Chư Sê- Vùng đất của nông trại hàng hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mấy năm trước, khi chưa chia tách, huyện Chư Sê (cũ) là thủ phủ của các chủ trang trại, có lúc lên đến hơn 800 trang trại, chiếm 40% tổng số lượng trang trại toàn tỉnh Gia Lai.
Hiện nay, huyện Chư Sê còn 371 trang trại, với tổng số lao động lên đến 1.273 người, trong đó có 345 trang trại trồng trọt và 21 trang trại chăn nuôi. Xã có nhiều hộ trang trại nhất là Ia Blang, với 164 trang trại.
Với thế mạnh về tài nguyên đất, Chư Sê là vùng chuyên canh của cây công nghiệp (nhất là hồ tiêu) và chăn nuôi bò đàn. Huyện đã có những trang trại tiêu nổi tiếng về quy mô và sản lượng, như trang trại ông Quéo (xã Al Bá), trang trại ông Lê Duy Thị (xã Ia Blang)… với doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Những trang trại sản xuất hồ tiêu quy mô lớn đã góp phần làm nên thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê nổi tiếng toàn quốc. Ngoài các trang trại trồng trọt, ở Chư Sê người dân còn biết tận dụng thế mạnh của núi đồi để lập các trang trại bò đàn. Đến nay, số lượng trang trại bò ở Chư Sê đã chiếm khoảng 50% số trang trại chăn nuôi toàn tỉnh. Trong đó có những trang trại lớn như trại bò của ông Nguyễn Đình Phúc, lúc cao điểm lên đến 4.000 con, là trang trại bò tư nhân lớn nhất toàn quốc.
Thu hoạch tiêu. Ảnh: K.N.B
Thu hoạch tiêu. Ảnh: K.N.B
Xưa nay báo chí thường ca ngợi làng Đình Bảng (Bắc Ninh) là làng của các doanh nghiệp ngành nghề nông thôn (có hơn 500 doanh nghiệp). Xét về mặt doanh thu nếu coi các trang trại hồ tiêu của Chư Sê (với doanh thu hàng tỷ đồng/năm) là các doanh nghiệp, ta cũng có thể tự hào về một vùng đất có hàng trăm hộ sản xuất nông sản hàng hóa giỏi, trong đó có những cơ sở đứng hàng đầu cả nước.
Tuy nhiên, hiện tại trang trại ở Chư Sê đã đạt đến ngưỡng cực đại của sự phát triển theo chiều rộng. Để tiếp tục nâng cấp, rất cần sự nghiên cứu đầu tư phát triển về chiều sâu và các giải pháp tổ chức. Có thể thấy các trang trại của Chư Sê hiện đang đứng trước một số khó khăn thách thức khá lớn, trước tiên là giá đất nông nghiệp. Hiện tại giá đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng hồ tiêu của Chư Sê nằm ở mức cao ngất ngưởng, hàng trăm triệu đồng/ha. Giá đất quá cao là một trở lực rất lớn trong việc tích tụ để hình thành các trang trại tập trung, thoát khỏi tình trạng sản xuất tiểu nông nhỏ lẻ. Mặt khác, giá đất cao cũng tạo khó khăn về đầu tư, làm cho chi phí đầu vào tăng cao một cách phi lý. Tình trạng chuyên canh cao độ cũng làm cho tính đa dạng sinh học bị giảm, tính bền vững của hệ sinh thái bị tác động tiêu cực. Nhìn chung các hệ sinh vật luôn có sự tương hỗ cộng sinh để cùng tồn tại. Việc chuyên canh hồ tiêu cao độ nhiều năm liền đã làm suy giảm sức sống, gây ra các dịch bệnh trầm trọng trên các vùng chuyên canh cây trồng này. Đồng thời cũng xuất hiện mối nguy là tình trạng trồng tái canh hồ tiêu trên đất cũ không đem lại hiệu quả.
Đối với các trang trại chăn nuôi bò, từ trước đến nay chủ yếu chỉ nặng về đầu tư mở rộng quy mô bầy đàn, theo lối chăn thả tự do. Đó hoàn toàn là một hình thức chăn nuôi quảng canh và tận dụng tài nguyên, phụ phẩm nông nghiệp. Mùa mưa, bò được chăn thả trên các bãi rừng nghèo kiệt. Mùa khô, các chủ trại thường về các vùng lúa Ayun Hạ tích trữ rơm khô bổ sung khẩu phần ăn cho bò. Cách làm này chỉ phù hợp với giai đoạn đầu khởi nghiệp, khi còn ít chủ trại, tính cạnh tranh về nguồn thức ăn chưa cao.
Như vậy, để phát triển bền vững, các trang trại sản xuất hàng hóa ở Chư Sê rất cần những bước ngoặt mới, tự vượt qua chính mình. Với cây tiêu, cần có những tổ chức của người sản xuất như hợp tác xã toàn vùng…, nhằm quản lý tốt quy trình canh tác, không lạm dụng các loại phân bón hóa học, các hóa chất; đảm bảo sự giám sát về chất lượng, phòng trừ tốt dịch hại, giữ vững thương hiệu đã có. Đối với các trang trại chăn nuôi bò, cần chú trọng cải tiến đàn giống đồng thời với sản xuất thức ăn (xanh và tinh), tiến dần đến chăn nuôi công nghiệp, tạo thương hiệu thịt bò chất lượng cao để cung cấp cho địa bàn các thành phố lớn trên toàn quốc.
Hy vọng với những thế mạnh hiện có, những năm tới, các trang trại ở Chư Sê sẽ có những chiến lược phát triển phù hợp để vươn lên hơn nữa, giữ vững địa vị số 1 về vùng đất nông trại của Gia Lai.
Phạm Đức Long

Có thể bạn quan tâm