Khi năng lực được giải phóng
Có nhiều nguyên nhân tạo ra thành công sau 25 năm đổi mới của Gia Lai. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chính là năng lực sản xuất được giải phóng và phát huy. Khi năng lực đã được tích tụ, khả năng sản xuất các mặt hàng nông sản có thể đạt được mức tiềm năng chỉ cần trả ruộng đất về tay nông dân, hay đội ngũ đông đảo doanh nghiệp dân doanh đã được phát huy sở trường nhờ Luật Doanh nghiệp năm 2000 để tạo ra làn sóng tăng trưởng mạnh hơn một thập niên qua. Điều đó đã làm cho nền kinh tế trở nên mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng cao và duy trì trong nhiều năm, đã đưa quy mô GDP (theo giá năm 1994) của tỉnh lên gấp 2,8 lần sau 9 năm, từ 2.105 tỷ đồng năm 2000 lên 5.949 tỷ đồng năm 2009. Năm 2010 đạt 6.736 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2005 và 3,2 lần năm 2000.
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Đức Thụy |
Nếu dùng những hình ảnh đơn giản thì có thể nói, dù đi lên từ hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh, Gia Lai đã chọn cho mình giải pháp với bước đi khá vững chắc, rõ nét nhất là xây dựng và định hình một nền nông nghiệp hàng hóa phát triển dựa trên cơ sở quy hoạch khoa học, hợp lý, chú trọng trồng trọt lẫn chăn nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng được quy hoạch vùng, xác định tập đoàn cây trồng chủ lực cho từng vùng gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ: Phía Đông và Đông Nam tỉnh là cây lúa, mía, bắp, điều, cây thực phẩm và cây ăn quả; phía Tây là cây cao su, cà phê, chè, hồ tiêu... Nói cách khác, Gia Lai đã là “tỉnh lớn” về tiềm năng xuất khẩu những mặt hàng kể trên nhờ khai thác thế mạnh của mình. Hơn thế, đây chính là những ngành giúp giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho phần lớn người dân Gia Lai.
Hành trang cho tương lai
Để đạt những mục tiêu cơ bản cho nền kinh tế đến năm 2020-thời khắc Việt Nam kỳ vọng trở thành một nước công nghiệp, trước mắt là kế khoạch phát triển giai đoạn 2011- 2015 đã vạch ra: Tăng trưởng bình quân hàng năm 12,8% trở lên, quy mô GDP theo giá hiện hành đạt 48.500 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 34,2 triệu đồng (tương đương với 1.622 USD)-gấp 2,35 lần năm 2010. Để có thể gặt hái được thành công như mong đợi, Gia Lai cần xem xét một số vấn đề sau:
Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nội dung “hạt nhân” của phát triển kinh tế-xã hội; xác định cơ cấu kinh tế hợp lý có ý nghĩa sống còn trong hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh. Do vậy, câu hỏi đặt ra là Gia Lai cần xây dựng cơ cấu kinh tế như thế nào để đáp ứng những yêu cầu phát triển bền vững; hội nhập và cạnh tranh quốc tế có hiệu quả; khai thác tốt nhất tiềm năng lợi thế của tỉnh; có khả năng thích ứng cao trước mọi biến động của kinh tế, chính trị thế giới; năng động, linh hoạt và phát triển uyển chuyển trước những tín hiệu và sự điều tiết của cơ chế thị trường. Với các yêu cầu đó, trong trung hạn (2011-2015), cần xác định nông-lâm nghiệp và thủy sản vẫn là một ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt đối với tỉnh nghèo với đại đa số dân sống ở nông thôn. Do đó, nếu chúng ta quá tập trung đầu tư vào công nghiệp và dịch vụ mà không quan tâm đúng mức đến phát triển nông-lâm nghiệp và thủy sản sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của đại đa số người dân địa phương. Phát triển nông nghiệp bền vững và nông thôn mới cần được coi là trọng tâm của tỉnh hiện nay.
Giờ vàng trong công xưởng. Ảnh: K.N.B |
Thứ hai, tập trung nguồn lực cho những ngành công nghiệp gắn với các sản phẩm nông-lâm-thủy sản… nhằm phát huy những thế mạnh của tỉnh. Hơn thế, việc phát triển những sản phẩm này còn góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng vì chúng mang lại lợi ích cho phần lớn người dân. Thực tiễn cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển bền vững nếu tập trung vào đầu tư, nâng cấp và phát triển các ngành thế mạnh của tỉnh. Những ngành này đã và đang là thế mạnh của tỉnh trên thị trường cạnh tranh quốc tế và sẽ là một thế lực cạnh tranh mạnh mẽ trong tương lai nếu được đầu tư và nâng cấp về vốn, công nghệ cao, nhân lực có đào tạo chất lượng cao, các ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành có liên quan. Các yếu tố này mang tính hệ thống nên không thể xem nhẹ bất cứ yếu tố nào trong quá trình hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế. Đây cũng là những ngành làm cơ sở và tạo lực đẩy cho toàn bộ nền kinh tế.
Thứ ba, tập trung nguồn lực một cách hợp lý phát triển những yếu tố cần thiết cho những ngành công nghiệp yêu cầu hàm lượng chất xám cao. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, tập trung phát triển các yếu tố này-về mặt chiến lược lâu dài-là một bước tiếp cận quá độ nhằm nắm bắt, học hỏi, chuyển giao công nghệ, tiến tới làm chủ và cải tiến công nghệ, tránh tình trạng rơi vào cái bẫy “gia công công nghệ cao”. Hướng phát triển này, trong sự tương tác với các ngành thế mạnh truyền thống, sẽ tạo ra sức kéo cho toàn bộ nền kinh tế.
Thứ tư, tập trung phát triển những yếu tố cần thiết (nhất là nguồn nhân lực) cho những ngành công nghiệp yêu cầu hàm lượng chất xám cao. Cụ thể là làm sao thỏa mãn nhu cầu lao động sẵn có cho các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chọn lọc cho phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế. Chúng ta không nên và không thể kêu gọi và chấp nhận đầu tư tràn lan dựa trên cơ sở lợi ích kinh tế đơn thuần mà phải đặt vấn đề lợi ích kinh tế tối ưu lên hàng đầu (vì thực tế là các nguồn lực như đất đai, khoáng sản, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, nhân lực… là có hạn).
Thứ năm, các hệ thống chính sách và hành chính nhà nước cần theo kịp và đáp ứng tốt tốc độ phát triển của nền kinh tế. Điều này cần nhiều thời gian và quyết tâm cùng với sự quyết liệt trong đổi mới và là nút thắt trong tiến trình phát triển kinh tế. Trong đó, trình độ, năng lực và tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước là điểm mấu chốt.
Tóm lại, hơn lúc nào hết, bây giờ chính là lúc Gia Lai cần tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phát huy những lợi thế và thế mạnh, tạo ra những làn sóng tăng trưởng mạnh và bền vững để đưa Gia Lai bắt kịp các tỉnh phát triển trong vùng Tây Nguyên cũng như cả nước.