Tổng kết 20 năm Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996 - 2016).
 

Chỉ thị nêu rõ, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 27-8-1996 và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 9-9-1996; trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, đã quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, ban hành hệ thống văn bản để triển khai, thực hiện Pháp lệnh đồng bộ, hiệu quả. Công tác đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật thuộc diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội đã đi vào nền nếp; số lượng quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật cơ bản được đăng ký, quản lý ở hai cấp (cấp huyện và cấp xã).

Kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên được xây dựng thống nhất ở các cấp; đến nay đã sắp xếp đủ các đầu mối tổ chức đơn vị dự bị động viên, quân số đạt 91%, phương tiện kỹ thuật đạt 98,5% trở lên so với chỉ tiêu được Chính phủ giao. Hằng năm thực hiện chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên ở cơ sở đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai, tổ chức thực hiện Pháp lệnh còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Số lượng nguồn động viên tuy lớn nhưng mất cân đối theo vùng, miền, địa bàn chiến lược; chất lượng nguồn (chuyên nghiệp quân sự) chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức các đơn vị dự bị động viên; số lượng sĩ quan dự bị xếp vào các đơn vị dự bị động viên còn thiếu, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự thấp. Cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên...

Để làm cơ sở xây dựng Dự án Luật lực lượng dự bị động viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trong phạm vi toàn quốc (1996 - 2016).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nội dung tổng kết cần đánh giá đầy đủ, khách quan những kết quả đạt được, những hạn chế, làm rõ nguyên nhân bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; đề xuất chủ trương giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lực lượng dự bị động viên; tiến hành khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trong những năm qua.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị) và gửi báo cáo về UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thời gian hoàn thành trước ngày 30-7-2016.

UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) tổ chức hội nghị tổng kết, do UBND chủ trì hội nghị. Việc tổ chức tổng kết ở cấp huyện, báo cáo về cấp tỉnh trước ngày 31-8-2016; cấp tỉnh tổng kết, báo cáo về Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng) xong trước ngày 31-10-2016.

Các đơn vị quân đội (từ cấp sư đoàn, lữ đoàn và tương đương trở lên), tổ chức hội nghị tổng kết do người chỉ huy chủ trì, báo cáo cấp trên (theo phân cấp) trước 31-10-2016.

Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị), báo cáo về Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng) trước ngày 30-9-2016.

Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị tổng kết do Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, hoàn thành công tác tổng kết trong quý 4-2016.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hướng dẫn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng lực lượng dự bị động viên.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.