Chim bói cá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thỉnh thoảng trong giấc mơ, Trà hay thấy một con chim bói cá xanh biếc sà vào tay mình. Cái mỏ nhọn, cứng khẽ mổ nhẹ vào lòng bàn tay cô vài cái. Mắt nó lúng liếng nhìn cô, đảo theo từng nhịp nghiêng đầu. Cô đưa tay còn lại định vuốt ve bộ cánh óng ánh như lân tinh trong đêm tuyệt đẹp. Nhưng nó có vẻ giật mình, nhún chân bay vút qua khe hở bông gió trên tường nhà.

Thỉnh thoảng trong giấc mơ, Trà hay thấy một con chim bói cá xanh biếc sà vào tay mình. Cái mỏ nhọn, cứng khẽ mổ nhẹ vào lòng bàn tay cô vài cái. Mắt nó lúng liếng nhìn cô, đảo theo từng nhịp nghiêng đầu. Cô đưa tay còn lại định vuốt ve bộ cánh óng ánh như lân tinh trong đêm tuyệt đẹp. Nhưng nó có vẻ giật mình, nhún chân bay vút qua khe hở bông gió trên tường nhà.

Làm sao để mình có thể giữ nó lại? Nó đẹp và đáng yêu quá! Hay mình sẽ sắm một cái lồng tre thật đẹp và mềm mại để dành trong một góc? Và thêm vài ba con cá để sẵn trong tủ lạnh. Kiểu gì thì nó cũng cần có cái lót dạ no nê mới yên tâm chơi đùa được.

Trà thảng thốt nhận ra. Nó chỉ đến trong giấc mơ. Cô không thể điều khiển giấc mơ, không thể bảo giấc mơ ơi hãy đi tìm một chiếc lồng xinh đẹp về đây. Chỉ là giấc mơ thôi. Trà phải chấp nhận sự thật đó. Cũng như anh chỉ về với Trà trong giấc mơ đó thôi. Bao nhiêu năm rồi, dù có hàng trăm lần cô mơ thấy anh thì anh vẫn cứ biến mất khi cô thức giấc.

*

* *

Kha - chồng Trà thường xuyên trực xuyên đêm trong bệnh viện, sấp ngửa với những ca phẫu thuật phức tạp, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Anh không có nhiều thời gian dành cho vợ. Trà không buồn dù sự kết nối giữa vợ chồng cô không nhiều.

Ngay cả khi cô mang thai đứa con đầu lòng này, những cú quẫy đạp đầu tiên cũng chỉ mình cô cảm nhận. Cô ngại phải xem những hình ảnh gợi nhiều khao khát như việc hai vợ chồng cùng nâng niu đứa con đang lớn dần lên trong bụng mẹ. Bàn tay ấm áp của người cha đặt lên thành bụng, chạm vào những cú máy đạp đầy bản năng.

Một đứa trẻ chưa ra đời nhưng cũng đã biết thèm những cái chạm tay yêu thương. Nhưng anh chưa làm được gì nhiều cho đứa bé ngoài việc thăm hỏi Trà qua những cuộc gọi video vội vàng sau ca mổ, hoặc sau một cuộc hội thảo.

Kha không bao giờ biết về giấc mơ của cô. Cũng như cô chưa từng hé răng cho anh hay bất cứ điều gì trong những chuyến công tác xa nhà của mình. Thỉnh thoảng, sau chuyến đi, cô đặt vé đi thêm một đoạn. Dù nhiều lần trở lại, đứng trước khung cảnh đã quá xa tiềm thức, cô không thể kiềm lòng, bật khóc.

Bồng đã ở đâu sau chừng đó năm?

Trà dò hỏi những ngôi nhà lân cận. Xen kẽ một số ngôi nhà khang trang còn mới, cô may mắn tìm lại được nhà bà cụ ngày trước bán bánh đúc đầu làng. Bà nhận ra cô bé Trà xinh xắn ngày nào hay la cà hàng bánh đúc của bà mỗi xế chiều.

- Cháu đã về đây, còn thằng Bồng đâu?

Cô cầm đôi tay gân guốc của bà, xoa xoa. Bà đây rồi. Còn Bồng ở đâu? Ngày xưa nhờ hàng bánh đúc của bà mà Bồng và cô mới có thêm nhiều câu chuyện đẹp để kể. Lời hẹn ước của cô cũng gửi lại hàng quán nhà bà, trước khi cô rời làng, lên thành phố học đại học.

Nhà Bồng nhỏ xíu, đơn sơ cạnh bờ hồ đẹp nhất làng. Trà mê nhất chiếc cầu ván gỗ nhỏ trên mép hồ. Từ cầu ván, bọn Trà có thể ngồi đọc sách, khua chân dưới mặt nước mát rượi, khều vài bông súng tím chao nghiêng. Những vạt cỏ mọc quanh bờ hồ lúc nào cũng đầy chuồn chuồn đủ màu sặc sỡ: chuồn kim bé xíu, chuồn ớt đỏ au…

Nhưng Trà thích nhất là thỉnh thoảng được nhìn thấy vài chú chim bói cá với bộ lông xanh biếc óng ánh phóng từ đầu ngọn cỏ vút xuống mặt nước. Sau cú lướt nhanh đến mức chỉ đủ làm mặt nước xao động chút ít, chiếc mỏ dài của chú chim thể nào cũng gắp lên được một con cá nhỏ.

Bồng nói chim bói cá đẹp quá, chắc không ai nỡ bắt nhốt nó trong lồng - khi cô nằng nặc vòi vĩnh anh bẫy cho mình một con về nuôi.

- Nó sẽ buồn lắm. Có khi không sống nổi!

Bồng nói vậy. Bồng cũng nói anh sẽ buồn lắm, có khi anh cũng không sống nổi nếu một ngày nào đó cô không còn ở bên anh. Bồng đã xăm một bông hoa trà lên cánh tay, chỉ cần nhìn là biết anh cần cô đến nhường nào. Anh đã mồ côi ba mẹ từ sớm, không anh em. Bà bán bánh đúc nói chừng nào Bồng đi hỏi vợ, bà sẽ đứng ra lo liệu thay ba mẹ anh.

- Rồi thằng Bồng nó đi mất, sau đợt cháy nhà. Người ta cứu được nó, nhưng không thể giữ nó lại.

Mắt bà bán bánh đúc ứa lệ khi kể về Bồng. Nhà anh đột ngột cháy rụi sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa đất làm khu đô thị mới. Nghe phong phanh là bọn trộm đột nhập, phóng hỏa giết người diệt khẩu khi bị anh phát hiện. Nếu nhà không cháy, anh cũng phải rời đi vì căn nhà sắp bàn giao.

- Nhưng nếu vậy thì nó còn được nguyên vẹn hình hài, đằng này…

Trà không dám và không thể hình dung Bồng của cô như thế nào sau đám cháy. Tim cô như có ai bóp nghẹt. Cô ước lúc đó mình có thể kết thúc việc học sớm hơn. Lúc nhỏ, anh đã từng cứu mạng cô một lần khi cô bị tai nạn xe, mất máu cấp, buộc phải truyền máu cấp cứu.

Trà thuộc nhóm máu hiếm, chỉ có thể nhận được máu cùng nhóm. Bệnh viện không có đủ nguồn máu quý hiếm này. Họ hàng thân thích được ba mẹ cô huy động đi xét nghiệm nhưng đều không hợp. Khi mọi hy vọng vụt tắt thì Bồng tất tả chạy đến, như một phép màu. Anh và Trà có cùng nhóm máu. Lúc đó, ba mẹ cô từng nghĩ rằng có lẽ trời đã định sẵn họ là một cặp, chỉ chờ cô học xong. Trong mắt ba mẹ, Bồng đã như một đứa con trong gia đình, hơn cả một ân nhân.

Nhưng Bồng lặng lẽ biến mất. Không dấu vết.

Thanh xuân của Trà không thể chỉ là những buổi chiều đi lang thang khắp làng, hỏi từng cành cây ngọn cỏ, từng con ngõ nhỏ để tìm bóng dáng Bồng. Trà tuyệt vọng. Nỗi đau của Trà chấp chới, chơi vơi như cánh chuồn mong manh trong gió.

Rồi Kha đến, như một sợi dây được quăng ra đúng lúc.

*

* *

Hôm nay, Trà trở dạ rất lâu. Những cơn đau kéo dài của lần chuẩn bị đón con đầu lòng tưởng như có thể xé cả da thịt mình. Từ những ngày cuối thai kỳ, cô mất ngủ triền miên, không ăn uống được, tay chân cứ xanh mét, trương phù. Kha cuống quýt xoa bóp tay chân cho vợ.

Là một bác sĩ đã quen với những sự cố, nhưng khi nhìn vợ quằn quại trong những cơn đau, anh không chịu nổi. Một đồng nghiệp là trưởng khoa sản của bệnh viện đã tư vấn cho anh kỹ càng cách chăm sóc bà bầu trước kỳ sinh nở. Kha áp dụng tất cả khuyên bảo đó để giúp vợ, nhưng có vẻ không khả quan. Anh tìm đến tận phòng đồng nghiệp để có thể chắc chắn mọi thứ đều an toàn.

- Cô ấy sẽ không sao phải không?

- Ồ… sẽ có chút vấn đề đó. Nhóm máu của cô ấy, anh xem… Tôi sẽ cố gắng hết sức. Nhưng mọi việc còn tùy vào sức khỏe của cô ấy.

Kha cuống quýt xem lại các kết quả xét nghiệm trong hồ sơ thai sản mà trước đây anh quá bận nên đã lơ là. Trà cũng không kịp nói gì với anh. Đứa bé phát triển hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường.

Vấn đề duy nhất chỉ là nhóm máu hiếm của cô. Nguồn máu hiếm của bệnh viện vừa cạn. Máu hiếm đó, trong một ngàn ca hiến máu chỉ tìm được vài người có máu hiếm. Nếu việc sinh nở diễn ra suôn sẻ, thuận lợi thì việc đó không có gì đáng lo. Ngược lại, lỡ như… lỡ như…

Kha không dám nghĩ đến. Anh hít sâu một hơi, tiến ra hành lang bệnh viện. Trước khoảnh khắc mang tính định mệnh này, anh còn biết làm gì hơn là cầu nguyện cho Trà được mẹ tròn con vuông.

Bệnh viện vắng lặng lúc nửa đêm. Ngoài sân, chỉ còn người bảo vệ trực cổng rảo qua rảo lại. Trong không khí thinh lặng, anh nghe rõ tiếng dế li ri đâu đó trong vạt cỏ trước sân bệnh viện. Trước cửa phòng sinh, mẹ anh và mẹ Trà bồn chồn lo lắng. Rồi mọi thứ vỡ òa theo tiếng con nít ré vang một hồi dài. Chào mừng con đã đến với thế giới này. Kha thở hắt ra. Nhiều giờ qua, anh tưởng lồng ngực mình đã đông cứng lại bởi lo âu.

*

* *

- Anh Kha, trưởng khoa muốn gặp anh.

Đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh nhưng Trà thì không. Cô bị băng huyết sau sinh. Nếu không có đúng nhóm máu hiếm để truyền, cô cần phải được chuyển viện ngay. Từ đây đến bệnh viện thành phố, cho dù xe cứu thương có chạy nhanh cũng mất trên hai giờ. Trà mất máu rất nhiều. Bây giờ, mỗi một phút trôi qua đều quý giá.

Tiếng chân chạy cuống cuồng trên hành lang. Khi mọi thứ tối sầm trước mắt Kha, người bảo vệ níu lấy vai anh.

- Tôi sẽ giúp anh. Tin tôi đi!

*

* *

Kha không nhớ, chính xác là chưa từng nhìn rõ khuôn mặt ân nhân, người bảo vệ đã hiến máu hiếm cứu mạng vợ mình đêm sinh tử đó. Khi Trà ngỏ ý muốn gặp để hậu tạ, anh ta đã nghỉ việc, đi đâu không rõ.

- Anh chỉ nhớ là cánh tay anh ấy đầy những sẹo lớn, loại sẹo bỏng ấy, khi anh ấy vén áo để y tá lấy máu.

Trà không dám khóc. Mọi xúc động lúc này đều có thể là nguồn cơn sản hậu. Cô ôm đứa con bé nhỏ trong tay, hôn lên những ngón tay bé xíu xinh xắn của con. Cảm ơn con đã giúp mẹ có những kết nối thật diệu kỳ.

Những dự cảm lạ lùng về Bồng đã trở đi trở lại trong giấc mơ. Bây giờ, dù cô không còn gặp một con chim bói cá đẹp đẽ nào của ngày xưa nữa, nhưng Bồng của cô đã trở về. Anh vẫn còn sống. Những giọt máu quý giá của anh một lần nữa giành lại sinh mệnh cho Trà.

*

* *

Trước khi rời đi, người đàn ông ấy đã kịp nhìn thấy hai mẹ con Trà bên khung cửa sổ. Anh mỉm cười. Trà ơi, em phải sống một đời bình an, nhớ nhé! Anh cũng tự cảm ơn mình đã kịp dừng lại ý định hèn hạ, tự kết thúc cuộc đời sứt sẹo của mình bằng những viên thuốc.

Nếu lỡ Trà có gặp anh trên đường, chắc cũng không thể nhận ra khuôn mặt chằng chịt vết sẹo, mắt đã lệch sang một bên. Hành trình của anh sắp tới là hành trình của những giọt máu hiếm được san sẻ khắp các bệnh viện. Một hành trình đầy niềm vui thì còn sợ gì nỗi cô đơn bủa vây nữa. Bồng mỉm cười gọi lớn:

- Chủ quán, tính tiền ly cà phê!

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: Phạm Quý

Bây giờ đang thắm mùa hoa

(GLO)- Từ dưới chân núi, tôi ngước nhìn vòm trời xanh văn vắt treo đầy những cụm mây trắng xốp. Nổi bật trong không gian cao rộng là màu đỏ của đất bazan và ngờm ngợp sắc hoa, nhất là màu vàng của dã quỳ.

Bước ra ngày mới

Bước ra ngày mới

(GLO)- Lúc còn đi học, mỗi buổi sớm mai, tôi thường nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường rồi sau đó mới là tiếng những cánh cổng sắt được mở ra, tiếng người đi thể dục lao xao.

Ảnh minh họa: Minh Lê

Mây giăng mắt núi

(GLO)- Qua ngày lập đông, còn bao nhiêu heo may gió cũng mang về theo mùa hun hút. Trên đầu dốc, cây bằng lăng núi lá đã chuyển thành màu đỏ sậm như những nốt son ấm áp giữa bao la xanh. Và mây ở đây, bốn mùa cứ lờn vờn khắp các triền đồi.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn bắp của ba

(GLO)- Nhiều năm ở phố nhưng tôi đã quen với đất đồng, quen với sự bình yên làng mạc. Bởi vậy, hễ có dịp là tôi tranh thủ về quê, chẳng nhất thiết là phải cuối tuần.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bài học đầu tiên

(GLO)- Buổi sáng hôm ấy, mẹ nắm tay đưa tôi đến trường lần đầu tiên. Ngôi trường làng nhỏ bé, nằm giữa những tán cây xanh rợp bóng mát. Không gian thoang thoảng mùi thơm của những đóa hoa bên đường.

Những món đồ cũ

Những món đồ cũ

(GLO)- Mỗi lần sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, tôi thường tần ngần ngắm nhìn những món đồ cũ. Những đồ vật vốn vô tri, nhưng khi gắn với cuộc sống con người thì chúng trở nên có hồn và có thể gợi lại những câu chuyện, kỷ niệm khó quên.

Mùa nấm mối

Mùa nấm mối

(GLO)- Đã 3 mùa mưa qua, khu vườn nhà tôi đều xuất hiện nấm mối. Những búp nấm nhú lên mặt lá ủ sau một thời gian dài ủ meo mầm, khi gặp cơn mưa đầu mùa rồi nắng lên vài hôm, có cơn mưa tiếp theo là những tai nấm mối thân trắng, núm đầu dù màu xám đội lên từng khóm.

Dã quỳ trong sương đêm

Dã quỳ trong sương đêm

(GLO)- Dã quỳ là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, kiêu hãnh. Khi gợi nhắc sắc hoa màu nhớ, người ta thường nghĩ đến màu vàng rực rỡ trong nắng ban mai, trong buổi bình minh hé giấc hay rực ấm lúc chiều tà.

Thương hoài bếp lửa

Thương hoài bếp lửa

(GLO)- Ở quê, mẹ tôi vẫn dùng bếp củi. Mỗi lần về quê, tôi rất thích ngồi bên bếp lửa ấy, thi thoảng lại dụi đầu vào vai mẹ. Ngọn lửa tí tách reo vui gọi về trong tôi biết bao kỷ niệm ấu thơ.

Thân Thương loài hoa của núi - Dã quỳ

Thân thương loài hoa của núi

(GLO)- Khi những cơn mưa cuối mùa khép lại báo hiệu mùa khô Tây Nguyên đã đến, những dải hoa dã quỳ (còn có tên cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại,…) bắt đầu vươn mình khoe sắc. Những đóa hoa dã quỳ nhỏ bé, tràn đầy năng lượng và sức sống, tạo nên những dải sóng đồi vàng rực, mê hoặc lòng người.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nhớ mùa cà phê

(GLO)- Lâu lắm rồi, tôi mới có 1 ngày nghỉ rớt vào giữa tuần. Vui vẻ tận hưởng ngày nghỉ đột xuất cũng là một cách để hưởng thụ cuộc sống. Tôi lấy điện thoại ra gọi bạn. Sau một hồi chuông dài, tôi nghe tiếng bạn giữa vô số thanh âm ồn ào. Bạn nói đang bận hái cà phê.

“Gió mùa đông bắc se lòng”

“Gió mùa đông bắc se lòng”

(GLO)- Những ngày này, trời trở lạnh. Những cơn gió đượm sắc đông thấm sâu vào từng góc phố, hàng cây, ngôi nhà... Người ta thường nói rằng, khi đông về, trong lòng mỗi người dường như thường dâng lên một nỗi buồn man mác.

Áo bà ba

Áo bà ba

(GLO)- Đang mua hàng thì bỗng nhiên tôi cảm thấy có người phía sau nhìn mình. Tôi quay đầu lại và bất giác mỉm cười chào chị.

Thạch sương sâm - Món quà ký ức

Thạch sương sâm - Món quà ký ức

(GLO)- Khu chợ Bà Định (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đông đúc kẻ bán người mua với đủ thực phẩm tươi rói vào sáng sớm. Vậy nhưng, hàng thạch sương sâm của bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại 34/25 Hoàng Sa, TP. Pleiku) luôn có sức hút đặc biệt. Dù nắng hay mưa, hàng của bà luôn bán hết trước 8-9 giờ sáng.

Gửi lại trên đồi

Gửi lại trên đồi

(GLO)- Đôi khi, một chuyến đi xa chỉ chừng mấy mươi cây số cũng đủ khiến chúng ta bước ra khỏi cái vòng quẩn quanh thường nhật, thu lấy một ít năng lượng mới trước khi mình bị “mòn” đi bởi những trật tự cũ càng.