếng đồng hồ liên tục làm cho bánh nhừ, giữ được lâu mà hạt nếp vẫn không "sống" trở lại”.
Muốn thưởng thức trọn vẹn hương vị bánh tét làng Chuồn. Trước hết phải học gói, học mở và trưng bày ra sao. Theo các nhà nghiên cứu Huế, bánh tét làng Chuồn phải cắt bằng chỉ hay sợi gấc làm mặt bánh mịn màng phẳng đẹp, sắp khéo vào dĩa trông như những vầng trăng tròn tươi sáng tỏa hương.
Khi ăn, ta cảm nhận vị mềm dẻo của bánh, hương thơm dịu của bánh, vị béo bùi của nhụy bánh và vị cay của tiêu hành, thành một vị tổng hòa thơm ngon và hấp dẫn.
Làng hoa giả vào vụ
Xuôi theo dòng sông Hương thơ mộng, chúng tôi về Thanh Tiên-ngôi làng gắn với nghề làm hoa giấy truyền thống thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngắm hoa giấy Thanh Tiên sắp đặt thành những bồn hoa, lăng hoa khiến những người Huế xa quê lâu năm như được sống lại thời thơ ấu chụm đầu vào nhau làm hoa giấy mỗi dịp Tết đến xuân về. Còn du khách ngắm hoa sen giấy Thanh Tiên màu trắng trinh nguyên sắp đặt dưới hồ nước trước nhà, bên cạnh tác phẩm sắp đặt lạ lùng từ các nông cụ của bà con nông dân, bỗng thấy lòng mình xốn xang hoài niệm về một làng quê hoang sơ như trong cổ tích.
Theo Gia phả họ Trần (Phụng tu ngày 4-5 năm Tự Đức 33), ngài khai canh của làng là Võ Đình Tiên, từ Sơn Tây phò chúa Nguyễn đến đóng đô ở Phú Xuân, đã có công khai canh 83 mẫu ruộng tại làng. Vì vậy làng vốn có truyền thống làm nghề nông. Tuy nhiên, vào tháng chạp, Thanh Tiên lại rộn rã với nghề làm hoa giấy. Nghề hoa giấy Thanh Tiên có danh mục thống kê của các nghề thủ công từ thế kỷ XVI-XIX của Đại Nam nhất thống chí. Sản phẩm hoa giấy thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông địa, táo quân, thần bếp... Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên chính là sự phong phú về màu sắc và có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông, hình thức đẹp, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu. Cũng chính những đặc điểm đó mà thời gian sản xuất chính thức của nghề thủ công này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn vào cuối năm, chủ yếu vào tháng Chạp.
Kết hoa giấy chuẩn bị cung ứng cho thị trường tết tại miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: Bùi Oanh |
Trong căn nhà nhỏ hẹp giữa làng Thanh Tiên, người thợ hoa giấy Nguyễn Hóa năm nay đã bước sang tuổi ngũ tuần say sưa bên từng cánh hoa giấy, hoa gỗ. Đôi tay thoăn thoắt của ông không ngừng cho ra những cánh hoa đẹp. Ông tâm sự: “Hoa giấy năm nay làng mình đã hồi sinh nên bán cũng được. Mấy năm trước phải mang xuống chợ bán, nay người ta tới tận nhà đặt làm rồi mua luôn. Bà con mừng lắm…". Nghề làm hoa giấy cũng công phu, đòi hỏi tính kiên trì không kém gì trồng hoa tươi. Những cành hoa, cuống hoa được phơi kỹ trong mấy tháng mùa khô, sau đó được đem tẩm phẩm màu. Phẩm màu có thể là các hợp chất hoặc được chiết xuất từ các loại cây cỏ trong làng, tạo nên một thứ màu sắc đặc trưng không lẫn được của hoa giấy Thanh Tiên. Giấy làm hoa có thể do những người thợ tự nhuộm bởi những màu sắc tự nhiên mà mỗi gia đình có một bí kíp riêng. Ngày nay, rất ít gia đình trong làng sử dụng phương pháp này. Giấy làm hoa chủ yếu là các loại giấy màu bán sẵn với các màu sắc khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Giáo, chủ tịch UNBD xã Phú Mậu cho hay, đến nay cả làng Thanh Tiên chỉ còn khoảng 30 hộ theo nghề hoa giấy, song nỗ lực của những nghệ nhân đã tạo cho hoa giấy Thanh Tiên một luồng sinh khí mới. Muốn duy trì được làng nghề truyền thống phải phát huy yếu tố văn hóa bản địa. Và cũng mong các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa để hoa giấy Thanh Tiên trở thành một sản phẩm thủ công truyền thống góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa cố đô Huế.
Huế từng là kinh đô của nước Việt Nam hàng trăm năm. Cả nước có những nghề gì thì ở đây có nghề ấy. Tuy nhiên, thời buổi kinh tế thị trường nên đến nay nhiều làng nghề truyền thống ở đây đã thoái trào theo thời gian… Một mùa xuân đang về như tạo thêm cơ hội cho những loại nghề truyền thống mang tính mùa vụ ở cố đô Huế như mứt gừng, hoa giấy, bánh tét… có thêm sự dẻo dai để trường tồn cùng hồn quê trầm tích.
Bùi Oanh