(GLO)- Những kết quả mà Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đạt được thời gian qua cho thấy, công tác cải cách thủ tục hành chính theo phương châm “Chuyên nghiệp-Minh bạch-Hiệu quả” của đơn vị đã được các cấp, các ngành và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trên tất cả các quy trình nghiệp vụ có liên quan đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính số 118/KH-HQGLKT ngày 29-1-2016. Theo đó, Cục đã thường xuyên rà soát bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan và thực tế phát sinh trong quá trình hoạt động của đơn vị. Cục đang thực hiện 35 trong tổng số 167 thủ tục hành chính, trong đó có 32 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4 liên quan đến thủ tục hành chính.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: H.D |
Thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và kế hoạch hành động của Tổng cục Hải quan nhằm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã ban hành Kế hoạch hành động số 651/KH-HQGLKT ngày 23-6-2016 với mục tiêu chủ yếu là rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, tối đa là 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan là nhiệm vụ thường xuyên nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng thương mại, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã lập kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hải quan-doanh nghiệp năm 2016; thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch chi tiết đo thời gian giải phóng hàng theo Công văn số 725/TCHQ-CCHĐH. Theo kế hoạch, tổ triển khai cấp Cục tiến hành đo thời gian theo 2 đợt, trong đó, đợt I từ ngày 28-3 đến 2-4 triển khai đo tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và Chi cục Hải quan Kon Tum; từ ngày 4-4 đến 9-4 triển khai đo tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Đội Thủ tục-Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới sẽ dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum sẽ giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30% đến 35% như hiện nay xuống còn 15% vào cuối năm 2016. |
Thời gian giải phóng hàng xuất nhập khẩu là khoảng thời gian xử lý tác nghiệp của các đơn vị từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan đến khi cơ quan Hải quan quyết định thông quan/giải phóng cho lô hàng. Mục đích của việc đo này nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công cuộc hiện đại hóa của ngành Hải quan, tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả đợt I, đối với hàng hóa nhập khẩu, tổng số tờ khai nhập khẩu phát sinh trong thời gian đo chính thức là gần 40 tờ; thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai đến khi cơ quan Hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng là 323 phút/tờ khai. Đối với hàng hóa xuất khẩu, tổng số tờ khai phát sinh trong thời gian đo chính thức là gần 70 tờ; thời gian trung bình để thông quan/giải phóng hàng là 321 phút/tờ khai.
Đặc biệt, thời gian qua, bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu thủ tục hải quan, Cục đã hỗ trợ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch, công bằng, qua đó đã giảm rõ rệt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, hải quan. Còn nhớ, tại thời điểm mới triển khai hệ thống VNACCS/VCIS, nhiều doanh nghiệp còn tỏ ra e dè, nghi ngại về lợi ích của sự thay đổi này khi đã quá quen với thủ tục khai báo điện tử trên hệ thống cũ. Thế nhưng, sau thời gian triển khai thực hiện, hệ thống VNACCS/VCIS đã chứng tỏ tính ưu việt của mình, điện tử hóa nhiều khâu thủ tục.
Yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum luôn quan tâm lựa chọn và bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác làm việc tại phòng thủ tục hải quan, đảm bảo sự phối hợp giải quyết công việc giữa các khâu đồng bộ, nhanh chóng, đúng quy định và thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đúng theo tuyên ngôn phục vụ khách hàng của ngành: “Chuyên nghiệp-Minh bạch-Hiệu quả”.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc cải cách, hiện đại hóa là một đòi hỏi tất yếu. Đáng mừng là tại các cuộc đối thoại giữa ngành Hải quan với cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua khu vực biên giới được tổ chức thường niên, các doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum trong việc đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hà Duy