Công ty Hợp tác Kinh tế 385: Dấu ấn 10 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là đơn vị kinh tế quốc phòng thực hiện nhiệm vụ “C”, Công ty Hợp tác Kinh tế 385 (Binh đoàn 15) gặp rất nhiều khó khăn về địa bàn công tác, về thủ tục trong quan hệ hợp tác và sự cạnh tranh không lành mạnh của các đối tác nước ngoài trên địa bàn. Song với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, suốt 10 năm kể từ ngày thành lập (19-7-2006) đến nay, các thế hệ cán bộ, nhân viên và người lao động (NLĐ) toàn đơn vị đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi gian khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Điểm sáng của tình hữu nghị Việt-Lào

Cụm bản Văng Tắt, huyện Xản Xay là một địa bàn hết sức hiểm trở của tỉnh Attapeu, nằm sát tuyến biên giới Lào-Việt Nam thuộc huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum. Toàn khu vực có 9 điểm bản dân cư sinh sống, gồm 513 hộ với 2.590 khẩu. Mật độ dân cư thưa thớt, sống biệt lập, phân tán, đời sống dân trí thấp, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Tình hình an ninh trật tự, các hoạt động truyền đạo trái phép, khai thác vàng, lâm-thổ sản trái phép diễn ra phức tạp... Nhận thấy đây là một khu vực có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng nên hai Đảng, hai nhà nước Lào-Việt Nam quyết định hợp tác xây dựng quy hoạch khu vực cụm bản ổn định và phát triển toàn diện với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư của bạn là 60% và Việt Nam hỗ trợ 40%.

 

Thăm vườn cây Đội 3 (bản Kạ Sổm).                                                        Ảnh: N.D
Thăm vườn cây Đội 3 (bản Kạ Sổm). Ảnh: N.D

Trong câu chuyện kể của những người đi tiên phong khi thành lập đơn vị, chúng tôi cũng hình dung được phần nào những khó khăn, vất vả mà cán bộ, nhân viên và NLĐ của Công ty đã và đang phải chống chọi, vượt qua khi thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn. Tuy phải đương đầu với khó khăn chồng chất nhưng cán bộ, nhân viên và NLĐ Công ty đã phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và Binh đoàn anh hùng, đồng lòng, tập trung trí tuệ, công sức “vượt nắng, thắng mưa”, vượt qua rào cản ngôn ngữ... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau 5 năm thi công (khởi công tháng 1-2007), tháng 1-2012, đơn vị đã hoàn thành các hạng mục công trình: làm 41,7 km đường cấp 6 miền núi, lắp đặt hơn 100 cống các loại, làm mới 2 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu dài 45 mét, xây dựng 4 điểm nước tự chảy, xây dựng 2 hồ đập thủy lợi, khai hoang xây dựng 5 ha lúa nước 2 vụ, xây dựng hàng ngàn mét vuông trường học, nhà trẻ, trụ sở, nhà văn hóa, bệnh xá trong các cụm bản; quy hoạch 9 bản nhỏ rải rác thành 4 cụm bản và 1 khu trung tâm; có thủy điện nhỏ thắp sáng sinh hoạt và bàn giao cụm bản cho bạn quản lý.

Đặc biệt, đơn vị đã tham mưu cho bạn xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở đi vào hoạt động có nền nếp: tổ chức Đảng từ 29 đảng viên đến nay đã phát triển được gần 100 đảng viên; các tổ chức quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Du kích, Công an bản) được kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả. Đơn vị cũng thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống, giúp dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 21% (năm 2007 là 89%); nhiều hộ có ô tô, xe máy, ti vi, máy nông nghiệp. Ngoài ra, hàng năm đơn vị còn trích hàng chục triệu đồng mua giấy, bút, vở học sinh, hỗ trợ kinh phí cho Trường Dân tộc Nội trú cụm bản nhằm thu hút, động viên khuyến khích các cháu đến trường và trích gần 70 triệu đồng để khám, cấp thuốc, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân trong vùng dự án.

 

Trong 10 năm qua, Bộ Tư lệnh Binh đoàn, Cục Dân vận, Bộ Quốc phòng đã tặng Công ty nhiều bằng khen, giấy khen và cờ thi đua. Đặc biệt, Công ty được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động hạng nhì và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tặng bằng khen.

Đẩy mạnh dự án trồng cây công nghiệp

Song song với nhiệm vụ xây dựng cụm bản Văng Tắt, Công ty cũng đã đẩy mạnh dự án trồng cây cao su trên địa bàn đứng chân. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Võ Văn Phúc-Giám đốc Công ty cho biết: Từ năm 2007 đến năm 2015, Công ty đã phát triển được gần 2.000 ha cao su trên địa bàn 6 bản thuộc huyện Xamakhixay và 5 bản thuộc huyện Phu Vông, trong đó có 600 ha đủ điều kiện khai thác nhưng gặp lúc giá mủ cao su giảm sâu nên chưa tiến hành mở miệng cạo. Cùng với phát triển vườn cây, Công ty đã tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 788 hộ người Lào trong vùng dự án. Ngoài thu nhập bình quân 1,2 triệu kíp/người/tháng, Công ty còn hỗ trợ giống, làm đất, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng xen hàng trăm ha lúa trên lô cao su, thu hoạch ước đạt 300 tấn/năm. Hàng năm, Công ty đã trích hàng trăm triệu đồng để thực hiện tốt công tác dân vận trên địa bàn đứng chân và hoạt động kết nghĩa giữa đội sản xuất với các bản. Thông qua đó, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, bài trừ hủ tục, hướng dẫn họ thay đổi thói quen canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống, được chính quyền và nhân dân tin tưởng.

Ông But Đa-Trưởng bản Sook, huyện Xamakhixay, cho biết: Bản Sook có 321 hộ với 1.666 khẩu, trước đây bà con chỉ đi làm gỗ và cấy lúa 1 vụ kiếm sống. Từ khi Công ty trồng cao su trên địa bàn đã tuyên truyền, vận động được 180 hộ nhận khoán 167,23 ha cao su. Nhờ có thu nhập ổn định nên đời sống của người dân khá lên nhiều, hiện chỉ còn 5 hộ nghèo (năm 2007 có 35 hộ đói nghèo). Riêng nhà tôi có 6 người tham gia nhận khoán. Vào những ngày lễ, Tết, đơn vị còn tặng bò, heo để bản tổ chức. Trước đây, khi đau ốm, bà con phải đến bệnh viện mua thuốc tốn nhiều tiền, nay được đơn vị điều trị miễn phí.

Có thể khẳng định những kết quả mà Công ty đã đạt được trong 10 năm qua là rất đáng ghi nhận. Đây chính là hành trang, là tiền đề để cán bộ, nhân viên và NLĐ đơn vị tiếp tục phấn đấu vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách phía trước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh Attapeu, bảo vệ vững chắc tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên Việt Nam và Nam Lào, tăng cường xây đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.