(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trong cả nước, với tổng diện tích hơn 600.000 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên được phân bổ đều khắp trên địa bàn các huyện, thị xã trong tỉnh.
Theo đó, tình trạng khai thác gỗ trái phép và nạn cháy rừng cũng thường xuyên xảy ra hàng năm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng cũng như đời sống và sinh hoạt của cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khu rừng được các chủ rừng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ nên rừng luôn mãi xanh tươi, trong đó có khu rừng Hà Ra, huyện Mang Yang.
Tuyên truyền, vận động bà con ở các buôn làng dân tộc giữ rừng. Ảnh: V.T |
Khu rừng phòng hộ Hà Ra có tổng diện tích hơn 13.000 ha, trong đó có khoảng 10.000 ha là rừng tự nhiên và diện tích còn lại đều là rừng trồng, chủ yếu là thông 3 lá. Lâm phần nằm trên địa bàn 2 xã là Hà Ra và Đak Ta Ley với trên 10.000 dân sinh sống, trong đó có gần 60% số dân là người dân tộc Bahnar sống xen kẽ với những cánh rừng.
Về địa hình khá phức tạp, toàn bộ diện tích rừng ở Hà Ra đều nằm ở độ cao trung bình 1.000-1.200 mét so với mặt biển, có những cánh rừng trồng nằm trên đỉnh núi Kôn Bôria cao đến 1.500 mét. Trong khi đó thời tiết cũng rất khắc nghiệt, toàn bộ diện tích rừng đều nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cao nguyên; chia thành 2 mùa rõ rệt có 6 tháng nắng và 6 tháng mưa.
Ông Nguyễn Văn Chín-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Hà Ra cho biết: Trên cơ sở đặc thù của vùng rừng và những khó khăn về dân sinh trên địa bàn, Ban Quản lý đã xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với điều kiện thực tế và đã phát huy hiệu quả. Nhất là trong công tác phòng-chống cháy rừng trong mùa khô đã làm tốt, kịp thời phát hiện và huy động lực lượng dập lửa rừng có kết quả, không để đám cháy lây lan ra diện rộng ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Và những cánh rừng ở Hà Ra luôn giữ vững được một màu xanh từ trước tới nay...
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hà Ra đã phân vùng và xác định khoanh các tiểu khu rừng dễ cháy với tổng diện tích gần 3.000 ha, chủ yếu là rừng trồng, tập trung đầu tư các hạng mục phòng cháy theo mức vốn đầu tư của Nhà nước hàng năm như làm đường băng cản lửa, phát dọn thực bì, đốt trước có điều kiện... Đồng thời, bố trí các tổ tuần tra, canh gác với lực lượng khoảng 10 người thường trực 24/24 giờ tại các khu rừng trọng điểm dễ cháy để ngăn chặn lửa rừng tại chỗ; nếu có phát hiện lửa rừng thì kịp thời thực hiện phương án báo cháy để Ban Quản lý rừng huy động lực lượng đến ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”.
Về lực lượng tham gia chữa cháy rừng cũng có “quân số” khá đông và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh. Ngoài lực lượng của đơn vị có 23 người còn huy động được thêm khoảng 350 người bao gồm lực lượng hộ nhận khoán và nhân dân ở 2 xã Hà Ra và Đak Ta Ley. Phương tiện và công cụ chữa cháy tuy còn thủ công, song Ban Quản lý cũng chuẩn bị khá tốt và sẵn sàng “tác chiến” phù hợp với địa hình, bao gồm hơn 200 chiếc xe máy cá nhân, 230 cái rựa phát, hàng chục bàn dập lửa...
Bên cạnh đó, một giải pháp hiệu quả, đó là giao khoán cho người dân quản lý và bảo vệ rừng. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong công tác giữ rừng, bởi ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, coi rừng là “mái nhà chung” của cộng đồng.
Hơn 50% diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng (6.500 ha) ở khu vực rừng Hà Ra đều được giao khoán quản lý, bảo vệ cho cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn, với gần 350 hộ ở 11 buôn làng thuộc 2 xã Hà Ra và Đak Ta Ley. Bình quân mỗi hộ nhận khoán 18-20 ha rừng. Bà con kiên quyết không cho kẻ lạ vào trong khu rừng nhận khoán của làng, nếu phát hiện thì báo cho đơn vị ngăn chặn; đồng thời thực nghiêm các quy trình phát đốt làm nương rẫy không xâm phạm đến rừng, cũng như trong quá trình săn bắt gây ra cháy rừng.
Ngoài ra, Ban Quản lý còn thành lập 6 chốt trạm ở những khu rừng tự nhiên trọng điểm nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép trong các vùng rừng, mỗi chốt trạm có 2-3 người và thường xuyên túc trực 24/24 giờ trong suốt thời gian mùa khô. Nhờ vậy, tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn Hà Ra trong nhiều năm qua đã được hạn chế đến mức thấp nhất, không để xảy ra các vụ khai thác gỗ trái phép có quy mô lớn và có diễn biến phức tạp.
Khu rừng Hà Ra luôn được xanh tươi, trong đó có công sức đóng góp không nhỏ của lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đã luôn cùng sát cánh với chủ rừng ngày đêm tuần tra, kiểm soát ngăn chặn lửa rừng cũng như xử lý các vi phạm trong việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Văn Thông