Chú trọng công tác phòng-chống và cai nghiện ma túy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng năm trên địa bàn tỉnh có hơn 200 lượt người nghiện được đưa vào cơ sở tư vấn và cai nghiện của tỉnh để cai nghiện bắt buộc theo quy định, trên 250 người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và tại cơ sở cai nghiện.
 

Tăng cường tuyên truyền về phòng chống ma túy. Ảnh: L.T
Tăng cường tuyên truyền về phòng-chống ma túy. Ảnh: L.T

Tuy nhiên, tình hình tội phạm về ma túy và nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại ma túy mới khó kiểm soát, người tái nghiện ngày càng nhiều, người nghiện ma túy tổng hợp tăng nhanh trong độ tuổi thanh, thiếu niên...

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về tăng cường thực hiện công tác phòng-chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Chỉ thị yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng-chống và cai nghiện ma túy, kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý người nghiện và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Đặc biệt phải xác định công tác phòng-chống và cai nghiện ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các đơn vị, địa phương và được đưa vào nghị quyết của địa phương.  

Nâng cao hiệu quả quản lý người nghiện và điều trị nghiện, kiềm chế sự gia tăng người nghiện mới, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái nghiện. Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng-chống và cai nghiện ma túy tại địa bàn dân cư, trong các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở cai nghiện ma túy, gắn với phong trào “Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm”. Tập trung các biện pháp đấu tranh với tội phạm ma túy, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như: TP. Pleiku, huyện Chư Sê, Ia Grai, Đức Cơ, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và các địa phương có người nghiện ma túy, xóa bỏ các điểm nóng về mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác cai nghiện, đặc biệt là cai nghiện tự nguyện. Hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện công tác cai nghiện và nhân rộng các mô hình cai nghiện ma túy, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện ma túy, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định...

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chât ma túy, kiên quyết xóa bỏ các tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy, phối hợp với ngành liên quan rà soát, thống kê, quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy và bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện, phối hợp truy bắt đối tượng bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện...

Sở Y tế phối hợp với ngành liên quan quản lý chặt chẽ tiền chất ma túy, ngăn chặn không để xảy ra việc sản xuất ma túy trên địa bàn tỉnh,  đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế cấp huyện và cấp xã về nghiệp vụ chẩn đoán, điều trị cai nghiện, đẩy mạnh điều trị thay thế bằng Methadone cho người nghiện...

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tuyên truyền giáo dục, kiểm tra, giám sát và quản lý người nghiện ma túy ở các xã biên giới, phối hợp với các lực lượng liên quan triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.

Lương Thanh

Có thể bạn quan tâm