Tư lệnh Nguyễn Chánh và Anh hùng Núp qua lời kể của Trung tướng Nguyễn Đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955, Đinh Núp (1914-1999) là hình ảnh đại diện của những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đứng lên chống Pháp. Tên tuổi của ông càng được nhiều người biết đến hơn thông qua tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc hay ca khúc “Hát mừng Anh hùng Núp” của nhạc sĩ Trần Quý. Nhưng chuyện Đinh Núp được ông Nguyễn Chánh (1914-1957), Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5  kiên quyết bảo vệ trong Đại hội chiến sĩ thi đua Liên khu 5 năm 1952 thì hẳn chưa nhiều người biết. 
Quê ở Quảng Ngãi, Nguyễn Chánh từng bị giam trong Nhà đày Buôn Ma Thuột khá lâu trước khi trở thành lãnh đạo du kích Ba Tơ năm 1945. Chính ông cũng là người đã ra mệnh lệnh đặc biệt “đánh theo lệnh của người chỉ huy” để Trung đoàn 96 xóa sổ Binh đoàn cơ động 100 (GM 100) của Pháp tại Đak Pơ ngày 24-6-1954. Theo tài liệu lịch sử, Nguyễn Chánh từng là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, lẽ ra ông được phong quân hàm cấp tướng trong đợt đầu tiên vào năm 1958. Nhưng đáng tiếc, ông đã đột ngột ra đi ngày 24-9-1957 ở tuổi 43. Đây chính là lý do khiến những người yêu quý tài năng và đức độ của vị cán bộ mẫu mực Nguyễn Chánh tôn xưng ông là “vị tướng không quân hàm” với tất cả sự kính trọng.
Ông Nguyễn Đường (1921-1997) là một yếu nhân của Gia Lai. Quê Hà Tĩnh, sau ngày cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Gia Lai thành công (23-8-1945), ông được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh, là Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của Gia Lai với 9 thành viên. Sau này, ông là sĩ quan cao cấp trong quân đội.
Ở bài viết mang tính hồi ức in trong cuốn “Nguyễn Chánh-Con người và sự nghiệp” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1997), Trung tướng Nguyễn Đường kể lại những kỷ niệm sâu sắc với vị Tư lệnh này. Theo đó, sau ngày cướp chính quyền ở Gia Lai, Xứ ủy Việt Minh Trung Bộ triệu tập ông với tư cách là Chủ nhiệm Việt Minh cùng ông Trần Ngọc Vỹ-Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Gia Lai ra Huế nhận nhiệm vụ. Sau khi gặp các nhân vật chủ chốt của Trung Bộ như Nguyễn Chí Thanh-Bí thư Xứ ủy, Trần Hữu Dực-Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời, 2 ông được gặp Ủy trưởng Quốc phòng Trung Bộ Nguyễn Chánh để báo cáo tình hình.
Tư lệnh Nguyễn Chánh và Anh hùng Núp (ảnh tư liệu).
Tư lệnh Nguyễn Chánh và Anh hùng Núp (ảnh tư liệu).
Theo Trung tướng Nguyễn Đường, khi đó, kiến thức quân sự của ông và ông Trần Ngọc Vỹ là con số không nên đã rất lúng túng trước Ủy trưởng Nguyễn Chánh. Chưa hết, lần đầu được gặp một người tuy nhỏ con nhưng đôi mắt sáng rực, cử chỉ nhanh nhẹn, lại còn nghe nói đã từng chỉ huy du kích Ba Tơ thì cả hai người đàn ông mới từ Gia Lai xuống đều tỏ ra lo lắng. May mắn là ông Nguyễn Chánh đã rất nhẹ nhàng, biến buổi báo cáo công việc thành cuộc chuyện trò thân mật, vừa hỏi, vừa bày vẽ thân tình như anh em nên ông Nguyễn Đường và ông Trần Ngọc Vỹ đều không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà còn học được nhiều đường lối kháng chiến... Sau này nhớ lại, Trung tướng Nguyễn Đường thừa nhận, buổi gặp ông Nguyễn Chánh năm 1945 ấy là một trong những lý do khiến ông gắn bó suốt đời với cách mạng.
Năm 1952, trong Đại hội chiến sĩ thi đua Liên khu 5, ông Nguyễn Chánh phụ trách chung, trực tiếp chỉ đạo mọi việc; ông Nguyễn Đường được giao lo phần nội dung, tức là chọn cho được những chiến sĩ xứng đáng nhất của Liên khu, tuyên truyền và tổ chức Đại hội. Tại đây, ông Nguyễn Đường đã chứng kiến sự quyết định chính xác của Tư lệnh Nguyễn Chánh trong việc xét chọn các chiến sĩ thi đua, đặc biệt là đối với trường hợp ông Đinh Núp.
Theo ông Nguyễn Đường kể lại, chiến sĩ thi đua được lựa từ cơ sở, bình chọn kỹ lưỡng rồi báo cáo lên trên để chọn lọc, đưa ra biểu dương trọng thể tại Đại hội. Trước đó, cơ quan chính trị tổng hợp và xem xét từng người, chỗ nào chưa rõ phải xuống tìm hiểu, kiểm tra; cuối cùng tổ chức cuộc họp thông qua tập thể và Tư lệnh Nguyễn Chánh là người quyết định.
Khi xem xét trường hợp Đinh Núp trong cuộc họp, một số ý kiến phân vân về trình độ học vấn và lý luận. Nghe xong, Tư lệnh Nguyễn Chánh nói đại ý: Học vấn và lý luận hết sức cần thiết, nhưng lòng căm thù giặc, kiên quyết dũng cảm hy sinh để đánh giặc, bảo vệ Nhân dân lại còn cần thiết gấp bội. Có thể có lý luận, có học vấn nhưng chưa chắc đã dũng cảm đánh giặc. Ngược lại, căm thù giặc cao độ, dũng cảm đánh giặc thì sẽ tìm được cách đánh đúng. Đinh Núp đã biết lo cho người dân, động viên Nhân dân dùng vũ khí thô sơ đánh giặc, mấy lần dời làng, biết đốt tranh ăn thay muối… Đó là hiểu biết, là lý luận, là thực tế. Vị Tư lệnh trẻ tuổi kết luận như vậy và nói thêm: Tất nhiên còn cần có lý luận cao hơn nữa, nhưng phải chính từ những hiểu biết và hành động cụ thể thiết thực như thế mà đúc kết lại thành lý luận cao hơn…
Lý lẽ và sự phân tích của Tư lệnh Nguyễn Chánh đã thuyết phục được toàn thể cuộc họp ấy. Liền đó, mọi người nhất trí chọn ông Đinh Núp là chiến sĩ thi đua. Sau này, Anh hùng Núp trở thành nhân vật xuất sắc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là đối với các dân tộc Tây Nguyên, đúng như Tư lệnh Nguyễn Chánh đã tiên đoán từ rất sớm.
Đọc bài viết ngắn của Trung tướng Nguyễn Đường trong cuốn sách dày ngót 600 trang về một con người tài năng và cao thượng, càng thấy tầm vóc lớn lao của Tư lệnh Nguyễn Chánh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Liên khu 5. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét, đó “là chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người chỉ huy nghiêm khắc, quyết đoán, nhưng cũng lại là một con người cởi mở, nhân hậu, giản dị, biết linh hoạt trong ứng xử, ăn ở thủy chung với đồng chí, đồng bào”.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.