Binh đoàn 15 tạo lập "vùng xanh doanh nghiệp"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và kéo dài đã đặt Binh đoàn 15 trước những khó khăn, thách thức mới. Để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, Binh đoàn đã tạo lập “vùng xanh doanh nghiệp”, vừa bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy, vừa phòng-chống dịch hiệu quả.
Theo Đại tá Hoàng Văn Sỹ-Tư lệnh Binh đoàn 15, đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh gắn với củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, tỉnh Quảng Bình và phát triển cây cao su tại nước bạn Lào, Campuchia. Binh đoàn đang quản lý, chăm sóc, khai thác trên 44.000 ha cao su, 300 ha cà phê, 70 ha lúa nước, 6 nhà máy chế biến cao su, 1 nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, tạo việc làm thường xuyên cho trên 16.000 người. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Binh đoàn đã chủ động tạo lập “vùng xanh doanh nghiệp” ở các đơn vị với phương châm “4 tại chỗ” để sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Binh đoàn yêu cầu 100% người lao động thực hiện nghiêm quy định giãn cách giữa các đội sản xuất, cụm/điểm dân cư, hạn chế tiếp xúc và không tụ tập đông người với quy tắc “1 cung đường 2 điểm đến”; tổ chức cung ứng, vận chuyển lương thực, thực phẩm vào từng đội sản xuất, cụm/điểm dân cư, bảo đảm cho cán bộ, người lao động không phải đi chợ vẫn có đủ nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày. Đối với nhà máy, xí nghiệp chế biến mủ cao su, Binh đoàn xây dựng kịch bản, kế hoạch sản xuất trong từng tình huống dịch với nguyên tắc “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Một số nhà máy áp dụng mô hình “3 tại chỗ” hoặc phân ca, kíp luân phiên để giảm lượng người dưới 50% so với bình thường.
Gặp chúng tôi sau khi đi kiểm tra các đội sản xuất, nhà máy chế biến mủ cao su của đơn vị về, Đại tá Trịnh Hà Tâm-Giám đốc Công ty 75-cho biết: “Dịch Covid-19 có thể làm cho đơn vị khó khăn hơn nhưng không đánh ngã chúng tôi được”. Cũng theo Đại tá Tâm, Công ty 75 đã chủ động mua lương thực, thực phẩm để bình ổn giá cho người lao động. Theo đó, tổng sản lượng ước vượt 5% kế hoạch Binh đoàn giao và đạt lợi nhuận cao. Vì vậy, thu nhập và đời sống của cán bộ, người lao động vẫn đảm bảo tốt. 
Lãnh đạo Binh đoàn 15 và Công ty 75 kiểm tra nhà máy chế biến mủ cao su của đơn vị. Ảnh: Sơn Tùng
Lãnh đạo Binh đoàn 15 và Công ty 75 kiểm tra nhà máy chế biến mủ cao su của đơn vị. Ảnh: Sơn Tùng
Thượng tá Thái Bá Mão-Chính ủy Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710-chia sẻ: “Việc khó nhất trong công tác phòng-chống dịch là tuyên truyền, vận động cán bộ, người lao động, nhất là người dân tộc thiểu số đồng thuận, ủng hộ các biện pháp của đơn vị. Trung đoàn không chỉ thuyết phục họ bằng công tác giáo dục chính trị tư tưởng mà cả về hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi ích từ việc phòng-chống dịch tốt. Tuy ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng thu nhập bình quân của người lao động đạt gần 8 triệu đồng/tháng”.
Từ thực tiễn cho thấy, muốn tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, chiến sĩ, người lao động về thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch để duy trì sản xuất, Binh đoàn 15 đã xây dựng các kịch bản với mục tiêu, lộ trình, giải pháp cụ thể, rõ ràng theo phương châm: “2 chống” (chống chủ quan, lơ là mất cảnh giác, thỏa mãn; chống dịch bệnh bên ngoài xâm nhập vào đơn vị và cộng đồng) và “3 xây” (xây dựng kế hoạch cho tình huống xấu hơn khi dịch lây lan rộng trong cộng đồng; xây dựng kế hoạch để không rơi vào tình huống thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động Nhân dân và người lao động thích ứng trong tình hình mới). Trong đó, đơn vị xem sức khỏe, tính mạng của người lao động là trên hết, trước hết; giải quyết hài hòa các lợi ích, bảo đảm đời sống cho người lao động. Binh đoàn cũng chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người lao động để họ hiểu, chia sẻ và chấp hành; nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thường xuyên động viên, giúp đỡ người lao động.   
Nhờ đó, 9 tháng năm 2021, Binh đoàn 15 vẫn đạt được những kết quả vượt bậc trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể, giá trị sản xuất đạt hơn 795 tỷ đồng, bằng 159,72% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu đạt hơn 761,4 tỷ đồng, bằng 228,37% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận hơn 139,3 tỷ đồng, bằng 922,55% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập và đời sống của cán bộ, người lao động vẫn được bảo đảm tốt, 100% yên tâm gắn bó với đơn vị, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh trên địa bàn đứng chân.
SƠN TÙNG

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.