Chợ phiên Năm Ngàn nằm ở trung tâm huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam). Có lẽ đây là phiên chợ độc đáo có một không hai, khi hàng trăm món hàng được bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu bán với giá chỉ 5.000 đồng. Chợ có đủ từ bó rau rừng xanh tươi, nắm tiêu rừng vị thơm nồng, trái ớt xanh cay xé lưỡi đến con cá niên, cá chình béo ngậy…
Những phụ nữ Cơ Tu vui vẻ trao cho nhau món hàng và nhận lại 5.000 đồng. |
Bà Briu Huề (56 tuổi, ở xã Lăng, huyện Tây Giang, bán ở chợ phiên Năm Ngàn) tâm sự: "Ở đây bà con chỉ bán đặc sản từ rừng. Đồng bào Cơ Tu sáng lên rừng làm rẫy, tranh thủ hái mớ rau, mấy bắp chuối, vài mụt măng rồi chiều đem về chợ bán kiếm thêm tiền đong gạo. Ngoài ra, nhà nào trong vườn có trồng ớt, trồng cà ăn không hết cũng đem về chợ bán, hoặc đổi lại món khác mà gia đình mình không có. Tuyệt đối ở đây không cho phép bán thịt các loại thú rừng cấm".
Ông Lê Hoàng Linh-Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, hào hứng nói: "Chợ phiên Năm Ngàn là ý tưởng của lãnh đạo huyện, không ngờ mang lại một nét đẹp văn hóa buôn bán của người dân vùng cao Cơ Tu. Trước đây, bà con dân bản cứ chiều chiều là mang đặc sản từ rừng về đứng hai bên đường để bán, lãnh đạo huyện thấy bà con đứng vậy thương quá, mà xe cộ đi qua lại rất nguy hiểm nên nảy sinh ý định kiếm một miếng đất nhỏ lập nên khu chợ. Thật vui khi làm chợ xong, hỏi bà con nên đặt tên chợ là gì thì họ bảo là Năm Ngàn. Quy ước chung của bà con ở đây món hàng nào rẻ nhất ở chợ là 5.000 đồng. Bà con không nói thách giá, hàng hóa chủ yếu được bán cho giáo viên, cán bộ lên đây công tác và du khách. Điều thú vị là bây giờ bất cứ ai lên Tây Giang cũng muốn ghé ngang chợ này mang ít đặc sản núi rừng về làm quà".
Bà A Lăng Mơ (xã Lăng, huyện Tây Giang) mang chuối trên rẫy ra chợ bán.
Khách mua ít hương vị núi rừng về làm quà.
Chợ Năm Ngàn có đủ từ bó rau rừng xanh tươi, nắm tiêu rừng vị thơm nồng, trái ớt xanh cay xé lưỡi đến con cá niên, cá chình...
Bà A Lăng Mơ (xã Lăng, huyện Tây Giang) mang chuối trên rẫy ra chợ bán.
Phụ nữ Cơ Tu thường đưa con nhỏ đi theo khi ra chợ.
Ớt rừng trở thành món đặc sản có sức hút kỳ lạ với khách du lịch và với bất kỳ ai lên miền Tây Giang.
Bà Briu Thị Hiền (xã Lăng) ngày nào cũng kiếm ít rau rừng, nải chuối mang ra chợ bán vì ra chợ là niềm vui của bà mỗi ngày.
Tấn Vũ-Hữu Khá/tuoitre