Sư đoàn 2: Đổi mới tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong năm 2019, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để đổi mới toàn diện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, đơn vị đặc biệt coi trọng việc xây dựng các tình huống để giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội cho bộ đội.

 

 Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2) thảo luận, xử lý tình huống trong đấu tranh phòng-chống âm mưu “Diễn biến hòa bình”. Ảnh: N.A.S
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2) thảo luận, xử lý tình huống trong đấu tranh phòng-chống âm mưu “Diễn biến hòa bình”. Ảnh: N.A.S

Theo dõi cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2) phân tích, xử lý tình huống, chúng tôi mới thấy hết tính ưu việt của phương pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật này. Một mặt, nó tạo ra sự hào hứng và chủ động tham gia của mọi cán bộ, chiến sĩ. Mặt khác, nó giúp mọi người hiểu sâu sắc tình huống thường gặp trong cuộc sống và biết cách giải quyết, xử lý để không vi phạm pháp luật, kỷ luật. Trung úy Phạm Chí Quân-Chính trị viên Đại đội 5 nêu tình huống: “Chiến sĩ A. sau khi đọc thông tin trên các trang web, mạng xã hội có nội dung không tốt, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội, dù chưa phân biệt được đúng-sai nhưng đã đi thông tin lại cho nhiều người khác, tạo ra dư luận xấu trong đơn vị. Trong tình huống này, các đồng chí xử lý như thế nào?”. Sau câu hỏi, nhiều cánh tay giơ lên lần lượt bày tỏ thái độ, quan điểm, chính kiến của mình đối với chiến sĩ A. và hướng giải quyết tình huống. Khi đơn vị đã thảo luận kỹ, Chính trị viên kết luận, định hướng cách giải quyết; phân tích cho bộ đội hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật An ninh mạng và quy định của quân đội về sử dụng mạng internet.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đơn vị, Sư đoàn 2 đã chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân và Công an thị xã An Khê xây dựng các tình huống vi phạm kỷ luật, pháp luật sát với thực tế cuộc sống. Những tình huống này sau đó được đưa ra để bộ đội phân tích, đánh giá, tìm hướng giải quyết. Và thay vì thực hiện mô hình “Mỗi tuần một điều luật” như ở hầu hết các đơn vị quân đội, năm 2019, Sư đoàn 2 đã triển khai mô hình “Mỗi tuần một tình huống phải tránh”. Cách làm này đã tác động mạnh vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của bộ đội và hướng dẫn hành động một cách rõ ràng, dễ nhớ, dễ làm theo. Nhờ đó, từ một đơn vị trước đây còn để xảy ra vi phạm kỷ luật, trong 10 tháng năm 2019, Sư đoàn 2 không có quân nhân vi phạm kỷ luật phải xử lý; công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật của đơn vị chuyển biến tích cực, vững chắc.

Hạ sĩ Nguyễn Đức Bá-Tiểu đội trưởng Tiểu đội 9 (Trung đội 9, Đại đội 5) chia sẻ: “Phương pháp tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật này buộc chúng tôi luôn phải suy nghĩ để thảo luận, trả lời câu hỏi mà không cần ghi chép nhiều. Vì vậy, chúng tôi nắm được nội dung cốt lõi, bản chất của vấn đề để áp dụng trong đời sống và công việc hàng ngày”.

Theo Đại tá Trương Quang Sinh-Chính ủy Sư đoàn 2: Xây dựng tình huống trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội là một sáng tạo của đơn vị trong năm 2019. Phương pháp này đã tạo ra những điểm nhấn tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của bộ đội; đồng thời hình thành thói quen chủ động tìm hiểu, tiếp nhận kiến thức của mọi cán bộ, chiến sĩ, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Ngoài 100 tình huống tư tưởng do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành được cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt vận dụng, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 2 còn chỉ đạo xây dựng các tình huống phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị và địa bàn đóng quân. Sau một thời gian thực hiện, mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhận thức lý luận và các vấn đề thực tiễn của bộ đội ngày càng tốt hơn, không còn lúng túng khi gặp các tình huống xảy ra.

 

NGUYỄN ANH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.