(GLO)- Hiện nay, Gia Lai đang ở thời kỳ cao điểm của mùa khô, nắng hạn đang diễn ra gay gắt. Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã được cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp độ V-cấp cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trước tình hình đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê đã xây dựng các phương án và biện pháp phòng cháy, chữa cháy nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý 9.991,6 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn, được chia làm 23 tiểu khu, trải dài trên địa bàn 8 xã, 1 phường của thị xã An Khê và huyện Đak Pơ (rừng Đak Pơ chiếm 86%). Những năm qua, cháy rừng thường xảy ra chủ yếu tập trung ở khu vực đèo Mang Yang thuộc tiểu khu 600, 601, 603. Nguyên nhân do thời tiết khô hạn và ý thức của một bộ phận cán bộ, người dân sử dụng lửa không đúng quy định như đốt nương làm rẫy, đốt than, rà sắt, lấy đót, săn bắt thú rừng, lấy mật ong. Riêng năm 2013, có 3 ha diện tích rừng do Ban quản lý đã bị cháy. Tuy nhiên, chủ yếu là cháy ở các vùng đệm, cỏ tranh và ngay khi đám cháy còn nhỏ, lực lượng chữa cháy của Ban đã phối hợp dập tắt trước khi đám cháy lây lan nên không gây thiệt hại về rừng.
Cháy rừng le ở đèo Mang Yang. Ảnh : Hồng Thương |
Qua thực tế theo dõi diễn biến cháy rừng trong những năm trước, Ban đã xác định rừng rất dễ cháy chủ yếu là rừng trồng thông, rừng le tại các tiểu khu từ tiểu khu 600 đến tiểu khu 608 và tiểu khu 605a thuộc xã Hà Tam, huyện Đak Pơ. Rừng dễ cháy là rừng nửa rụng lá, rừng khộp, rừng tái sinh tại các tiểu khu từ 600 đến 608, tiểu khu 605a thuộc xã Hà Tam, tiểu khu 636, 637 thuộc xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ và rừng trồng tại các tiểu khu 620, 621 thuộc xã Song An, thị xã An Khê. Thời kỳ cao điểm cháy là từ tháng 2 đến tháng 5, thời gian cao điểm cháy là từ 11 giờ trưa đến 17 giờ chiều. Từ đó, Ban đã xây dựng phương án chữa cháy với phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ”, “phương tiện tại chỗ”, “lực lượng tại chỗ” và “hậu cần tại chỗ”. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là “chỉ huy tại chỗ”, “lực lượng tại chỗ” và tổ chức công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng lửa an toàn.
Đến nay, các khâu chuẩn bị phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn đã cơ bản hoàn tất. Theo đó, Ban đã tổ chức được 8 đợt tuyên truyền cho 8 làng trên địa bàn 3 xã: Hà Tam, Yang Bắc và An Thành, huyện Đak Pơ. Thông qua hình thức phát tờ rơi và tổ chức các cuộc họp ở các thôn làng, Ban đã vận động người dân cam kết bảo đảm sử dụng lửa an toàn, tránh gây cháy rừng. Đồng thời, tuần tra, kiểm soát lửa rừng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế vật liệu cháy như tổ chức đốt điều khiển và thực hiện biện pháp nuôi dưỡng rừng trồng với hình thức phát thực bì, tỉa cành, chặt thải cây phi mục đích và đốt vệ sinh rừng.
Các lực lượng tham gia dập tắt đám cháy. Ảnh: Hồng Thương |
Tại các trọng điểm cháy rừng, Ban đã bố trí các lực lượng chữa cháy gồm có 18 người và 7 tổ (gồm 76 người) cùng các phương tiện sẵn có gồm xe máy và dụng cụ cầm tay như rựa, cuốc, bàn dập lửa. Khi có đám cháy nhỏ xảy ra, các lực lượng trong tổ sẽ phối hợp chữa cháy theo phương pháp thủ công, dùng cành cây tươi hoặc gậy trực tiếp đập vào lửa, dùng rựa phát bao quanh đám cháy rồi gạt vật liệu cháy để cắt đám cháy hoặc dùng thêm nước tưới đối với những đám cháy có địa thế thuận lợi nằm gần các ao, hồ. Đối với những đám cháy lớn, Ban sẽ tổ chức lực lượng chữa cháy chia thành nhiều tổ nhỏ và xây dựng thêm băng cản lửa. Đồng thời báo cho Ban Phòng cháy Chữa cháy huyện để kịp thời hỗ trợ dập tắt đám cháy.
Tuy vậy, công tác chữa cháy rừng của Ban vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Thanh Hải-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết: Diện tích rừng do Ban quản lý nằm xen kẽ với khu dân cư, người dân sống và canh tác ven rừng thường xuyên dùng lửa để đốt rẫy, đốt ong nên dễ xảy ra cháy lan lên rừng. Bên cạnh đó, do địa hình phức tạp, độ dốc cao, nhiều hợp thủy chia cắt, địa bàn xa nên thời gian di chuyển lâu, gây khó khăn trong quá trình tuần tra, cũng như chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Ngoài ra, mùa khô không có nước nên khi đám cháy xảy ra rất khó để dập tắt, chủ yếu là sử dụng phương pháp thủ công và làm băng cản lửa.
Cũng theo ông Hải, địa bàn rừng quản lý của Ban rộng nhưng kinh phí bố trí cho công tác chữa cháy hàng năm còn thấp nên việc xây dựng các công trình chữa cháy như đường băng cản lửa hiện mới được 9-10 km, kinh phí đốt điều khiển do đó Ban phải tự chi. Trong khi đó, các trang bị cho chữa cháy còn thô sơ, bảo hộ lao động không có, lực lượng chữa cháy ít được tập huấn cách chữa cháy rừng. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động và phòng-chống vẫn được Ban xác định là phương án quan trọng hàng đầu. Đồng thời, bố trí lực lượng sẵn sàng chữa cháy và nhanh chóng dập tắt khi đám cháy còn nhỏ, tránh lây lan.
Hồng Thương