Đêm trên chốt tuần tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, thế nhưng trên tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai, các chốt bảo vệ, chống người xuất-nhập cảnh trái phép và phòng-chống dịch vẫn được duy trì. Đêm trên chốt tiền tiêu, những người lính mang quân hàm xanh vẫn vượt suối, băng rừng để bảo vệ bình yên nơi biên giới.

1. Có lẽ trong mỗi chúng ta, ai cũng nằm lòng câu tục ngữ “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng”, nhưng nếu lên biên giới, theo bước chân của những người lính thì đêm tháng năm vẫn dài dằng dặc. Khi mặt trời dần khuất núi, Thượng tá Nguyễn Đức Hùng-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) dẫn chúng tôi lên chốt phòng-chống dịch và bảo vệ biên giới số 3 của đơn vị. Hành trình lên chốt khá vất vả bởi những khúc cua ngoằn ngoèo, con đường tuần tra chạy dọc theo triền núi. Thượng tá Hùng khái quát: “Đồn có nhiệm vụ quản lý hơn 15 km đường biên giới, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, lối tắt nên nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ nặng nề hơn. Những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi đã thành lập 5 chốt, ngoài ra còn có các tổ tuần tra lưu động vừa bảo vệ biên giới, vừa chống dịch. Có những chốt cách xa đơn vị gần 10 km, ô tô không vào được nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn ngày đêm bám biên”.

Trời vừa sáng là các cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ tuần tra đêm. Ảnh:
Các cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ tuần tra đêm khi trời vừa sáng. Ảnh: Thiên Thanh


Hơn 2 năm gắn bó với chốt tiền tiêu, Thượng úy Đỗ Ngọc Cường đã thuộc nằm lòng từng con đường, lối đi trên địa bàn khi màn đêm buông xuống. “Trước đây là chốt tạm nên anh em rất vất vả, thiếu thốn đủ thứ. Nhưng từ khi có nhà bán kiên cố thì đỡ vất vả hơn. Đêm mưa, chúng tôi cũng không phải lo ướt, anh em có chỗ nghỉ ngơi nên đảm bảo sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ. Thực ra thì anh em trong chốt đều phân tán, đặc biệt là ban đêm phải mắc võng dưới gốc cây trên các đường mòn, lối tắt để làm nhiệm vụ. Ban ngày, mọi thứ có thể nhìn rõ, nhưng ban đêm tầm nhìn hạn chế, kẻ xấu có thể lợi dụng để làm việc phi pháp”-Thượng úy Cường thông tin. Trời tối, các bóng điện trong chốt được bật sáng, nhưng chỉ đủ để soi rõ một góc, còn mọi thứ ngoài kia vẫn âm u. Chốt có 5 người nhưng bữa cơm chỉ có 3 người, còn lại 2 cán bộ, chiến sĩ vẫn đang thực hiện nhiệm vụ. “Chúng tôi ăn cơm trước để ra thay cho các đồng đội trực gác. Đêm trên biên giới mọi thứ đều yên tĩnh, chiếc đèn pin mang theo chỉ đủ soi sáng một diện tích rất nhỏ, còn lại phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, trong đó, đôi tai phải thính để nghe các âm thanh, những chuyển động lạ”-Thượng úy Cường cho biết.

2. Rời chốt số 3 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh), chúng tôi xuôi đường tuần tra đến chốt Cota (Đồn Biên phòng Ia Mơr, huyện Chư Prông). Trước đây, mọi người vẫn thường gọi đây là chốt “3 không” (không điện, không nước, không sóng điện thoại) nhưng giờ chỉ còn “2 không” bởi đã có điện năng lượng mặt trời chiếu sáng. Vì đã hẹn trước nên mặc dù trời về khuya, nhưng Thiếu tá Lê Minh Hải-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Mơr vẫn lên chốt để đợi chúng tôi. Trong căn nhà bán kiên cố, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đang đi tuần tra. “Trách nhiệm của những người lính Biên phòng là phải bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Làm nhiệm vụ thì lúc nào cũng phải sẵn sàng, nhưng ban đêm có phần vất vả hơn, bởi địa hình nơi đây rất phức tạp, thi thoảng những cơn mưa rừng đổ xuống khiến anh em ướt hết. Ban ngày có thể tranh thủ chạy về thay đồ, nhưng ban đêm thì điều này không được, phải đợi người khác đến gác thay rồi mới được về. Là người lính, không bao giờ được bỏ vị trí khi đang thực hiện nhiệm vụ”-Thiếu tá Hải bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Anh tiếp lời: “Chúng tôi không chỉ có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát địa bàn mà còn phải thường xuyên xây dựng các phương án cứu hộ, cứu nạn. Địa hình biên giới có nhiều sông suối, người dân địa phương có thói quen ngủ lại rẫy, nếu mưa bất ngờ, nước lên cao họ có thể bị cô lập. Ban ngày, phương án cứu hộ, cứu nạn sẽ triển khai dễ dàng, nhưng trời tối thì vô cùng khó khăn. Những năm trước, chúng tôi cũng đã nhiều lần ứng cứu người dân khi bị cô lập do mưa, lũ”.

3. Đêm về khuya, trời biên giới cứ sâu thăm thẳm, ngoài kia là tiếng côn trùng rả rích càng làm cho không gian trở nên tĩnh mịch. Trên tuyến biên giới của tỉnh hiện có 27 tổ, chốt được thiết lập, mỗi đêm có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ thức trắng để đi tuần. Dù khó khăn, gian khổ nhưng ai cũng coi đó là niềm vinh hạnh và trách nhiệm phải làm, vì với họ bảo vệ bình yên cho Nhân dân, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Trần Tiến Hải-Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-khẳng định: “Dù vất vả, khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Bảo vệ tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, chúng tôi luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

 

 THIÊN THANH

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.