Trung Quốc cấp tập điều động máy bay đến Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo các chuyên gia quốc tế, việc triển khai máy bay trinh sát, cảnh báo sớm ở quần đảo Trường Sa là cách Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát Biển Đông, đồng thời hậu thuẫn cho tàu dân binh của nước này đang hoạt động tại đây.


 

Hình chụp vệ tinh do ISI công bố ngày 13.5 cho thấy các máy bay quân sự KJ-500, KQ-200 và Z-8 hiện diện tại Bãi đá Chữ Thập - Ảnh: ISI
Hình chụp vệ tinh do ISI công bố ngày 13.5 cho thấy các máy bay quân sự KJ-500, KQ-200 và Z-8 hiện diện tại Bãi đá Chữ Thập - Ảnh: ISI



Việc Trung Quốc vừa điều động máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay săn tàu ngầm KQ-200 và cả trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 đến bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thể hiện mưu đồ của Bắc Kinh là tăng cường kiểm soát toàn diện Biển Đông.

Ngày 13.5, thông qua mạng xã hội Twitter, nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh ISI công bố hình chụp ngày 3.5 cho thấy các máy bay KJ-500, KQ-200 và Z-8 hiện diện ở bãi đá Chữ Thập. Thời gian qua, Trung Quốc đã xây dựng hạ tầng như nhà chứa máy bay, đường băng, lắp đặt hệ thống radar và triển khai các loại tên lửa đối không, đối hạm ở 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Đây là những bãi đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Bước leo thang mới của Bắc Kinh

Trả lời Thanh Niên ngày 14.5, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải, Đại học Hải chiến Mỹ) nhận xét: “Việc triển khai máy bay trinh sát, cảnh báo sớm ở quần đảo Trường Sa là cách Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát “mọi động tĩnh” ở Biển Đông, đồng thời hậu thuẫn cho số tàu dân binh của nước này đang hoạt động tại đây”.



Hành động của Trung Quốc là vô giá trị

Chiều 14.5, tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc Hãng ảnh vệ tinh ISI công bố hình ảnh chụp đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay săn tàu ngầm KQ-200 tại đây, và phản ứng của Việt Nam về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982. Do đó, bà Hằng nhấn mạnh: “Mọi hoạt động của các bên ở các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong tình hình hiện tại, Việt Nam đề nghị các bên không làm phức tạp hơn tình hình ở Biển Đông”.

Trả lời đề nghị bình luận của Thanh Niên về việc hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc đang hiện diện tại đá Ba Đầu và Én Đất, thuộc quần đảo Trường Sa, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi luôn theo sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng hoạt động của các nước cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển”.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về 4 ngư dân mất tích, 14 ngư dân bị bắt trong vụ tàu cá bị chìm tại vùng biển Indonesia, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Ngày 20.4, tàu giám sát hải sản của Indonesia đã bắt giữ 2 tàu cá và 14 ngư dân trong vùng biển Indonesia. Trong quá trình truy đuổi, một tàu cá của Việt Nam đã bị chìm và 4 ngư dân bị mất tích”. Bộ Ngoại giao đã trao công hàm cho Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội đề nghị Indonesia tìm kiếm nạn nhân bị mất tích; đối xử nhân đạo với các ngư dân bị bắt giữ; điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân gây ra vụ chìm tàu, làm mất tích ngư dân Việt Nam. Đồng thời đề nghị phía Indonesia kiềm chế, xử lý các vụ việc tương tự trên tinh thần nhân đạo; phù hợp luật pháp và thực tiễn quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược và thành viên ASEAN.

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng đã xác minh thông tin; tiến hành bảo hộ công dân, thăm các ngư dân bị tạm giữ. Phía Indonesia cũng phối hợp tìm kiếm và đã tìm thấy tàu cá, nhưng chưa tìm thấy các ngư dân.

Vũ Hân





TS Holmes nói thêm: “Việc triển khai này là bước chuyển mới bởi máy bay được triển khai là của hải quân chứ không phải không quân. Bởi máy bay của hải quân có thể cộng hưởng sức mạnh tốt hơn khi hoạt động cùng các lực lượng khác của hải quân”.

“Từ những thực tế vừa qua, có thể Trung Quốc sẽ sớm triển khai máy bay hải quân hoạt động cùng lúc với các tàu chiến ở Biển Đông. Mà cụ thể là Bắc Kinh có thể dùng máy bay trinh sát của hải quân để “mở đường” cho tàu sân bay hoạt động tại vùng biển này”, TS James Holmes lo ngại.

Âm mưu kiểm soát toàn diện

Cùng ngày 14.5, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng KJ-500 là dòng máy bay quân sự cho phép Bắc Kinh dễ dàng nhận diện máy bay hoặc tàu chiến nổi từ xa.

“Thậm chí, loại máy bay này còn có thể phát hiện tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp. Khi được triển khai ở bãi đá Chữ Thập thì KJ-500 có thể hoạt động rộng khắp, ngay cả vùng ngoài rìa của Biển Đông, để Trung Quốc dễ dàng kiểm soát cả một khu vực rộng lớn. Bên cạnh đó, máy bay KJ-500 có thể giúp hải quân Trung Quốc “che giấu” các tàu ngầm hoạt động trong vùng biển”.

TS Nagao phân tích và cảnh báo: “Không chỉ sử dụng cho công tác phòng thủ, loại máy bay này còn có thể được triển khai hỗ trợ tấn công, nên sẽ trở thành mối đe dọa cho các quốc gia xung quanh Biển Đông”.

Còn đối với việc Bắc Kinh triển khai máy bay săn ngầm KQ-200 đến bãi đá Chữ Thập, TS Satoru Nagao đánh giá đây là một động thái nhằm kiểm soát khu vực bên dưới mặt nước, cụ thể là hậu thuẫn để tàu ngầm Trung Quốc có thể nắm thông tin tàu ngầm của các nước khác trong khu vực.

Điều này nhằm điều động tàu ngầm đến khu vực phục vụ cho mưu đồ độc chiếm vùng biển, hình thành một vành đai tàu ngầm, thậm chí có thể mang theo cả tên lửa hạt nhân. Để có thể bảo vệ tàu ngầm của Trung Quốc, Bắc Kinh muốn giám sát được tàu ngầm các nước khác, vì một trong các khắc tinh của tàu ngầm cũng chính là tàu ngầm.

Thực tế thời gian qua, nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang âm mưu điều động tàu ngầm hoạt động mạnh mẽ ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, như đã nói, theo hình ảnh của ISI thì còn có cả trực thăng tác chiến đa nhiệm Z-8. Đây là loại trực thăng được nhiều loại tàu chiến cũng như tàu hải cảnh Trung Quốc mang theo. Trực thăng Z-8 được trang bị nhiều loại tên lửa tấn công tàu chiến hoặc ngư lôi dùng để tấn công tàu ngầm. Loại trực thăng này có thể được triển khai tác chiến khẩn cấp đến các vùng biển xung quanh căn cứ của Trung Quốc.

Chính vì thế, khi triển khai Z-8 cùng với các loại máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay săn tàu ngầm KQ-200, thì đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang muốn thiết lập một vành đai kiểm soát toàn diện từ tầm xa đến tầm gần, cả trên mặt nước lẫn trong lòng biển.

Theo Ngô Minh Trí (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.