Những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tết đến gia đình nào cũng vậy, dù sang hay khó cũng chuẩn bị mâm cơm ngày Tết thịnh soạn với nhiều món ăn ngon và đặc biệt mà ngày thường không có, trước là để cúng tổ tiên, ông bà mong tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu 1 năm mới ấm no, hạnh phúc, sau là để cả gia đình vui vầy sum họp.
 

Bánh chưng

Trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình không thể thiếu cặp bánh chưng xanh, bánh chưng là linh hồn của ngày tết và là loại bánh có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon, đậu xanh, thịt lợn và được gói vuông vức bằng lá dong sau đó đem luộc suốt 14 tiếng đến khi chín. Bánh dẻo, thơm mùi thơm của gạo nếp và có màu xanh của lá.

 

Dưa hành

Dưa hành có vị cay cay , hơi chua được dùng ăn kèm với bánh chưng, các món ăn trong ngày tết làm tăng thêm hương vị của thức ăn và còn giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn hơn.

Để có món dưa hành ngon thì cần chọn lựa các củ hành già, chắc, đem cắt bỏ phần lá rồi ngâm củ hành vào nước tro pha với hàn the khoảng 2 ngày. Sau đó vớt ra bóc vỏ và cắt rễ rồi cho vào hộp muối với nước giấm nấu đường để nguội, khoảng vài ngày là ăn được. Dưa hành ăn kèm sẽ không bị ngấy khi ăn nhiều thức ăn có dầu mỡ và bạn sẽ thấy ngon miệng hơn.

Giò

Bên cạnh bánh chưng, dưa hành, giò cũng là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết từ xưa tới nay, giò có 2 loại là giò lụa và giò xào.

Giò được làm từ thịt giã thật nhuyễn với nước mắm ngon rồi được gói thành hình ống bằng lá chuối xanh, sau đó cho vào nồi luộc hoặc hấp. Khi ăn thái thành từng khoanh, giò có màu trắng mịn, vài lỗ nhỏ trên bề mặt giò. Vì sử dụng thịt heo để làm giò nên đây là giò lụa làm bằng thịt heo, hoặc bạn có thể dùng thịt bò để làm.

Thịt nấu đông

 

Là món ăn truyền thống của người miền Bắc, một món ăn riêng của mùa đông với không khí càng lạnh thì món thịt đông sẽ trở nên càng ngon hơn. Thịt nấu đông được chế biến từ thịt heo hoặc là thịt gà được ninh nhừ, sau đó để thịt ngoài trời cho đông lại hoặc để bảo quản trong tủ lạnh thịt sẽ đông nhanh hơn. Khi thịt đông lại trên bề mặt sẽ có một lớp mỡ màu trắng mịn như tuyết. Thịt nấu đông ăn kèm với dưa hành muối sẽ thật là ngon tuyệt.

Gà luộc

Là một món ăn không thể không kể đến trong các dịp lễ tết, từ trước đến nay mọi người luôn tin rằng gà mang đến niềm may mắn, sự khởi đầu thuận lợi cho năm mới. Gà được lựa chọn những con tươi ngon, làm sạch rồi cho vào nồi luộc cùng với 1 số gia vị như gừng, hoa hồi, hoa tiêu. Gà luộc chín tới có màu vàng, không bị rách da và được chấm với muối chanh ớt.

Thịt kho tàu

 

Ngày xưa, mỗi khi tết cổ truyền đến thì gia đình nào cũng có 1 nồi thịt kho tàu, đây cũng là một trong các món ăn truyền thống của người Việt. Từ những miếng thịt lợn tươi ngon và những quả trứng cút tạo ra một nồi thịt kho tàu thơm ngon và hấp dẫn người ăn trong ngày tết.

Nem rán

Một đĩa nem rán vàng ruộm, chấm với nước mắm pha, cắn một miếng giòn tan sẽ làm những ai xa nhà chỉ nhìn thôi đã thấy nhớ Tết.

Canh nấu măng

Tiếp đến món canh trong mâm cỗ, một đề cử không thể thiếu chính là canh măng. Canh nấu bằng măng tươi sẽ mềm ngon, dễ ăn, nhưng nấu bằng măng khô cũng sần sật, hấp dẫn chả kém. Bát canh nấu măng mà vắng mặt thì cái Tết cũng cảm giác thiêu thiếu phần nào.

Canh khổ qua

Tương tự như món canh măng ở miền Bắc, mâm cúng tất niên, giao thừa miền Nam phải có món canh khổ qua. Người Nam quan niệm, ăn canh khổ qua cuối năm để cho bao cái khổ nó qua đi. Canh khổ qua thường nấu nhồi với thịt, nhưng Tết này bạn cũng có thể cách điệu một chút, nấu khổ qua nhồi tôm cùng với nấm cho đẹp mắt, để mâm cỗ trông bắt mắt hơn nhé!

Lam An/motthegioi

Có thể bạn quan tâm

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

(GLO)- Ở TP. Pleiku, các cửa hàng bán hoa, cây cảnh đảm nhiệm luôn việc đúc chậu kiểng. Dù là việc quanh năm, song mỗi dịp Xuân về, các cơ sở làm chậu kiểng tại Phố núi lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi phải cung ứng một lượng lớn sản phẩm cho thị trường Tết.