Chật vật mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Mấy tháng dịch nằm nhà, nhiều khi lo đến mất ngủ. Phần sợ không có gì ăn, phần sợ nhiễm bệnh rồi biết xoay xở ra sao? May mà chung quanh còn bao người tốt giúp đỡ. Giờ được ra đường kiếm sống qua ngày, chỉ mong yên ổn để gom chút tiền, Tết về quê sớm với con”, lụi cụi gom mớ thùng giấy vừa được người ta cho vào vựa ve chai bán, bà Lương Thị Mười (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) uống vội ngụm nước trước khi đẩy xe đi tiếp.

Thu nhập hằng ngày của bà Mười chủ yếu từ việc lượm và thu mua ve chai.
Thu nhập hằng ngày của bà Mười chủ yếu từ việc lượm và thu mua ve chai.
Bệnh gì cũng mừng hơn… dịch
Chỉ tay về phía ba chiếc xe đẩy gỉ sét, ọp ẹp nằm chồng lên nhau ngay góc nhà trọ, bà Mười buông tiếng thở dài. “Đợt dịch rồi, ba người trong nhà không chịu nổi đã bỏ về quê. Giờ còn bảy người cưu mang nhau, nghĩ cũng buồn”. Cả chục năm nay, bà Mười cùng chín người đồng hương từ Bình Định dắt nhau vào TP Hồ Chí Minh làm nghề lượm ve chai. Nhà trọ mà họ ở thực chất là vựa ve chai, phía trước chất đầy phế liệu, phía sau tối tăm, ẩm ướt, có độc nhất cái phản gỗ vừa làm bàn ăn, vừa làm giường. Nhà 10 người ở mà chỉ có hai cái quạt cũ sửa lại từ đồ người ta vứt lăn lóc ngoài phố. Những bữa cơm vội đa phần chỉ chút cá khô, canh rau. Tiền kiếm được ai cũng tằn tiện để còn gửi về quê cho con ăn học, nuôi người nhà ốm đau.
Bà Mười nói, nếu không có dịch, mấy chị em trong nhà trọ vẫn thấy cuộc đời “dễ thở”. Sáng họ dậy sớm, chia nhau đẩy xe đi các ngõ vừa mua vừa lượm ve chai. Trưa về tranh thủ trò chuyện trong lúc nấu cơm. Ăn uống, nghỉ ngơi một chút họ lại đẩy xe đi đến tối mới về. Ngày may mắn thì được hơn 100 nghìn đồng, ngày lèo tèo vài chục cũng đủ cơm mắm, tiền nhà. “Làm nhiêu gom góp gửi về quê nên có dư đồng nào đâu. Dịch tới, gạo chỉ đủ ăn mấy ngày, ai cũng thấp thỏm. Lúc nghe không được ra đường, mấy chị em nhìn nhau mếu máo. Sợ đủ thứ. Giờ qua rồi nghĩ lại tim còn đập thình thịch đây. Mấy người chịu không nổi về quê tốn cả 12 triệu đồng tiền xe, mình lấy đâu ra số đó. Thôi ráng bám Sài Gòn đợi hết dịch còn mưu sinh”, bà Mười nhớ lại mấy tháng trời đầy ám ảnh. 
Nỗi sợ dâng lên đỉnh điểm khi ngay trong giai đoạn TP Hồ Chí Minh tăng cường giãn cách xã hội, một người trong nhà ngã bệnh, phải vào viện khám gấp. Trước khi đi, người phụ nữ tóc muối tiêu kéo vội lớp khẩu trang, nghẹn ngào dặn dò. “Mấy đứa ráng chờ, nếu chị kiểm tra mà dương tính thì chị xin đi cách ly luôn chứ không về đây đâu. Mấy đứa ráng lo cho nhau”. Ngồi trong căn nhà dựng tạm tối om, ngột ngạt, bà Mười cùng mấy chị em nhắm chặt mắt nguyện cầu. Lúc đó, bà Mười chỉ muốn gói ghém đồ đạc về quê nhưng làm gì có cách. Điện thoại vang lên, đầu dây bên kia nói, giọng run run: “Chị không sao rồi nghe. Chỉ bị bệnh tuổi già thôi, không phải do dịch”. Cái giai đoạn gì kỳ cục, bị bệnh mà vẫn thấy vui dù chưa biết lấy tiền đâu thuốc thang, chỉ cần không phải “mắc dịch” là được.
Đứng giữa khu chợ tự phát đông đúc người ngược xuôi ngày cuối tuần ở quận Gò Vấp, anh Thái bối rối không biết nên rẽ phải hay rẽ trái để đi tiếp. Anh quên đường. Quay lại công việc bán hàng rong sau nhiều tháng liền ở nhà tránh dịch, Thái quên luôn cách di chuyển bằng trí nhớ, điều mà một người khiếm thị như anh thường chọn làm khi đến các điểm quen thuộc. Bán hàng quanh khu chợ này mấy năm trời, anh thuộc từng ngõ ngách. Vậy mà không hiểu tại sao bây giờ đôi chân anh thấy mọi thứ lạ lẫm quá. Vội vàng lấy cây gậy dò đường trong giỏ xách ra, Thái chậm rãi đẩy xe đi, miệng rao to “Ai mua bông ngoáy tai, bật lửa, khăn giấy ướt, kẹo cao-su không? Ủng hộ người khiếm thị đi anh chị ơi! Em cảm ơn”.
Chợ đông nhưng chẳng mấy ai tiến về phía xe hàng của người đàn ông khiếm thị đen nhẻm ấy. Tới lui mỏi chân, trời nóng như đổ lửa, Thái đứng nghỉ gần bãi giữ xe, tay mò mẫm xếp lại các mặt hàng trong khi đợi khách. Anh nói, biết là bán ế nhưng vẫn đi vì kiểu gì cũng kiếm được chút gì đó lấp đầy chiếc bụng đói. Mấy tháng ở nhà rồi còn gì, đồ người ta cho ăn dè sẻn mấy cũng cạn, phải tự lực cánh sinh thôi. “Chắc dịch xong người ta hết tiền rồi. Mấy cái hàng này không thiết yếu nên giờ khó bán lắm. Cả buổi sáng mà bán được có hai chục nghìn đồng, không đủ tiền ăn gói mì ăn liền. Tuần sau chắc mình mua thêm khẩu trang, nước sát khuẩn bán kèm chứ kiểu vầy sao đủ sống. Dịch xong, cái gì cũng khác thì phải, chấp nhận thôi chứ biết sao giờ. Đường đi quen thuộc mình còn quên thì khách quên mình có gì lạ đâu”, Thái nói với gương mặt ỉu xìu. Anh đưa tay vào chiếc túi nhỏ đeo trước ngực, vuốt nhẹ mấy tờ tiền lẻ nhăn nhúm rồi đếm tới đếm lui giải sầu. 
Ở lại vì mắc nợ thành phố
Mặt đeo khẩu trang, chân mang tất dày, đầu đội chiếc nón lá cũ mèm, một tay cầm dù che thân, một tay vẫy vẫy xập vé số, ông Khương kiên nhẫn ngồi trên cầu Kinh Thanh Đa (quận Bình Thạnh) chờ người ghé mua giữa cái nắng khô khốc. Giờ này đáng lẽ ông đã đi bộ về nhà trọ gần đó để ăn cơm với vợ nhưng hôm nay bán ế nên ráng kiếm thêm. Gần 1 giờ trưa, thấy người phụ nữ chạy xe Wave dừng lại hỏi thăm, ông cụ ngoài 70 tuổi mừng ra mặt “Mua vé số hả cô? Mua đi cô ơi. Hôm nay còn nhiều quá”. Người phụ nữ mua vội 5 tờ vé số rồi rồ máy chạy đi, ông Khương vẫn tiếp tục ngồi đó đợi những vị khách vãng lai tiếp theo. 
Giữa trưa, ai ghé mua vé số cũng sốt ruột hỏi thăm sao không vào chỗ mát ngồi bán, nắng nôi bệnh thì khổ thân. Ông Khương chỉ cười trừ, tay cầm chắc xập vé số dày cộm, nói giọng lí nhí: “Tôi ngồi đây đợi khách quen”. Vào Sài Gòn gần 20 năm, ông bán vé số ở cây cầu này lâu tới mức người đi đường nhớ mặt. Khách ghé mua đa phần cũng vì thương mà đến, riết rồi thành mối quen. Vậy mà dịch xong, nhiều mối quen bặt tăm, ông vừa buồn vừa lo. “Không biết họ có ổn không? Dịch mà, ai còn ai mất sao biết được. Như vợ chồng tôi, đợt dịch nhờ có địa phương hỗ trợ tiền, đồ ăn, chủ nhà thì giảm giá chứ nếu không biết sống thế nào. Mấy tháng liền hai vợ chồng đóng chặt cửa, chẳng dám bước chân ra đường. Người ta thương, mang đồ đến tận nơi cho. Mình già, nhiều bệnh, bữa được tiêm vaccine, mừng lắm. Tiêm xong mới dám ra đây ngồi bán”, ông Khương chia sẻ. 
Tình thương yêu, sự quan tâm cũng là điều mà bà Mười cùng các chị em trong nhà nhận về nhiều nhất trong đợt dịch cam go này. Trước hôm TP Hồ Chí Minh tiến hành giãn cách xã hội, mấy chị em gom tiền lại mua được mấy thùng mì, hàng xóm cho thêm khoai lang, bí ngô và gạo mắm.  Một tuần sau, khi đồ ăn trong nhà sắp cạn, nhận được cuộc gọi từ người lạ nói ra cửa nhận quà, bà Mười cười ra nước mắt: “Suốt mấy tháng trời, chị em tôi sống nhờ tình thương, sự đùm bọc của các nhà hảo tâm và địa phương. Có người là đồng hương, có người xa lạ, họ cứ gọi điện hỏi thăm rồi đem tới đủ thứ từ gạo mắm đến thịt cá, rau củ. Có người còn cho tiền, nói tụi tôi giữ đó phòng thân. Rồi chúng tôi nhận được tiền hỗ trợ, đỡ lắm. Nhưng mừng nhất là được địa phương cho chích vaccine phòng dịch. Giờ ai cũng đủ hai mũi rồi, đi làm lại an tâm hơn”.
Hôm rồi, khi thành phố ngưng giãn cách, đang cặm cụi đẩy xe đi xin ve chai, bà Mười giật mình khi nghe tiếng gọi của cô gái trẻ “Cô ơi, mấy nay kiếm tiền đủ ăn không cô?”. Bà Mười cười giòn tan, nói to “Biết đủ là đủ hết con ơi! Giờ hàng quán quen người ta đóng cửa nhiều quá, tụi cô chủ yếu đi lượm ve chai ngoài đường về bán lai rai qua ngày chờ khi mọi thứ trở về bình thường”. Cô gái lấy túi quà chuẩn bị sẵn trên xe, đặt vào chiếc xe đẩy đầy lon sữa, chai nhựa của bà Mười, động viên “Con có ít bánh trái gửi cô ăn bồi dưỡng sức khỏe. Cố gắng bám trụ nha cô. Rồi sẽ ổn hết thôi”. Nói rồi, cô gái lên xe rời đi. Bà Mười mở túi quà, thấy trong đó có chiếc phong bao nhỏ kèm dòng chữ viết tay nắn nót “Mong đỡ đần được cho cô”. Giữa trưa Sài Gòn hầm hập, đường vắng ngắt, bà đứng ngay giữa phố khóc ngon lành. 
Số bánh trái giúp bữa trưa hôm đó của cả nhà trọ bà Mười đầy đặn, ấm cúng hơn. Suốt mùa dịch này, lắm lúc bà Mười cũng nắm tay người lạ mà nước mắt ngắn dài vì bất ngờ trước những yêu thương. Bà nói, ngay lúc khó khăn, túng quẫn nhất mà được che chở, quan tâm nhiều như vậy thì làm sao không mềm lòng. Bà Mười nói, mình nợ Sài Gòn quá nhiều ân tình. Sài Gòn cưu mang bà từ lúc thành phố khỏe mạnh đến cả khi trọng thương, lắt lay trong dịch. Thấy Sài Gòn đang dần hồi sinh, bà Mười mừng lắm. Có thể sau dịch, thu nhập không còn được như trước nhưng chỉ cần được ra đường, được nhìn dòng người qua lại, được hít thở bầu không khí quen thuộc, với bà đã là niềm vui. Trải qua những ngày hiểm nguy, bà thêm yêu và muốn gắn bó với thành phố này nhiều hơn.
Bài & ảnh: Mỹ Dung (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.