(GLO)- Gia Lai có diện tích tự nhiên 1.553.693 ha, đất lâm nghiệp có rừng 625.433 ha, trong đó diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 495.187 ha, chiếm 79,4% diện tích rừng toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2015, diện tích rừng trong lưu vực chi trả đã cung ứng dịch vụ cho 41 nhà máy thủy điện và 3 nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Những cánh rừng do người dân quản lý, bảo vệ luôn giữ được màu xanh tốt. Ảnh: M.N |
Sau khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Quỹ xác lập cơ sở và điều kiện cần thiết nhằm huy động nguồn thu và thực hiện chi trả, hướng dẫn về nghiệp vụ, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, bảo đảm tiền DVMTR được sử dụng đúng mục đích quản lý bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế người làm nghề rừng, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng.
Trong 5 năm qua, tiền DVMTR đã huy động vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hơn 287,5 tỷ đồng. Chi trả hơn 250,4 tỷ đồng (chiếm 87,1%) cho 38 chủ rừng là tổ chức nhà nước, 87 UBND cấp xã, 7 chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn. Các cơ sở sử dụng DVMTR đã chấp hành tốt nghĩa vụ theo quy định của chính sách và cam kết, kê khai nộp đủ số tiền DVMTR phát sinh hàng năm, không có tình trạng nợ tiền DVMTR, bảo đảm tiến độ giải ngân đến các chủ rừng theo đúng quy định.
Số tiền DVMTR huy động bình quân 60-65 tỷ đồng/năm đã góp phần giảm nhẹ gánh nặng ngân sách tỉnh chi cho hoạt động lâm nghiệp (tương đương 48,53%/năm). Các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ được tăng thêm nguồn kinh phí, tạo điều kiện triển khai, mở rộng diện tích khoán quản lý bảo vệ rừng. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp có nguồn để giải quyết tình trạng khó khăn về tài chính do dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Ủy ban nhân dân cấp xã từ chỗ chưa có khả năng bố trí kinh phí từ ngân sách cho công tác quản lý bảo vệ rừng, nay đã có điều kiện để triển khai nhiệm vụ bảo vệ rừng do xã quản lý. Nguồn tiền DVMTR được chi trả là điều kiện để mở rộng diện tích rừng khoán cho dân quản lý bảo vệ, ngoài ra còn được bố trí để thực hiện các giải pháp phòng-chống cháy rừng và các công trình nghiệp vụ lâm sinh khác, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Số hộ nhận khoán và hợp đồng bảo vệ rừng được chú trọng triển khai mở rộng. Với mức chi trả bình quân hộ nhận khoán 4,4 triệu đồng/năm đã tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng gần rừng, đã và đang tham gia tích cực vào công tác quản lý bảo vệ rừng, gắn bó với rừng và góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Thời gian tới, để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong 5 năm qua, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu chính sách và thông qua thực tiễn triển khai ở địa phương, phát hiện những tồn tại, bất cập từ phía chính sách và hướng dẫn thi hành để kịp thời phản ánh kiến nghị với Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp tình hình thực tế; chủ động đề xuất UBND tỉnh về những chủ trương, giải pháp thiết thực trong tổ chức thực hiện, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bảo đảm chính sách chi trả DVMTR phát huy hiệu quả hơn nữa.
Thứ hai, các bên cung ứng và sử dụng DVMTR cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi theo quy định, xác định đây là điều kiện tiên quyết cho thực thi chính sách; coi trọng công tác truyền thông, xem đó là một nhiệm vụ thường xuyên và được tiến hành đồng bộ ở các cấp, các ngành và cơ sở; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực thi chính sách đối với các bên cung ứng và sử dụng DVMTR, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, xử lý đúng quy định các vi phạm.
Thực hiện tốt các nội dung nêu trên là góp phần đưa chính sách chi trả DVMTR, một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân, đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ phát triển rừng và hỗ trợ nâng cao đời sống cho đồng bào sống gần rừng trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Đức Hoàng
Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh