Chủ ĐT thủy điện Đăk Di 4 dọa kiện lãnh đạo tỉnh QuảngNam ra tòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ đầu tư thủy điện Đăk Di 4 dọa kiện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ra tòa sau khi dự án bị thu hồi.
Sáng nay (7/11), tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Di 4 về một số nội dung liên quan đến dự án , tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.
Dự án đầu tư thủy điện Đăk Di 4 được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép cho Công ty Cổ phần Cung ứng Đầu tư và Xây lắp (sau đó là công ty Cổ phần SIC và nay chuyển cho công ty Cổ phần thủy điện Đăk Di 4) nghiên cứu đầu tư tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Trong thời gian dài, nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án.
Đến năm 2008, theo đề xuất của nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu khởi công dự án trong quý IV năm 2009. Từ năm 2009 đến năm 2014, nhà đầu tư cũng không triển khai thực hiện dự án.
 
Chủ đầu tư dọa kiện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ra tòa.
Thực hiện Công văn của Bộ Công thương về thông báo kết quả rà soát quy hoạch đầu tư, vận hành các công trình thủy điện để báo cáo Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, trong đó, dự án thủy điện Đăk Di 4 nằm trong số các dự án thủy điện tạm dừng đầu tư trước năm 2015.
Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ công thương báo cáo Chính phủ cho phép Công ty Cổ phần SIC được triển khai dự án thủy điện Đăk Di 4 trong năm 2015.
Đến năm 2016, nhà đầu tư lại xin phép chuyển từ công ty CP SIC sang công ty CP thủy điện Đăk Di 4 và được UBND tỉnh thống nhất cho chuyển nhà đầu tư và tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án. Theo bản cam kết ký quỹ ngày 14/4/2016 thì đến ngày 14/5/2016, nhà đầu tư phải nộp toàn bộ số tiền ký quỹ là 3,84 tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư chỉ nộp được 1,2 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Cổ phần Đăk Di 4 nêu ra một số khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời cho rằng doanh nghiệp đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức, thực hiện khá nhiều việc để thúc đẩy tiến độ dự án.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định, những công việc quan trọng nhất thì doanh nghiệp không làm, một số phần việc mà doanh nghiệp thực hiện như: tự thỏa thuận chi trả tiền đền bù cho người dân, xây dựng đường, công trình nhà ở, nhà điều hành được xác định là trái quy định của pháp luật vì tới thời điểm này doanh nghiệp chưa hề được cơ quan nào ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Kết thúc buổi làm việc, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án thủy điện Đăk Di 4 là đúng quy định của pháp luật: "Công ty Cổ phần SIC, nay là Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Di 4 không thực hiện đúng quy định của luật đầu tư, làm các thủ tục tham mưu cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Di 4 theo quy định của pháp luật.
Thứ 2 là về thủ tục đất đai, đến giờ phút này, dự án thủy điện Đăk Di 4 chưa được UBND tỉnh phê duyệt theo các thủ tục về luật đất đai 2003 và Luật đất đai 2013. Thứ 3 là về phía Công ty không chấp hành đúng các cam kết với tỉnh Quảng Nam về tiến độ ký quỹ, đặc biệt là sai phạm về một số hạng mục công trình tại khu vực của dự án".
Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Di 4 cho biết, doanh nghiệp có nguyện vọng tiếp tục đầu tư nhưng tỉnh quyết định như vậy, doanh nghiệp không còn đường nào khác ngoài khởi kiện UBND tỉnh Quảng Nam ra tòa.
Hoài Nam (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.