Chuyện phụ nữ miền Tây làm dâu xứ Hàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng nghìn phụ nữ ở miền Tây lấy chồng Hàn Quốc được hạnh phúc, khá giả giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bất hạnh, phải trở về quê nhà sinh sống.

Căn nhà mơ ước

 “Giờ hết rầu lo sống trong căn nhà rách nát rồi mà chỉ cố gắng làm nuôi con ăn học”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, mẹ của bé Baekjiyeon 9 tuổi ở khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, (Thốt Nốt, TP Cần Thơ) chia sẻ với phóng viên.

 

Tổ chức Kocun (Hàn Quốc) hỗ trợ nhà cho mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hà (ở giữa).
Tổ chức Kocun (Hàn Quốc) hỗ trợ nhà cho mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hà (ở giữa).

Căn nhà của mẹ con chị Hà được tổ chức Kocun (Hàn Quốc) hỗ trợ, xây dựng giờ gần hoàn thành để bàn giao cho chị vào ở với kinh phí trên 80 triệu đồng. Chị Hà cho biết, năm 2010, mẹ con chị từ Hàn Quốc trở về, sống nhờ chái nhà bên hông nhà mẹ ruột, vách lá, cây tạp. Hằng ngày, chị làm thuê sinh sống và nuôi con đang học lớp 3. “Làm ngày nào ăn hết ngày đó, nhà cũ dột nát, mỗi khi trời mưa mẹ con phải chạy sang mà ngoại ở tạm”, chị Hà bộc bạch.

Gia đình nghèo, ít ruộng đất, cha mẹ tuổi già nên chị Hà muốn lấy chồng Hàn Quốc để mong đổi đời giúp gia đình. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống bên chồng không như mong muốn của chị.

 Năm 2004, chị lấy chồng rồi sang Seoul (Hàn Quốc) làm dâu xứ người. “Bên chồng có tiệm giặt ủi, hằng ngày làm được bao nhiêu, mẹ chồng giữ hết, chồng muốn đi đâu hay làm gì thì xin tiền mẹ. Chưa kể còn nhiều bất hạnh khác. Đến năm 2010, sau khi sinh con được một năm thì chịu không nổi nên tôi bế con về quê nhà sống cho đến giờ”, chị Hà rơm rớm nước mắt kể.

Trường hợp khác cũng đang được giúp đỡ xây nhà là chị Nguyễn Thị Bích Trâm, 32 tuổi ở quận Ô Môn (Cần Thơ), lấy chồng Hàn Quốc năm 2007. Chồng bị tật ở chân, sau đó bị tai nạn giao thông, thần kinh không ổn định nên thường xuyên đánh đập chị Trâm. Chị trở về cùng con trai Nguyễn Nhựt Anh, sinh năm 2008, đang học lớp 3. Hiện tại, chị Trâm đi làm thuê ở Bình Dương, bé Nhựt Anh sống với ông bà ngoại già yếu.

Cùng hoàn cảnh, bà Đặng Thị Thanh Thúy ở khu vực Long Châu, phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) cho biết, cũng vì nhà nghèo nên con gái lấy chồng Hàn Quốc để giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống bên đó không được như mong muốn nên sống được một thời gian, con gái đem cháu ngoại về đây cho bà nuôi. Sau đó, con gái đi làm thuê ở Malaysia. Hai cháu ngoại con lai Việt – Hàn là I Chevon sinh năm 2012 và bé I Suchin sinh năm 2013. Hiện tại, Trung tâm Chính sách Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Kocun cũng đã xây dựng và bàn giao căn nhà cho 2 chị em bé.

Trang bị kỹ năng cho cô dâu Việt

 

Giáo viên dạy nghề cho phụ nữ hồi hương.
Giáo viên dạy nghề cho phụ nữ hồi hương.

Bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Cần Thơ, nói rằng, nguyên nhân lớn nhất mà các cô dâu Việt hồi hương là do bất đồng về ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa. Từ đó không thích nghi với cuộc sống, mâu thuẫn với gia đình chồng, với chồng, bị chồng bạo lực, ly hôn hoặc chồng chết. Vì thế, khó khăn lớn nhất của các cô dâu sau khi về nước là tình trạng hôn nhân và quốc tịch. Cụ thể, nhiều chị em phụ nữ tình trạng quan hệ hôn nhân chỉ tồn tại trên mặt pháp lý (giấy chứng nhận kết hôn) còn về thực tế thì quan hệ hôn nhân của họ đã chấm dứt, không còn tồn tại nữa, nhưng họ chưa ly hôn được với chồng. Ngoài ra, một số cô dâu do bỏ trốn nên không mang theo các giấy tờ liên quan đến nhân thân trong đó có giấy kết hôn, ly hôn… Khi về Việt Nam, họ gặp khó khăn trong việc muốn ly hôn do thủ tục ly hôn phức tạp do những quy định khác biệt trong quy định của 2 nước.

Về vấn đề quốc tịch cho mình và quốc tịch, hộ tịch cho con, nhiều cô (do ly hôn hoặc chồng chết…) rơi vào tình trạng không quốc tịch do đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được nhập quốc tịch nước ngoài. Do đó, kéo theo vấn đề quốc tịch của những đứa trẻ là con lai. Đây là số trẻ em đã có quốc tịch nước ngoài hoặc chưa xác định quốc tịch nước ngoài hay Việt Nam (theo mẹ về nước với nhiều hoàn cảnh khác nhau) đa số thiếu giấy khai sinh, hộ khẩu… nên ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của trẻ em. Tuy nhiên, địa phương cũng tạo điều kiện cho các em được đến trường.

Ngoài ra, tâm lý chung của chị em phụ nữ sau ly hôn trở về Việt Nam sinh sống là mặc cảm, khép mình, ít hòa nhập, không nghề nghiệp, trong khi cần tiền để nuôi con, nuôi bản thân nên họ hầu hết thêm một lần nữa rời bỏ nhà để mưu sinh tự do tại các đô thị, khu công nghiệp lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Bà Phạm Thị Hồng Thắm, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật của Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết, đối với các cô dâu mới kết hôn, chuẩn bị sang làm dâu bên Hàn Quốc, Hội trang bị kiến thức về phong tục tập quán xứ Hàn. Tuy nhiên, quan trọng là định hướng, trang bị cho cô dâu kỹ năng làm dâu, làm vợ, làm mẹ… “Ban đầu còn bỡ ngỡ, lo lắng không biết về bên đó sống như thế nào, nhất là phong tục tập quán. Tuy nhiên, khi các cô dâu được trang bị kiến thức cũng như kỹ năng thì họ cảm thấy tự tin hơn”, bà Thắm nói.

Bà Thắm cho biết, đa số cô dâu ở nông thôn các tỉnh ĐBSCL, tuổi đời còn trẻ (18 - 23), trình độ còn hạn chế nên không nắm được nhiều kỹ năng cũng như luật pháp Hàn Quốc. Vì thế, Hội còn hướng dẫn họ thông tin của các trung tâm hỗ trợ phụ nữ ở Hàn Quốc để khi cần thiết gọi điện nhờ trợ giúp.

Theo bà Thắm, các cô dâu hồi hương sẽ được tư vấn, hỗ trợ về thực hiện các thủ tục giấy tờ có liên quan nhân thân, nhất là tình trạng hôn nhân. Đồng thời, họ được hỗ trợ dạy nghề, tìm kiếm việc làm, vốn và nhà ở để ổn định cuộc sống.

Việt - Hàn chung tay chăm sóc

 

 

Hội LHPN thành phố đang hợp tác với Kocun Cần Thơ thực hiện Dự án “Việt - Hàn chung tay chăm sóc” với mục tiêu giải quyết một cách có hiệu quả những khó khăn về kinh tế, pháp lý,  tâm lý mà phụ nữ kết hôn di cư trong gia đình văn hóa Việt Hàn và trẻ em Việt - Hàn cư trú tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang gặp phải, xây dựng và vận hành hệ thống chăm sóc tổng hợp  cho gia đình đa văn hóa Việt - Hàn đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm các hoạt động như: xây dựng chính sách hỗ trợ có hệ thống dành cho phụ nữ hồi hương và trẻ em gia đình đa văn hóa Việt – Hàn. Đồng thời, tạo ra mạng lưới hỗ trợ an sinh xã hội cho gia đình đa văn hóa Việt - Hàn tại Việt Nam.

Thời gian tới, Hội LHPN thành phố và Kocun tiếp tục tìm kiếm, kêu gọi các tổ chức xây dựng các chương trình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em hồi hương có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, về nhà ở, đồng thời liên hệ với một số Cty hợp tác với Hàn Quốc để giới  thiệu việc làm cho các cô dâu sau khi được hỗ trợ dạy nghề hoặc đã có tay nghề.

Hòa Hội/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.