Tết Mậu Tuất cần tránh làm những điều này để cả năm may mắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo quan niệm dân gian, trong những ngày đầu năm mới, nếu phạm phải những điều kiêng kỵ, cả năm sẽ không may mắn.
Kiêng quét nhà, đổ rác. Theo quan niệm dân gian, nếu quét nhà, hay đổ rác ngày Tết sẽ hất đi tài lộc, may mắn trong năm mới. Phong tục này xuất phát từ Trung Quốc. Truyện kể rằng ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó. Bởi vậy, người Việt Nam quan niệm nếu đổ rác ngày mồng Một thì cũng hết tài lộc của gia đình.
Kiêng làm đổ vỡ. Người Việt quan niệm sự đổ vỡ những vật dụng như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm mới sẽ báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ. Do vậy, trong những ngày Tết, người ta thường rất cẩn trọng để không làm vỡ đồ đạc.
Kiêng cho lửa. Theo quan niệm Á Đông, lửa có màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, do đó tránh cho lửa người khác ngày đầu năm.
Kiêng cho nước. Nước là yếu tố thiết yếu để duy trì sự sống, là khởi nguồn của sự sinh sôi nảy nở. Nước gắn với câu "tiền vào như nước". Do đó ngày Tết, người xưa thường tránh việc cho nước.
Không chúc Tết sáng mùng 1. Nhiều người thường tránh việc đi chúc Tết sáng mùng 1 vì không muốn xông đất nhà người khác. Với người Việt, việc xông đất đầu năm rất quan trọng, có thể ảnh hưởng tới vận mệnh của gia đình trong cả năm.
Không tranh cãi ngày Tết. Vào những ngày này, mọi người thường cố giữ hòa khí, không cãi nhau, gắt gỏng.
Kiêng ăn những món xui xẻo. Ngày đầu năm, người Việt không ăn những món như thịt vịt, cá mè, thịt chó vì theo quan niệm đó là những món ăn không tốt cho năm mới. Ngoài ra, một số vùng không ăn tôm vì sợ… đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.
Không vay mượn đầu năm. Ngày đầu năm tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ.Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.
Kiêng quan hệ nam nữ ngày đầu năm. Trong ngày Tết, mùng 1, ngày rằm, người phương Đông có quan niệm kiêng khem, tránh việc gần gũi nam nữ. Bởi lẽ, theo quan niệm cổ xưa, việc quan hệ nam nữ vào những ngày này sẽ dẫn đến những điều vận hạn đen đủi, không may mắn, thậm chí là đại hạn.
Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen. Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, vì vậy những ngày đầu năm nên mặc trang phục với những màu sắc sặc sỡ  tượng trưng cho sự may mắn như: màu hồng, đỏ, vàng, xanh…
Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa. Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.
Nguyễn Trang (VOV)

Có thể bạn quan tâm

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

(GLO)- Ở TP. Pleiku, các cửa hàng bán hoa, cây cảnh đảm nhiệm luôn việc đúc chậu kiểng. Dù là việc quanh năm, song mỗi dịp Xuân về, các cơ sở làm chậu kiểng tại Phố núi lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi phải cung ứng một lượng lớn sản phẩm cho thị trường Tết.