Nhật Bản ưu tiên đối phó Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo kế hoạch mới, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia có hạm đội đánh chặn tên lửa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.



Chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm 21-12 phê duyệt ngân sách quốc phòng cao kỷ lục 5.340 tỉ yen (51,7 tỉ USD) cho năm tài khóa 2021, bắt đầu từ tháng 4 năm sau. Con số này cao hơn 1,1% so với năm ngoái và là lần tăng thứ 9 liên tiếp. Theo Reuters, với việc đảng cầm quyền của Thủ tướng Suga nắm thế đa số trong quốc hội, ngân sách quốc phòng nói trên gần như chắc chắn được thông qua.

Khi đó, Tokyo sẽ dùng một phần ngân sách để bổ sung 2 tàu khu trục mới được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis hiện đại, với radar có tầm hoạt động cao gấp 3 lần so với các hệ thống cũ. Kế hoạch này sẽ nâng tổng số hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển của Nhật Bản lên 10, biến họ trở thành quốc gia có hạm đội đánh chặn tên lửa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Nhật Bản cũng sẽ chi khoảng 323 triệu USD phát triển tên lửa chống hạm tầm xa mới nhằm bảo vệ chuỗi đảo Okinawa ở phía Tây Nam đất nước. Động thái này được tiến hành giữa lúc Tokyo ngày càng lo ngại về các hoạt động của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông, bao gồm xâm nhập các vùng biển quanh quần đảo Senkaku (do Tokyo kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư).


 

Thủ tướng Suga Yoshihide trong chuyến thăm căn cứ không quân Iruma ở TP Sayama - Nhật Bản hồi cuối tháng 11- Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Suga Yoshihide trong chuyến thăm căn cứ không quân Iruma ở TP Sayama - Nhật Bản hồi cuối tháng 11- Ảnh: REUTERS



Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ nhận được 912 triệu USD để đóng 2 tàu chiến nhỏ gọn, có thể hoạt động với số lượng thủy thủ ít hơn so với các tàu khu trục thông thường nhằm giảm bớt sức ép lên lực lượng Hải quân vốn đang chật vật tuyển binh vì dân số già. Những khoản chi lớn khác bao gồm 628 triệu USD cho 6 chiến đấu cơ tàng hình Lockheed F-35, trong đó có 2 chiếc F-35B có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng phù hợp với tàu sân bay trực thăng. Đây là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Suga nhằm duy trì chính sách củng cố năng lực quốc phòng của người tiền nhiệm Abe Shinzo, với mục đích cung cấp cho các lực lượng của Nhật Bản chiến đấu cơ, tên lửa và tàu sân bay mới có tầm bắn và độ chính xác cao hơn.

Sự đề phòng của Nhật Bản diễn ra trong lúc Trung Quốc không ngừng có các chuyển động quân sự trong khu vực. Hải quân Trung Quốc hôm 21-12 thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông đã băng qua eo biển Đài Loan "suôn sẻ" một ngày trước đó để đến biển Đông "tập trận thông thường". Vùng lãnh thổ Đài Loan tuyên bố đã triển khai 6 chiến hạm và 8 chiến đấu cơ để theo dõi nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông.

Mặc dù đây không phải là lần đầu các tàu sân bay của Trung Quốc di chuyển gần Đài Loan song chuyến đi của tàu Sơn Đông diễn ra chỉ một ngày sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Mỹ USS Mustin đi qua eo biển Đài Loan. Trong khi Hải quân Mỹ gọi đây là "hoạt động thường lệ", Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khẳng định đó là "hành động khiêu khích" nhằm hủy hoại ổn định khu vực.


Lo ngại sâu sắc của Canada

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan hôm 20-12 thể hiện nhiều nỗi lo liên quan đến Trung Quốc, bao gồm hành động khó lường và không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong buổi phỏng vấn với hãng thông tấn The Canadian Press, Bộ trưởng Sajjan còn liệt kê điều mà ông khẳng định là "những nước đi đáng báo động" gần đây của Trung Quốc, bao gồm bắt giam 2 công dân Canada dường như để trả đũa vụ Ottawa bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người đang đối mặt cáo buộc lừa gạt các ngân hàng Mỹ và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Theo Bộ trưởng Sajjan, vụ việc không những gây ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ Bắc Kinh - Ottawa mà còn là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc phớt lờ luật lệ, chuẩn mực và hiệp ước quốc tế.

Bộ trưởng Sajjan còn bày tỏ lo ngại về cách Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu thông qua những yêu sách chủ quyền phi lý, cũng như những chính sách hỗ trợ tài chính và đầu tư ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin nhằm tạo ra "sự phụ thuộc kinh tế".

Không chỉ những quốc gia nhỏ, ngay cả những quốc gia phát triển như Úc và Canada cũng đang chật vật tìm cách đa dạng hóa thương mại để không phụ thuộc vào Trung Quốc mà vẫn bảo đảm kinh tế không bị ảnh hưởng. Mặc dù nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao trong chiến lược đối phó Bắc Kinh, Bộ trưởng Sajjan khẳng định Canada và đồng minh cần đoàn kết để "gửi một thông điệp quân sự mạnh mẽ" khi cần.


Theo CAO LỰC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.