Trung Quốc muốn làm tình hình Biển Đông trở nên nguy hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia chính trị của Mỹ, khi trao đổi với Dân Việt, cho rằng những hành động quấy nhiễu trên Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua là sự tiếp tục những gì họ làm lâu nay để quân sự hóa Biển Đông.
Trung Quốc tiếp tục tạo vỏ bọc để quân sự hóa Biển Đông
Việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập 2 huyện mới mà họ nói là để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, hay đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông "đơn giản là sự tiếp tục những điều Trung Quốc đã làm trong quá khứ" - Giáo sư Zachary Abuza - chuyên gia về an ninh Đông Nam Á tại Học viện Chiến tranh Quốc gia Mỹ tại Washington D.C. viết trong email trao đổi với Dân Việt.
"Họ đang làm đúng những thứ mà họ đã làm trước dịch: Họ sử dụng lực lượng dân quân biển để buộc ngư dân ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình, họ tiến hành nghiên cứu địa chấn trên thềm lục địa của nước khác, họ sử dụng hải cảnh để vô hiệu hóa sự ứng phó của các bên tuyên bố chủ quyền khác, họ quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ xây nên... - Giáo sư Abuza nhận định - Điều đó không mới. Đó là cách hành xử của Trung Quốc".
Cũng có ý kiến tương tự, Tiến sĩ Gregory Poling - Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington D.C. cho rằng, các hành động trên của Trung Quốc "là một phần trong chiến dịch lâu dài của Trung Quốc nhằm che đậy vỏ dân sự cho việc quân sự hóa Biển Đông. Các quận hành chính này sẽ không có tác động thực sự gì nhiều trên thực địa, bởi đó vẫn là những căn cứ quân sự". 
Ông Poling chỉ ra rằng, từ vài tháng nay Trung Quốc đã có những hành động làm phức tạp trên Biển Đông, chẳng hạn "tàu Hải dương Địa chất 08 của Trung Quốc đang quấy nhiễu trong vùng biển Malaysia như cách họ đã làm trong vùng biển của Việt Nam năm ngoái". Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc đang tiếp tục những bước đi thường xuyên của họ nhằm dọa nạt và quấy nhiễu".  
Giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành thì Trung Quốc không quên thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ. "Thật đáng phẫn nộ khi họ tiếp tục làm vậy lúc này, khi các nước láng giềng đang vật lộn với một đại dịch mà Trung Quốc có phần trách nhiệm" - chuyên gia Poling thẳng thắn. 
Giáo sư Abuza cũng đồng ý rằng Trung Quốc đã lợi dụng đại dịch Covid-19: "Tại sao Trung Quốc lại không đẩy mạnh các hoạt động trên Biển Đông khi mà tất cả các nước trong và ngoài khu vực đang bận ứng phó với Covid-19 cơ chứ. Trung Quốc biết rằng các quốc gia đều bị xao lãng và nhiều nước hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ và ứng phó của Trung Quốc".
Trong bối cảnh thế giới và khu vực như vậy, giới quan sát rất lo ngại về những động thái sắp tới của Trung Quốc. Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng tình hình để tính đến bước tiến mới hơn, mạnh hơn. Ông cảnh báo rằng có vẻ Trung Quốc đang muốn "mở đường cho chiến dịch mới để thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông, thực hiện cuộc chiến tranh mới trên biển, bằng vũ lực hoặc không, nhưng nhiều khả năng sẽ có những tình huống mạnh mẽ hơn".
Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Gregory Poling cũng dự đoán Trung Quốc "sẽ đẩy mạnh các hoạt động trên biển", nhất là với ngư dân và các công ty dầu khí.
Ông Poling chỉ rõ, mục đích của Bắc Kinh là "làm cho tình hình trở nên quá nguy hiểm và quá đắt giá cho bất kỳ lực lượng dân sự nào hoạt động trên Biển Đông. Vì thế họ sẽ gia tăng sức ép với các công ty dầu khí và ngư dân, cũng như với bất kỳ ai, cho đến khi nào các bên tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải từ bỏ và chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà Trung Quốc đưa ra".
Thế giới phải gây sức ép với Trung Quốc
Dịch Covid-19 đang phức tạp - do đó thật sự là khó khăn khi tìm kiếm phản ứng chung về những hành động gây hấn của Trung Quốc.  Đề cao vai trò của Việt Nam, Tiến sĩ Poling nói rằng, năm 2020 "là hy vọng tốt nhất mà gần đây chúng ta có được, bởi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN", để tập hợp phản ứng của ASEAN về Biển Đông, nhưng rất tiếc là đại dịch khiến một nửa số cuộc họp ASEAN bị hủy, các cuộc họp còn lại tập trung vào ứng phó với đại dịch. Song ông cho rằng, cách duy nhất để chặn đứng ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc "là một chiến dịch gây sức ép có phối hợp của quốc tế", dù điều đó đang bị phủ bóng bởi dịch Covid-19.
Tàu chiến Mỹ và Australia vừa có đợt tập trận trên Biển Đông từ 13/4. Ảnh: Hải quân Mỹ
Cho dù những khó khăn do Covid-19 gây nên, Việt Nam chưa một phút nào lơi lỏng việc bảo vệ chủ quyền. Một trong những hành động mạnh mẽ của Việt Nam gần đây là Việt Nam đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc để bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam. "Mọi yêu sách biển trái với quy định của UNCLOS 1982, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị" - Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nhấn mạnh trong họp báo thường kỳ hôm 23.4. "Việt Nam cho rằng tất cả quốc gia có nghĩa vụ, lợi ích chung trong việc tôn trọng các quy tắc cơ bản của luật quốc tế, bao gồm: Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng vũ lực, đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế, thúc đẩy hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình".
Việc các quốc gia khác gần đây lên tiếng về Biển Đông rất quan trọng để làm suy yếu tham vọng và những hành động hung hăng của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Ngoại giao Philippines đều đã bày tỏ sự lo ngại về việc tàu hải cảnh Trung Quốc húc chìm tàu cá Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 23/4 lên án việc Trung Quốc thành lập hai quận hành chính ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam: “Bắc Kinh đã có những động thái lợi dụng sự phân tâm của các quốc gia khác để thực thi mưu đồ của mình, từ việc đơn phương thành lập các khu vực hành chính tại các đảo và vùng biển ở Biển Đông. Hồi đầu tháng, Trung Quốc cũng đã đánh chìm tàu cá của Việt Nam đồng thời thành lập phi pháp các “trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Subi”.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cũng cho biết, nước này đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "khu Tây Sa" và "khu Nam Sa" cũng như việc Trung Quốc được cho là đã chĩa súng vào tàu Hải quân Philippines. Malaysia đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 theo sát tàu West Capella của nước này đang thực hiện việc thăm dò dầu khí tại khu vực thuộc thềm lục địa của Malaysia.
Theo Tiến sĩ Poling, việc Mỹ và các cường quốc bên ngoài khác quan tâm đến Biển Đông ngay cả lúc họ chống dịch là rất quan trọng. "Đây là vấn đề nghiêm túc với tương lai của khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương" - ông cho biết.
Giáo sư Zachary Abuza nhắc lại rằng, việc Mỹ đưa hai tàu khu trục đến khu vực giáp ranh nơi tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động ở vùng biển Malaysia là một dấu hiệu quan trọng: "Mỹ cũng bị phân tâm do Covid-19, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ đang rất cố gắng để tập trung sự chú ý vào việc gây hấn của Trung Quốc".
Tuy nhiên, đấu tranh với tham vọng Biển Đông của Trung Quốc là vấn đề lâu dài mà tất cả các quốc gia đều có vai trò, nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo tự do hàng hải và thương mại vốn rất quan trọng trên Biển Đông. Tiến sĩ Poling lưu ý, để gây sức ép với Trung Quốc, "sẽ không đủ nếu chỉ Mỹ lên tiếng. Việt Nam và các bên khác phải yêu cầu những hành động khác nữa, không chỉ từ ASEAN, mà cả các nước Châu Âu về vấn đề này".
Vĩnh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.