Những "cầu nối" mang quân hàm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm là bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai còn tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố quốc phòng-an ninh địa phương thông qua những cán bộ, đảng viên gương mẫu, tận tụy với công việc, hết lòng vì nhân dân.
Gia Lai có 7 xã biên giới thuộc 3 huyện: Chư Prông, Đức Cơ và Ia Grai. Hiện cả 7 xã này đều có cán bộ biên phòng tăng cường, trong đó có 6 người đang giữ chức Phó bí thư Đảng ủy xã. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ tăng cường này đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh.       
Bám làng, bám dân 
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Hoằng là cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được tăng cường về xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) từ năm 2014, hiện đang giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Suốt 5 năm qua, nhân dân xã Ia Dom đã quen với hình ảnh người cán bộ biên phòng tận tụy “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của bà con. Trên cơ sở thông tin nắm bắt được, Trung tá Hoằng đã tham mưu giúp Đảng ủy xã và Đồn Biên phòng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, các mặt công tác hiệu quả. Khi triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã mà chi bộ hoặc một bộ phận người dân chưa hiểu, lập tức anh có mặt để quán triệt, giải thích; đồng thời lắng nghe những ý kiến phản hồi từ nhân dân, già làng, trưởng thôn và chi ủy chi bộ. “Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nghị quyết đúng vẫn chưa đủ mà phải quán triệt, vận động, tập hợp được nhân dân hưởng ứng thực hiện. Chủ trương một thì biện pháp phải mười, quyết tâm phải hai mươi”-Trung tá Hoằng chia sẻ.
  Quang cảnh buổi sinh hoạt chi bộ làng Lân (xã Ia O, huyện Ia Grai).  Ảnh: Q.H
Quang cảnh buổi sinh hoạt chi bộ làng Lân (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Q.H
Ông Ngô Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom-cho biết: “Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Ia Dom còn là một xã nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế lạc hậu, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 7 triệu đồng/năm và có đến gần 22% hộ nghèo. Tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn biến phức tạp nên có rất nhiều việc phải làm, cần sự chung sức, đồng lòng của toàn dân. Thực tế cho thấy, không ai giúp chúng tôi hiệu quả hơn BĐBP, đặc biệt là đồng chí Hoằng luôn bám làng, bám dân, vận động mọi người tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Những việc làm của đồng chí Hoằng góp phần gỡ nhiều nút thắt quan trọng cho Đảng ủy và UBND xã. Nhờ đó, năm 2016, Ia Dom là xã biên giới đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, diện mạo của xã thay đổi hoàn toàn; thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,79%”.
 Gia đình ông Rơ Châm Lích (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom) có người con gái sau khi vượt biên trở về được chính quyền xã và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Trong đó, người thường xuyên đến động viên, giúp đỡ gia đình ông Lích là Trung tá Hoằng. Vì vậy, ông Lích luôn xem anh như người nhà. Ông Lích tâm sự: “Chuyện vui buồn gì của gia đình tôi, anh Hoằng cũng đều có mặt. Các chủ trương, giải pháp lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy xã cũng xuất phát từ sự gần dân, hiểu dân của anh ấy”.
“Hạt nhân” xây dựng hệ thống chính trị
 Đến xã Ia O (huyện Ia Grai), nơi Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Dương-cán bộ Đồn Biên phòng Ia O tăng cường và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về vai trò của những cán bộ biên phòng tăng cường cho xã, đó là khả năng tham mưu thực hiện công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Ở một xã biên giới mà người dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số, trình độ dân trí còn hạn chế thì công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng.
 Cán bộ biên phòng hướng dẫn người dân chăm sóc lúa. Ảnh: intermet
Cán bộ biên phòng hướng dẫn người dân chăm sóc lúa. Ảnh: intermet
Đại tá Vũ Trung Kiên-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: “Những đảng viên được phân công sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng đã làm tròn vai trò “cầu nối” cho lãnh đạo, chỉ huy BĐBP các cấp nắm rõ hơn, cụ thể hơn tình hình khu vực biên giới; đồng thời giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt sâu sắc Quyết định số 345-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lựa chọn những đảng viên có trách nhiệm và năng lực hoạt động thực tiễn tốt, tác phong công tác sâu sát, gần gũi với nhân dân để giới thiệu tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng biên giới. Hàng quý, 6 tháng và hàng năm, Đảng ủy BĐBP tỉnh phối hợp với Huyện ủy 3 huyện biên giới sơ kết, rút kinh nghiệm chặt chẽ; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của đảng viên biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng”.

Được giao nhiệm vụ giúp Đảng ủy xã trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, Trung tá Dương luôn thường trực câu hỏi: “Làm thế nào để nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; công tác phát triển đảng viên; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ?”. Khi nhận thấy rào cản lớn nhất chính là trình độ dân trí còn hạn chế, anh đã tham mưu Đảng ủy xã cử cán bộ bám thôn, làng để bồi dưỡng nâng cao trình độ cho chi ủy và bí thư chi bộ; mặt khác, trực tiếp hướng dẫn các chi bộ làm tốt từ công tác chuẩn bị đến thực hành sinh hoạt và quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết; đồng thời xây dựng, bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ của địa phương. Từ năm 2012 đến nay, anh đã trực tiếp tham mưu và bồi dưỡng để Đảng ủy xã Ia O kết nạp 71 đảng viên, trong đó có 44 đảng viên dân tộc thiểu số. Đảng bộ xã có 14 chi bộ thì 13 chi bộ có chi ủy vững chắc. Đảng bộ xã đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu 7 năm liên tục (2012-2018). Cá nhân Trung tá Dương năm nào cũng được Huyện ủy, UBND huyện Ia Grai khen thưởng và được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tặng nhiều giấy khen trong quá trình công tác.
Ông Ksor Tuy-Bí thư Đảng ủy xã Ia O-khẳng định: “Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở xã Ia O có sự đóng góp tích cực của đồng chí Dương”. Cũng theo ông Tuy, đó là nhân tố góp phần quyết định những kết quả trong công tác phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh vững chắc trên địa bàn xã.
Ngoài 7 cán bộ tăng cường cho 7 xã biên giới, từ năm 2016, thực hiện Quyết định số 345-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Quy định tạm thời chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng biên giới”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đưa các đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng biên giới. Đến nay, có 50 đảng viên biên phòng sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng. Đội ngũ này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần xóa bỏ những “vùng trắng” trong công tác phát triển đảng viên ở vùng biên giới của tỉnh. Đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới cũng đã thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tiềm lực quốc phòng-an ninh khu vực biên giới được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong 3 năm qua, các đảng viên biên phòng đã tham mưu giúp cấp ủy địa phương phát hiện, bồi dưỡng 160 đoàn viên ưu tú; kết nạp được 126 đảng viên; bồi dưỡng, tạo nguồn được 57 cán bộ thôn, xã; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sinh hoạt Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đội ngũ đảng viên này còn hướng dẫn, giúp các địa phương xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình như: mô hình trồng lúa nước ở xã Ia Nan (huyện Đức Cơ), Ia Mơr (huyện Chư Prông); trồng xen canh, trồng hồ tiêu ở xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), Ia O (huyện Ia Grai); chăn nuôi, phát triển kinh tế VAC ở xã Ia Chía (huyện Ia Grai)... mang lại lợi ích thiết thực. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ khó khăn đã vươn lên làm giàu. Ngoài ra, đội ngũ đảng viên này cũng đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh vững mạnh; vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; ngăn chặn hiệu quả tình trạng vượt biên, hoạt động truyền đạo trái phép, xâm lấn đường biên, cột mốc; hạn chế hoạt động mê tín dị đoan và tình trạng một số thanh niên địa phương uống rượu bia gây rối trật tự công cộng…
 QUANG HỒI-SƠN TÙNG

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.