"Địa chỉ tin cậy" của người dân vùng biên giới Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài Trạm Y tế xã thì trên địa bàn biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) còn có 2 phòng khám quân dân y do Đồn Biên phòng Ia Lốp và Đồn Biên phòng Ia Mơr phụ trách. Những phòng khám này đã trở thành “địa chỉ tin cậy”, kịp thời khám, điều trị bệnh cho người dân, giúp họ yên tâm lao động, sản xuất và tích cực tham gia bảo vệ phên giậu biên cương.

Xã Ia Mơr có 509 hộ dân với 1.123 nhân khẩu sống rải rác ở 5 làng: Krông, Klah, Hnáp, Khôi, Ring. Do địa bàn rộng, dân cư sống rải rác nên việc chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi có các phòng khám quân-dân y, người dân đã yên tâm hơn bởi mỗi khi đau ốm, dù là ngày hay đêm, họ đều được các thầy thuốc “quân hàm xanh” tận tình khám và điều trị. Phụ trách Phòng khám quân dân y của Đồn Biên phòng Ia Mơr, Trung tá Tống Duy Thiệu-y sĩ tăng cường xã, cho biết: Phòng khám phụ trách việc khám bệnh, cấp thuốc và điều trị cho người dân 4 làng: Krông, Klah, Hnáp, Khôi. Bình quân, mỗi tháng có khoảng 40-50 lượt người đến khám, điều trị tại phòng khám với các bệnh chủ yếu về nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa, sốt xuất huyết, sốt rét…

 

Phòng khám quân dân y Đồn Biên phòng Ia Lốp.                                        Ảnh: L.N
Phòng khám quân dân y Đồn Biên phòng Ia Lốp. Ảnh: L.N

Không chỉ khám và điều trị tại phòng khám, mỗi khi nhận được tin ở dưới làng hay tận trong rẫy xa có người cần hỗ trợ, chẳng kể đêm tối hay mưa dông, y sĩ Thiệu đều vội vã lên đường. Anh kể, vài tháng trước, vào một buổi tối, anh nhận được tin anh Rơ Mah Nhót (làng Klah) bị ngộ độc rượu ở trong rẫy, cách trung tâm xã hơn 20 km. Không chậm trễ, anh vội xách túi dụng cụ cùng thuốc men, leo lên xe máy, chở theo người nhà của bệnh nhân tìm đường vào rẫy. Trong căn chòi nhỏ, ngoài anh Nhót đang nằm bất động thì xung quanh còn vài bạn nhậu khác mặt mũi cũng tái xanh vì sợ. Nguyên nhân là sau một ngày làm việc mệt, họ mua rượu về uống để giải mỏi, dễ ngủ nhưng lại uống quá nhiều mà không chịu ăn nên bị hạ đường huyết và ngộ độc. “Cũng may là mọi người nhanh trí, kịp gọi điện thoại về cho người thân nhờ tìm người giúp, chứ tình trạng này nếu để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng!”-Trung tá Thiệu nói.

Một trường hợp khác cũng đang được y sĩ Thiệu chữa bệnh tại nhà là bà Rơ Mah Kret (65 tuổi) ở làng Krông, bị Zona thần kinh. “Cách đây vài ngày, có một cô bé hớt hải chạy đến phòng khám vừa nói vừa khóc: “Bà cháu sắp chết rồi, Bộ đội Biên phòng đến cứu đi!”-Trung tá Thiệu nhớ lại. Bà Kret bị bệnh đã lâu nhưng do con cháu không biết nên cứ để bà nằm nhà, tới khi cơ thể bà bị lở loét từ ngực đến vai mới hốt hoảng, tưởng bà sắp chết vội tìm bác sĩ. Khi kiểm tra sức khỏe, biết bà bị Zona thần kinh, đều đặn mỗi ngày (khoảng 8-9 giờ sáng), anh xuống tận nhà rửa vết thương, hướng dẫn bà uống thuốc. Sau 5 ngày điều trị, bệnh tình của bà đã giảm được 80%. Bà đã ăn được, ngủ được và có thể ngồi dậy trò chuyện với mọi người.  

 

Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr: Mặc dù quân số ít, chỉ có 1-2 người trực tại mỗi phòng khám nhưng thời gian qua, 2 phòng khám này cùng với Trạm Quân dân y của Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) đã phối-kết hợp cùng Trạm Y tế xã trong công tác khám bệnh, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân rất tốt. Bên cạnh đó, các phòng khám còn thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân về công tác vệ sinh phòng dịch, giữ gìn vệ sinh môi trường,… nên nhiều năm qua, trên địa bàn xã không để xảy ra dịch bệnh. 

Nếu Phòng khám quân dân y của Đồn Biên phòng Ia Mơr phụ trách việc chăm sóc sức khỏe cho người dân 4 làng, thì Phòng khám quân dân y của Đồn Biên phòng Ia Lốp chỉ phụ trách làng Ring-làng thanh niên lập nghiệp với khoảng 80 hộ dân (210 nhân khẩu). Anh Phạm Văn Hiển-Trưởng thôn Ring, cho hay: “Trước đây, mỗi khi trong làng có người đau ốm, mọi người đều phải xúm nhau tìm phương tiện chuyển xuống Trạm Y tế xã cách làng gần 20 km hoặc sang khám nhờ bên xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đak Lak). Hơn một năm nay, nhờ có phòng khám đặt tại làng, thầy thuốc lại trực 24/24 giờ nên bà con đã yên tâm rất nhiều!”. Nói thêm về phòng khám tại làng Ring, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: “Các thầy thuốc ở đây rất nhiệt tình và đa tài. Họ không chỉ khám, điều trị các ca bệnh thông thường mà còn kiêm luôn “bà đỡ” trong những trường hợp khẩn cấp và chúng tôi thường gọi vui bằng cái tên “bác sĩ đa khoa của làng!”.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.