Huyện Đak Đoa chăm lo gia đình chiến sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giúp những gia đình khó khăn có con đang thực hiện nghĩa vụ quân sự về ngày công lao động được xem là hoạt động thiết thực trong công tác phối hợp giữa Ban Chỉ huy Quân sự với các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện, các xã trên địa bàn huyện Đak Đoa. Đây là động lực giúp các chiến sĩ yên tâm gắn bó với đơn vị và cống hiến tuổi trẻ cho quê hương, đất nước.

Gia đình phấn khởi, chiến sĩ yên tâm

Làng Mrah (xã Kdang, huyện Đak Đoa) một ngày cuối tháng 8 bỗng rộn ràng hơn mọi ngày khi đoàn viên thanh niên, hội viên nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, dân quân tự vệ của xã đến giúp vợ chồng ông Thin-bà Hoét làm cỏ vườn cao su, cà phê. Chỉ trong một ngày, 2 ha cao su cùng vườn cà phê 300 gốc của gia đình đã được dọn sạch cỏ. “Nhờ nhiều người giúp đỡ, chứ nếu chỉ có hai vợ chồng mình thì phải một tháng nữa mới xong. Mình rất vui và biết ơn!”-bà Hoét cho biết.

 

  Ảnh: A.H
Ảnh: A.H

Chẳng là, từ ngày Thiêng (cậu con trai thứ 3) nhập ngũ, gia đình ông Thin thiếu đi một lao động chủ lực. Nhà có 4 anh chị em, nhưng anh chị Thiêng đã lập gia đình ra ở riêng, em út còn đang cắp sách đến trường nên mọi việc trong nhà trước đây đều do Thiêng gánh vác. Vì vậy, khi lên đường nhập ngũ, Thiêng rất lo lắng, không biết ai sẽ đỡ đần cha mẹ những lúc thu hoạch mùa màng, làm cỏ, bón phân. “Hôm trước, vợ chồng mình có ra thăm con và nói cho con biết chuyện gia đình được mọi người giúp đỡ về ngày công lao động. Con trai mình rất vui và nói cha mẹ cảm ơn mọi người giùm con”-ông Thin kể.

Ngoài gia đình ông Thin, đợt vừa qua, các ban ngành, đoàn thể của xã Kdang còn giúp gia đình bà Nhăm (mẹ của chiến sĩ Hưu-đang thực hiện nghĩa vụ tại Sư đoàn 315) gần 40 ngày công làm cỏ 2 ha cao su và 1 ha cà phê. Bà Nhăm tâm sự: “Khi biết mọi người quan tâm, giúp đỡ gia đình, Hưu rất vui. Nó hứa sẽ công tác tốt, chấp hành mọi mệnh lệnh của cấp trên và cố gắng học hỏi thêm nhiều thứ để sau này có thể giúp đỡ mọi người”.

Ông Đan-Chủ tịch Hội Nông dân xã Kdang, kiêm Bí thư chi bộ làng Mrah cho hay: Nhiều gia đình trong làng cũng duy trì mô hình vần đổi công nhưng để tập hợp nhiều lực lượng cùng giúp đỡ một gia đình thì đây là lần đầu tiên. Cứ đến mùa vụ, chúng tôi sẽ hỏi những gia đình có con đang tại ngũ xem họ có nhu cầu giúp đỡ về ngày công lao động hay không để huy động các lực lượng tham gia giúp đỡ. Thông thường, mỗi gia đình được giúp một lần trong năm nhưng nếu gia đình quá neo đơn thì có thể đề xuất giúp 2 lần/năm. Ngoài huy động lực lượng từ các ban ngành, đoàn thể, người dân trong làng cũng tích cực tham gia phong trào giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Sự gắn kết bền chặt

Nói về hoạt động giúp các gia đình có con đang thực hiện nghĩa vụ quân sự về ngày công lao động, Trung tá Trần Đại An-Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Đoa cho biết: Vào ngày mùa, Ban Chỉ huy Quân sự xã sẽ xây dựng chương trình phối hợp với thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh tổ chức khảo sát trên địa bàn, trong số thanh niên đang tại ngũ có gia đình nào công việc nhiều, nhân lực thiếu thì huy động các lực lượng (khoảng 35-40 công) giúp từ 1 đến 2 ngày, có thể làm cỏ hồ tiêu, cà phê, cao su, bón phân hoặc thu hái… Hoạt động này đã và đang được một số xã như: Kdang, A Dơk, Hà Bầu, Glar triển khai và thời gian qua đã giúp được hàng trăm ngày công lao động.

Đặc biệt, ngay sau khi giúp đỡ các gia đình, địa phương cũng liên hệ với các đơn vị nơi chiến sĩ đang tại ngũ để thông báo tình hình, giúp chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó, trách nhiệm hơn với đơn vị. Theo Trung tá Trần Đại An, hoạt động này không chỉ dừng lại ở việc giúp các gia đình về ngày công lao động mà còn góp phần đưa chương trình phối hợp giữa đơn vị quân đội với tổ chức chính trị-xã hội về công tác dân vận, vận động quần chúng ngày càng đi vào chiều sâu. Hiệu quả của hoạt động là sự gắn kết giữa các lực lượng trong công tác vận động quần chúng; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, kết nối tình đoàn kết quân-dân, giúp quân nhân đang tại ngũ yên tâm học tập, công tác... Đồng thời, hoạt động này còn là một “kênh tuyên truyền” hữu hiệu, khích lệ thanh niên đang trong độ tuổi nhập ngũ yên tâm, tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền và hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.

 Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.