(GLO)- Sinh ra trong một gia đình có cả bố và mẹ đều mang bệnh phong, cuộc đời trải qua biết bao thăng trầm, đau khổ, song bằng nghị lực phi thường, A Nach đã vượt lên số phận để hiện thực hóa giấc mơ trở thành cô giáo…
Bệnh phong (bệnh cùi) đã có một thời là nỗi ám ảnh trong đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những người không may mang trong mình căn bệnh này thường bị dân làng xa lánh, thậm chí xua đuổi, buộc họ phải tìm đến những nơi “thâm sơn cùng cốc” để ẩn mình. Cũng giống như bao ngôi làng phong khác, giọt nước Đak Pơ Nan, làng Groi nhỏ ngày xưa, giờ là làng Đak Pơ Nan, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang là nơi minh chứng cho những tháng ngày đau khổ của những con người mang căn bệnh quái ác này. Trong số họ, có gia đình A Nach.
Chị A Nach xe chỉ cho mẹ dệt thổ cẩm. Ảnh: L.A |
1. Bố của A Nach, ông Siu Phin bị mắc bệnh phong từ thuở nhỏ, mà ở những năm 60 của thế kỷ trước, những ai mắc phải căn bệnh này thì xem như đã bước vào “cửa tử”. Ngoài việc thiếu thốn thuốc men, thì với người Bahnar lúc đó, những người mắc bệnh bị dân làng xem như “ma rừng”, cần phải đuổi ra khỏi làng. Thế là ông Siu Phin bị dân làng Groi nhỏ đưa về giọt nước Đak Pơ Nan sống thui thủi một mình trong nỗi đau đớn về tâm hồn và thể xác. Cuộc đời của ông tưởng chừng sẽ chết mòn nơi chốn “thâm sơn cùng cốc” ấy, thì may thay, Siu Phin được các Soeur người Pháp ở làng cùi Đak Tía, xã Đoàn Kết (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) phát hiện đưa về trại phong chữa bệnh. Tại nơi tưởng chừng chỉ có những tiếng khóc than đau đớn của những người bị bệnh phong gặm nhấm dần về thể xác, thì cuộc đời ông Siu Phin được hồi sinh khi gặp người con gái cùng làng cũng đang chữa bệnh ở đây. 2 con người, 2 số phận nhưng có chung nỗi buồn nên dễ thấu hiểu để nên duyên chồng-vợ… 4 chị em A Nach cũng lần lượt ra đời ở nơi hạnh phúc lẫn khổ đau này. Năm lên 10 tuổi, khi đang học lớp 3 thì bệnh tật của cha mẹ A Nach được chữa trị hẳn. Thế là họ bàn nhau về lại làng cũ để sinh sống… Những tưởng sau bao đau khổ, gia đình A Nach sẽ được sống bình yên. Thế nhưng, chính ở nơi thân thuộc này, cuộc đời của A Nach lại kéo dài thêm những tháng ngày buồn.
2. Cuộc sống cứ dần trôi, cho đến mùa rẫy thứ 4 thì Nach đi “bắt” chồng khi tròn 16 tuổi. Dù không muốn, nhưng dưới sự sắp đặt và với cái lý của cha mẹ: “Ở làng phong mà “bắt” được tấm chồng đã là may mắn lắm rồi!”, A Nach đành chấp nhận cưới Blới, người đàn ông gấp đôi tuổi mình. Đám cưới nghèo được tổ chức, nhưng ở làng phong thì cũng chẳng mấy ai đến chung vui. Thôi kệ! A Nach nghĩ chỉ cần sống sao cho hạnh phúc là đủ rồi. Thế nhưng, hạnh phúc của A Nach vội đến rồi cũng vội đi, khi Blới thường xuyên ghen tuông vô cớ. Tổ ẩm bỗng dưng biến thành “địa ngục”, chỉ 3 tháng sau ngày cưới thì đường ai nấy đi.
Những tháng ngày sau đó, A Nach cứ lủi thủi một mình, đi đâu mặt cũng cúi gập xuống không dám ngước lên nhìn ai. Bao đêm thức trắng, A Nach gầy rọc như tàu lá chuối khô: “Buồn mãi rồi cũng qua, mình quyết định phải đi học tiếp, chứ ru rú trong làng, chắc cũng chết mòn ở đây…”-chị nhớ lại quyết định đã thay đổi cuộc đời mình. Tiếng là đã học hết lớp 3 nhưng nghỉ lâu quá rồi, bây giờ cầm lại sách thì chẳng còn chữ nữa, A Nach phải học lại lớp 1. Đến năm 1981 thì chị xong chương trình lớp 9 bổ túc. A Nach chọn nghề y theo nguyện vọng sâu thẳm từ thuở nào. Đùng một cái, căn bệnh viêm tuyến giáp đã đánh tan giấc mơ của A Nach, vì phải phẫu thuật. Năm 1987, A Nach được nhân dân trong xã bầu làm cán bộ phụ nữ, rồi lên cán bộ phụ nữ huyện Đak Đoa (bấy giờ chưa tách huyện Mang Yang). Sau một thời gian, A Nach tiếp tục được chọn đi học ngành sư phạm. Với chương trình học 9+3. Chính tại đây, A Nach mới có cơ hội bày tỏ, chia sẻ hoàn cảnh của mình với bạn bè. Sự cảm thông của mọi người đã thôi thúc A Nach làm điều gì đó để thay đổi nhận thức của người làng về căn bệnh phong và hơn nữa để có cơ hội quay trở về dạy chữ cho những đứa trẻ trong làng...
Ra trường, Nach trở về xã dạy rồi nên duyên với một người đàn ông trong xã (xin giấu tên). Chị không thể ngờ, một khúc tình buồn hơn cả lại đến với đời mình… Chồng mới cùng tuổi với Nach, làm ở cơ quan Kiểm sát huyện. Cuộc sống lúc đầu êm thấm, nhưng do sức khỏe yếu, trong vòng 8 năm, Nach có thai đến 11 lần mà đều hỏng cả. Ngày A Nach biết mình mang thai lần thứ 12 thì cũng là lúc tất cả hy vọng, niềm tin và bầu trời hạnh phúc mà chị luôn cố gắng giữ gìn bỗng dưng đổ sập trước mắt. Người chồng mà Nach luôn thương yêu và nể phục đã thay lòng đổi dạ, mà oái oăm thay, người mà chồng Nach thương lại chính là A Nưn em gái mình. Đối mặt với khúc cua định mệnh này, A Nach nghĩ nhiều lắm, nhưng không thể nào chấp nhận được cảnh tình chị duyên em. Nach nghĩ, chồng không thương mình nữa, cái đầu nó đã hướng suy nghĩ về A Nưn rồi, không buông tay đi cũng có được đâu. Cứ nghĩ gặp chuyện buồn đến thế thì đứa con lại bị hỏng, vậy mà Yàng thương chị. Đứa bé ra đời không gặp phải trục trặc gì. Nach đặt cho nó tên là Trạm với ý nghĩa là trạm xá, nơi nó mạnh khỏe chào đời và nơi đó cũng là giấc mơ ban đầu mà Nach từng ấp ủ…
3. Sau những tháng ngày tăm tối, A Nach quyết quên đi nỗi buồn để tìm lại niềm vui trên bục giảng ở giọt nước Đak Pơ Nan… Gọi đó là trường, là lớp học cho oai chứ chỉ là một mái nhà tranh vách nứa do dân làng dựng lên. Ngày đầu mở lớp, cả làng phong chỉ có 20 em nhỏ theo học, nhưng rồi cũng vơi dần đi vì với lũ trẻ khi cái bụng chưa no thì nghĩ gì đến con chữ. Nhiều khi đến lớp, chỉ có mình mẹ con A Nach, những học sinh khác đều đã lên rừng, lên rẫy chạy theo cuộc mưu sinh. Hỏi cô giáo A Nach có khi nào thấy nản không? A Nach bảo rằng: “Nản chứ, nhưng ngẫm lại tuổi trẻ của mình, chỉ vì thiếu chữ mà chịu bao khổ cực, truân chuyên, nên không thể nào để các em đi vào con đường tối mà mình đã từng đi…”. Nghĩ vậy nên đêm nào cô giáo A Nach cũng dắt con đến từng nhà vận động, cô lấy chính bản thân mình, cuộc đời mình để nói cho phụ huynh hiểu để khuyên con em đến lớp. Phải mất một năm, rồi đám trẻ làng phong cũng tự nguyện đến lớp học chữ. Từ lớp học của cô giáo A Nach mà trẻ em làng phong đã biết đọc, biết viết, biết nói sành sõi tiếng Kinh.
Suốt gần 30 năm làm nghề giáo, đã có rất nhiều học sinh của cô A Nach giờ là cán bộ xã, huyện… nhưng với cô giáo A Nach lớp học đầu tiên ở làng phong ngày nào là ký ức không thể phai nhòa. Đó không chỉ là sự khởi đầu cho một thế hệ trẻ mới mà còn là điểm kết thúc cho những tháng ngày tăm tối của cuộc đời mình. Đến bây giờ, làng Groi nhỏ tăm tối, lạc hậu chỉ vài căn nhà tranh vách nứa ngày nào đã trở thành làng Đak Pơ Nan khang trang với 63 nóc nhà xây kiên cố. Đã không còn những tiếng khóc than đau đớn của bệnh tật, dù cái nghèo vẫn còn hiện hữu đâu đó, nhưng trên hết dân làng đã bước qua rào cản kỳ thị, xa lánh để chung sống hòa đồng bên nhau. Trải qua bao thăng trầm của đời người, cô giáo A Nach nghiệm ra rằng: “Con người ta sinh ra, có mấy ai chọn được cho mình một lối đi bằng phẳng. Đừng vội trách những nhọc nhằn, đau khổ mà mình phải gánh chịu, mà phải tự tìm cách vượt qua nó bằng chính nghị lực của bản thân mình…”.
Lê Anh