Lễ chùa Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên đường ra Trường Sa, chúng tôi có dịp tiếp xúc với Đại đức Thích Tâm Tánh trên tàu 561 Hải quân Vùng 4. Đại đức vừa có 2 năm hành đạo tại chùa Vinh Phúc của đảo Phan Vinh, một đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nay được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa lưu chuyển ra chùa Trường Sa. Mười mấy ngày lênh đênh trên biển, Đại đức thấm mệt vì đường xa, sóng lớn. Giữa những lần ra boong hóng gió lấy lại sức, tôi có dịp trò chuyện và biết thêm về thầy. Đại đức xuất gia tu tập tại chùa Linh Phong (xã Ninh Phú, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Hữu duyên nên từ lúc 13 tuổi thầy đã đến với nhà Phật. Một thời gian sau khi xuất gia, thầy được cử đi học trung cấp Phật học tại Tu viện Nguyên Thiều (huyện Tuy Phước, Bình Định), trước khi được cử ra phụng sự Phật pháp tại chùa Vinh Phúc và bây giờ là chùa Trường Sa.
 

Cột mốc chủ quyền nhìn từ chùa Trường Sa. Ảnh: T.S
Cột mốc chủ quyền nhìn từ chùa Trường Sa. Ảnh: T.S

Kể về thời gian trụ trì chùa Vinh Phúc, Đại đức cho biết chùa bên ấy có kiến trúc khá đẹp, quy mô lớn hơn chùa Trường Sa. Dẫu chỉ một mình nhưng mọi hoạt động của chùa và bản thân thầy đều duy trì như khi ở đất liền. Nghĩa là thầy luôn đảm bảo 4 thời cúng, hành trì nghi thức theo quy định, dù có điều chỉnh theo điều kiện và đặc điểm trên đảo. Thỉnh thoảng chùa đón các ngư dân đến viếng, sau khi ghé lại đảo để được chính quyền xác nhận, hướng dẫn đánh bắt hải sản. Hỏi về nguồn sống, thầy Tánh cho biết gạo nước do đảo cung cấp. Đồ chay thì một phần thầy mang theo một phần trao đổi hoặc nhờ ngư dân mua giúp và một phần nhờ tăng gia sản xuất. “Thầy trồng 2 giàn mướp rất sai quả, dùng không hết nên cho bộ đội đem về cải thiện”-thầy Tánh bộc bạch.

Ba ngày lưu lại trên đảo, chúng tôi vẫn thường lại qua viếng chùa, thăm sư trụ trì. Cảnh quan chùa khoáng đạt, tĩnh mịch, có nhiều cây xanh bóng mát nên rất dễ chịu. Hậu điện chùa này có câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm viết trên phiến đá san hô ẩn chứa hàm ý sâu xa-quyết tâm giữ vững bờ cõi biên cương của tiền nhân: “Biển Đông dậy sóng chung tay giữ/Đất Việt muôn dân sống trường tồn”.

Mặc dù hãy còn thấm mệt nhưng vừa tới nơi, Đại đức Thích Tâm Tánh đã nhanh chóng bắt tay vào việc, thực hiện đầy đủ thời khóa tu tập trong ngày bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng: thỉnh chuông-công phu, chấp tác-dọn vệ sinh, dùng sáng, tụng kinh nghiên cứu giáo lý, nấu cơm, cúng ngọ, dùng cơm trưa, nghỉ trưa, tụng kinh, cúng cháo, thể dục thể thao, vệ sinh cá nhân, dùng cơm tối, tụng kinh, thư giãn, chỉ tịch (ngủ nghỉ). Chúng tôi không khỏi bất ngờ vì vừa tới đảo, Đại đức Thích Tâm Tánh đã chủ động đến thăm, tìm hiểu cuộc sống gia đình các hộ dân. Thăm nhà anh Lê Thanh Lâm, thầy ân cần hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, việc chuẩn bị Tết và không quên thắp hương bàn thờ gia tiên, cầu mong gia đình mạnh khỏe, an lành.

Cách hành xử “đạo không tách rời đời” của Đại đức Thích Tâm Tánh vừa nguyên tắc vừa uyển chuyển.  Không e dè, ngần ngại mà gần gụi, nhập thế, gắn bó mật thiết với nhân sinh, triết lý đó ai cũng cảm nhận được. Vì vậy mà nhiều người không lấy làm bất ngờ khi hôm văn nghệ mừng Xuân mới, Đại đức “xung phong” góp vui tiết mục “Dòng máu Lạc Hồng”. Không nhạc đệm hỗ trợ, giản dị đơn sơ trong màu áo cà sa bạc màu, Đại đức khiến cả hội trường nổ tung, cùng vỗ tay, đồng thanh hát theo mỗi câu hát: “Dòng máu Lạc Hồng, giống Rồng tiên/ Dòng máu Việt Nam chảy trong tim mình...”.

Hôm đảo chuẩn bị ăn Tết sớm, thầy Tánh bận rộn cả ngày. Là ngày Tết chung, Tết lớn của cả đảo nên hoạt động của chùa cũng không tách rời hoạt động ý nghĩa này. Khi bình minh dần rực rỡ cũng là lúc cán bộ, nhân dân, các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo nô nức đi lễ chùa. Trung tá Đỗ Thế Tuyến-Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa bế cháu Thái Bình Hải Thùy tròn một tuổi, dẫn đầu đoàn người tới viếng chùa. Sư trụ trì Thích Tâm Tánh ân cần tiếp đoàn, đưa vào lễ Phật và không quên lì xì đầu năm cho tất cả mọi người. Cầm trên tay phong bì cùng lời cầu chúc năm mới, cảm giác vừa thân quen vừa lạ lẫm xen lẫn niềm thành kính ngày đầu năm, khởi đầu một mùa Xuân mới. Trong khi người lớn tỏa ra khắp nơi thắp hương lễ Phật thì các cháu nhỏ tung tăng nô đùa, thỏa thích vui chơi, rạng ngời hạnh phúc. Không khí thanh bình ngày đầu năm bao trùm dẫu cách vài chục mét, sóng biển như ngàn năm tuôn trào dữ dội…

Đêm xuống nhìn về chùa Trường Sa, ánh đèn mờ tỏ. Một không khí u huyền, tĩnh mịch, lắng đọng rất lạ, có lẽ chỉ có ở nơi đảo xa. Bỗng cảm thấy thật nhẹ nhàng khi cách xa ồn ào, xô bồ, bon chen lấm láp phố thị. Thinh không tiếng chuông chùa tan biến trong tiếng gió, trong tiếng sóng biển từng đợt ào ạt vỗ bờ, xa hơn ngoài kia là mênh mông sóng nước.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Không khí đón Tết ở Trường Sa

Không khí đón Tết ở Trường Sa

(GLO)- Khi mọi người, mọi nhà đang hân hoan chờ đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ở nơi đảo xa-biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, không khí Xuân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cũng rộn ràng...
Câu cá đêm ở Trường Sa

Câu cá đêm ở Trường Sa

(GLO)- Trong chuyến hải trình dài ngày ra thăm, chúc Tết quân và dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, câu cá đêm ở Trường Sa là một trong những thú vui giúp các thành viên đoàn công tác vơi đi nỗi nhớ nhà, sự mệt mỏi sau những ngày đánh vật với sóng gió mùa biển động và cũng là để cải thiện bữa ăn cho các thành viên trên tàu…
Thăm, chúc Tết quân dân đảo Phan Vinh

Thăm, chúc Tết quân dân đảo Phan Vinh

(GLO)- Nằm trong chuyến công tác thực hiện nhiệm vụ thay thu quân, thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 18-1, đoàn công tác số 2 đi trên tàu Bệnh Viện 561 đã đến thăm và làm việc tại đảo Phan Vinh.
Âu tàu đảo Sinh Tồn: Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển

Âu tàu đảo Sinh Tồn: Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển

(GLO)- Âu tàu đảo Sinh Tồn (xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là địa chỉ tin cậy của ngư dân vào tránh trú an toàn khi gặp thời tiết mưa bão hay bị sự cố trên biển. Đây thật sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân khi vươn khơi bám biển và cũng để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Gieo chữ nơi đầu sóng, ngọn gió

Gieo chữ nơi đầu sóng, ngọn gió

(GLO)- Dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng hai thầy giáo trẻ đang công tác ở đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa không giấu được niềm hạnh phúc và tự hào khi được gieo chữ, chăm sóc cho các em học sinh nơi đầu sóng, ngọn gió, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc
Ấn tượng với các vườn rau trên các đảo chìm

Ấn tượng với các vườn rau trên các đảo chìm

(GLO)- Những ngày đi qua các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, điều chúng tôi ấn tượng nhất chính là các vườn rau xanh. Các loại như rau cải, mồng tơi, rau muống, mướp… luôn tốt tươi dù điều kiện thời tiết, khí hậu trên các đảo này quanh năm rất khắc nghiệt.
Tết ở Trường Sa

Tết ở Trường Sa

Trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, tháp tùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, P.V Báo Gia Lai đã được cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đón Xuân mới trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Trao Huy hiệu "Chiến sỹ Trường Sa" cho 103 phóng viên, nhà báo

Trao Huy hiệu "Chiến sỹ Trường Sa" cho 103 phóng viên, nhà báo

Ngày 23-1, tại TP. Cam Ranh, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã trao Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa“ cho 117 cá nhân là các phóng viên, nhà báo; thành viên Câu lạc bộ vì biển đảo quê hương đã hoàn thành chuyến thăm, tặng quà và chúc Tết tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khành Hòa).