Tết sum vầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người đàn bà ấy năm nào cũng xuất hiện trên đoạn đường đó. Chị ngồi co ro, nép vào một cành đào, nhìn ra đường vô định.
Chiếc nón đội trên đầu thỉnh thoảng lại lật ngược úp cả vào mặt chị. Tất cả những cành đào đều được bọc kín ni lông để không bị gió quăng quật xác xơ hoa lá. Người đi qua đoạn đường này chủ yếu là công nhân trong khu công nghiệp. Vào giờ tan ca, công nhân ùa ra từ các nhà máy gây ùn tắc cả đoạn đường dài. Xe container nhích từng tí một trên đường, gầm ghè bấm còi inh ỏi. Người bán hoa ngồi đó, không một tiếng hỏi mua. Ai cũng vội vã trở về nhà để tắm giặt, nghỉ ngơi. Những đứa con thơ đang chờ đợi họ ở nhà. Hoa lúc ấy chẳng có ý nghĩa gì với họ. Chị phải chờ cho đến khi thưa thớt. Đường sá thông thoáng, con người dường như cũng thong thả hơn. Sẽ có vài người dừng lại ngắm đào. Họ nâng lên, đặt xuống e dè trả giá. Mua hay không mua chị cũng đều mỉm cười đáp lại. Ai để ý sẽ thấy nụ cười của chị còn đẹp hơn cả hoa đào. 
  Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Chị bán đào phai. Những cánh hoa phơn phớt hồng mỏng manh như đời người con gái. Vừa yếu đuối kiêu sa lại vừa bền bỉ. Mấy cành đào nhỏ của chị dường như chỉ dành cho những người lao động nghèo để gom góp một cái Tết yên vui. Vài trăm ngàn đồng một cành đào đang ủ nụ. Chờ đến Tết là những cánh hoa ngậm đầy sắc xuân sẽ e dè nở. Mỗi sáng bày hoa ra hè đường chị đều thủ thỉ dặn đào: “Ráng đợi Tết nghe. Đừng nở sớm”. Hoa mà nở sớm như năm ngoái là chị mất Tết. Người dân lao động nghèo thường đợi đến chiều ba mươi mới đi mua hoa cho rẻ. Vậy mà mới hai tám Tết hoa đã nở bung. Nhìn những bông hoa khoe sắc trong lớp ni lông bám đầy bụi đường mà chị thắt lòng. Khách thấy hoa càng nở thì trả giá càng rẻ. Rẻ đến mức chị thầm ước giá mình giàu thì cho họ luôn, không cần bán. Nhưng khổ nỗi chị nghèo quá, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Chị ngồi đến tận khi những bông hoa bắt đầu tàn. Cánh bay tả tơi xuống lòng đường, lẫn trong bụi bặm, nhàu nát dưới gót chân người. 
Bình đi qua đúng lúc chị đang đờ đẫn nhìn hoa. Cái áo len chị mặc không rõ màu trời hay màu bụi. Đến cả mái tóc cũng cũ nhàu, lam lũ. Mắt chị như bị dán chặt vào những cánh hoa đang rụng. Nuối tiếc, xót xa và có gì đó như day dứt. Nó khiến Bình dừng lại, tạt vào lề đường và tắt hẳn máy xe. Bình nói bâng quơ:
- Giá ở đây có thêm quán nước nữa thì tuyệt.
- Bụi bặm và đông đúc thế này mấy ai dừng lại uống trà chú ơi.
- Trời lạnh đôi khi người ta cũng thèm một chỗ nghỉ chân nhâm nhi cốc trà. Còn bụi và đông đúc thì ngày nào chẳng vậy, bao năm nay vẫn thế.
Chị cười, lấy tay dụi mắt. Bình mường tượng ra cảnh nếu chị cứ ngồi bất động như khi nãy thì rất có thể chỉ ngày mai bụi sẽ phủ kín cơ thể. Chắc chỉ còn lại ánh nhìn đau đáu ấy là không bị lu mờ. 
Mà Bình trước giờ đâu có thích chơi hoa. Đời công nhân ăn hàng ở trọ, quen cảnh sống tạm bợ từ trong ý nghĩ. Bao nhiêu cái Tết trôi qua trong đời Bình nhàn nhạt không có sắc hoa. Hoa để làm gì khi lòng cô đơn trống rỗng. Có hôm nằm ngắm áo bay phất phơ với gió xuân, Bình đã nghĩ: Đến vải vóc còn biết cất tiếng vui mà sao mình nguội lạnh? Rồi Bình cũng từng thử mua vui với thiên hạ ngoài kia. Chén chú chén anh rồi về nằm vật ra giường, rượu ngấm đến đâu buồn đến đó. Cha mẹ mất sớm, anh em ruột thịt không có lấy một người. Thành ra ngày Tết không có nơi để về cũng chẳng thấy ai mong đợi. Anh em bạn hữu gọi nhau lúc bia rượu thì nhanh chứ lúc ốm đau nằm đó biết còn ai đến. Mọi người giục Bình lấy vợ đi. Nhưng lấy ai? Ai lấy? Bình nghèo quá mà. Bao nhiêu năm đi làm tích cóp chẳng được là bao. Đủ thứ cần chi tiêu mà lương thì ba cọc ba đồng. Có vợ con rồi liệu có đủ trang trải hay không? Yêu đương chơi bời thì Bình không thích. Tết năm ngoái buồn quá, Bình cũng thử đi tìm gái bán hoa. Đấy là thứ đàn bà phấn son lòe loẹt, nước hoa nồng nặc, ngồi nhả khói thuốc phì phèo. Những ngón tay sơn đỏ choét lúc nào cũng chỉ muốn thò vào túi đàn ông móc tiền. Chứ không như người đàn bà ngồi đau đáu ngóng hoa lẫn trong từng luồng bụi vẩn đục bên đường. 
Bình nhờ chị chọn giúp một cành đào đẹp. Dù trong tất cả những cành đào chị bày bán Bình không thấy cành nào đẹp cả. Mua chỉ vì muốn thấy mắt người bán hoa ánh lên chút niềm vui. Về phòng trọ Bình không biết đặt cành đào ở đâu. Phòng rộng, đồ đạc chẳng có gì ngoài chiếc giường và tủ quần áo cũ. Giờ thêm một cành đào cũng không làm căn phòng ấm nổi. Bình nghĩ vậy nhưng vẫn ra quán tạp hóa mua một dây đèn nháy. Đêm nằm mở mắt nhìn hoa là nhìn thấy tấm lưng trĩu nặng nỗi lo của người đàn bà ấy. Chị ta chắc hơn Bình vài tuổi. Bụi bặm không phủ lấp được vẻ đằm thắm trên môi mắt ấy. Những người cô đơn thường dễ tìm thấy nhau giữa biển người xa lạ. Một ý nghĩ ấm áp nào đó cứ len lén nhen lên trong lòng Bình. Chẳng biết có phải vì cốc nước chè uống bên hàng xóm lúc tối hay không mà lòng Bình cồn cào khó ngủ. Bình tắt đèn nháy. Trong bóng tối, những cánh đào phai nở sớm nõn nà như da dẻ con gái đôi mươi. Bình bỗng thấy xót xa cho hoa phải tắm mình trong không gian đầy mùi khói thuốc. 
*
*      * 
Chiều hôm sau, khi tan ca, Bình đã thấy người đàn bà ngồi đấy. Nhưng hôm nay chị không đi một mình mà mang theo con nhỏ. Đứa nhỏ tầm sáu tuổi, tóc để ngang vai đang lúi húi bên bụi cỏ lề đường. Người đàn bà đang loay hoay buộc cành đào vào sau yên xe của khách. Bình tạt vào tính buộc giùm nhưng giọng nói lanh lảnh của đứa nhỏ khiến anh chú tâm đến nó. 
- Trời ơi! Suýt nữa thì chú giẫm vào tổ kiến mất rồi.
Bình bật cười trước hình ảnh đứa nhỏ khum hai bàn tay bé bỏng ra che chở cho tổ kiến. Bình phát hiện ra đó là một tổ kiến vàng. Giống kiến Bình ghét cay ghét đắng. Ở cổng nhà trọ chỗ Bình ở cũng thường xuất hiện loại kiến này. Mỗi lần đứng mở khóa là chúng bu vào đốt vừa đau vừa ngứa. Đã mấy lần Bình mang dầu tìm tận tổ kiến đổ xuống nhưng cũng chẳng ăn thua. Giờ thì một đứa bé đang cố bảo vệ tổ kiến vàng. Thật nực cười và đáng thương cho sự ngây ngô của trẻ thơ. Bình nhấc bổng cô bé ra chỗ khác kèm một lời cảnh cáo:
- Chớ dại mà lại gần chúng. Chúng có thể khiến cháu bị đau đấy. Tránh xa ra.
Con bẽ giãy nảy khi thấy Bình di mũi giày vào tổ kiến. Người đàn bà đang lúi húi buộc đào liền quay lại. Chị cười bảo:
- Chú cứ để kệ cháu. Tính nó vậy. Bị đốt nhiều lần rồi ấy chứ.
Sau khi đứng nhìn khách chở cành đào mất hút vào giữa đám đông, người đàn bà quay lại chỗ ngồi. Có thể vì mới bán được đào, cũng có thể vì hôm nay có con gái đi cùng nên trông chị vui vẻ hơn. Dưới đường, dòng người đi mua sắm Tết đang chở về từng bó lá dong xanh, những dây khánh vàng chói, đèn lồng đỏ tươi chấp chới. Chị chạnh lòng, nói mà như than:
- Nhà người ta đủ đầy. Tết như ngày hội vậy. Mua sắm đủ thứ tùm lum.
-Tết mà có gia đình, người thân bên cạnh thì chẳng cần mua sắm gì cũng thấy đủ đầy. Như chị là vui rồi. Em có một mình có sắm sửa chật nhà cũng không thấy Tết.
- Thế vợ con chú đâu?
Bình ngửa cổ nhìn trời, hát vu vơ “đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”. Con bé đang chăn kiến bỗng bật cười. Nó nói bài này mấy chú ở khu trọ hát hoài. Hát cả lúc tỉnh lẫn lúc say. Có người vừa hát vừa cười. Lại có người vừa khóc vừa hát. “Cô đơn là gì vậy chú?”. Câu hỏi của một đứa trẻ khiến hai người lớn ngồi đó không biết phải trả lời sao. Cô đơn là cảm giác mà không người lớn nào muốn một đứa trẻ phải sớm biết. Bình cười hỏi:
- Vậy bố cháu có hay hát thế không?
- Bố cháu không hát bài đó. Bố cháu hát “khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo/Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo”. Bố hát có một lần thôi à. Hát xong thì bố bỏ đi tới tận bây giờ.
Chị cười ái ngại. Bình muốn nói câu gì đó để an ủi nhưng lúng búng trong miệng. Đứa nhỏ vẫn lúi húi gần tổ kiến. Nó nói:
- Trông nhà kiến đông đúc mà vui chú nhỉ? Đi kiếm ăn về là con này chạm đầu vào con kia như chuyện trò thủ thỉ. Nhà chú có vui như kiến thế này không?
- À không. Chú chỉ có một mình. Giá có một đứa trẻ để ngày nào đi làm về chú cũng chụm đầu thủ thỉ thì tốt biết bao.
Con nhỏ bỗng mỉm cười. Trời càng lúc càng lạnh. Phố xá đã lần lượt lên đèn. Xe container chen chúc chở hàng, bấm còi inh ỏi. Bình không muốn trở về căn phòng trọ lạnh lẽo của mình. Ít ra ở đây anh cũng cảm thấy bớt cô đơn. Người đàn bà mỗi lần thấy có người dừng xe là mắt lại ánh lên niềm vui. Đôi khi họ chỉ hỏi vu vơ, xem qua quýt chứ không mua. Kệ, chẳng sao, dường như với chị chỉ cần người ta còn nhìn thấy chị tồn tại ở đây là chị đã vui rồi. Bình bỗng nhiên có ý nghĩ điên rồ. Hay là tí  nữa sẽ theo gót chị về nhà giống như cách đứa nhỏ đi theo chân đàn kiến để tìm thấy một chiếc tổ hạnh phúc? Hay là thử rủ mẹ con chị về phòng trọ mình chơi? Nhưng vội gì, cứ thong thả ngồi bên nhau thế này cũng giống như một kiểu sum vầy giữa những người cô đơn, xa lạ. 
 Bùi Quang Dũng

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa: Xứng tầm khu kinh tế động lực vùng Đông Nam

Ayun Pa: Xứng tầm khu kinh tế động lực vùng Đông Nam

(GLO)- Phát huy lợi thế là trung tâm vùng kinh tế phía Đông Nam tỉnh, sau hơn 11 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, thị xã Ayun Pa đã từng bước khai thác tiềm năng và nội lực, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

(GLO)- Năm 2018, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng nông sản giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Ia Grai. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự giám sát của HĐND huyện, sự điều hành của UBND huyện, kinh tế-xã hội huyện vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả tích cực.
Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

(GLO)- Sau 30 năm thành lập, huyện Kông Chro đã có sự phát triển mạnh mẽ, đầy hứa hẹn. Bộ mặt đô thị và nông thôn đang đổi mới từng ngày, đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được cải thiện và nâng cao.
Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

(GLO)- Sau 15 năm thành lập, kinh tế-xã hội của huyện Đak Pơ có bước phát triển vượt bậc. Đời sống người dân ngày một cải thiện. Có được kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã tạo động lực giúp vùng đất thuần nông Đak Pơ phát triển mạnh mẽ.
Đất nước của những triệu phú

Đất nước của những triệu phú

(GLO)- Công quốc Monaco nằm ở một eo biển nhỏ phía Nam nước Pháp, bên bờ biển Côte dAzur, nước Pháp bao quanh 3 mặt, mặt còn lại giáp biển Địa Trung Hải. Với diện tích chỉ vỏn vẹn 2,02 km2, Monaco là quốc gia nhỏ thứ 2 thế giới (chỉ sau Vatican), dân số 38.000 người-nằm trong top 10 quốc gia có dân số ít nhất thế giới. Tuy nhỏ về diện tích và ít về dân số nhưng quốc gia này có đến 1/3 dân số là triệu phú và rất nhiều tỷ phú, không có người nghèo, được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có tỷ lệ triệu phú cao nhất thế giới. Do vậy, Monaco được mệnh danh là đất nước của những triệu phú đô la.
Xã luận: Xuân khát vọng

Xã luận: Xuân khát vọng

(GLO)- Chúng ta quyến luyến chia tay năm Mậu Tuất, bước sang Xuân mới Kỷ Hợi 2019. Với Gia Lai, năm Mậu Tuất 2018 ghi dấu ấn đặc biệt trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, khát vọng vươn lên chinh phục những tầm cao mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Những ngày ở Nhật

Những ngày ở Nhật

(GLO)- Trong tâm thức của người Việt hàng thế kỷ nay, Nhật là dân tộc có nhiều điều đáng học. Tư tưởng duy tân từ cụ Phan Chu Trinh và kế tiếp là phong trào Đông Du của Phan Bội Châu in đậm sử sách, ăn sâu tư duy thế hệ chúng tôi. Vì vậy, được đến nước Nhật, tận thấy cuộc sống của người Nhật từ lâu là ước muốn của nhiều người.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Tăng cường đi cơ sở để giúp dân

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Tăng cường đi cơ sở để giúp dân

(GLO)- Năm qua, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã liên tục đi kiểm tra, thị sát cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Qua đó đã tăng cường sức mạnh đoàn kết, đẩy nhanh phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Xuân về trên núi

Xuân về trên núi

(GLO)- Ở xứ cao nguyên này, mưa thì dằng dặc, triền miên, nắng thì hoang hoải, kiệt cùng. Những khoảnh khắc xuân-hạ-thu-đông dường như chỉ đỏng đảnh ghé qua chớp nhoáng trong một thời khắc nào đó, mà nếu hững hờ, sẽ khó lòng mà nhận ra.
Thưởng trà và sống chậm

Thưởng trà và sống chậm

(GLO)- Yêu thích nghệ thuật trà đạo và triết lý Phật giáo, anh Võ Thanh Hưng đã quyết tâm xây dựng một không gian thưởng thức trà đúng chất xưa. Nét xưa ấy thể hiện ngay từ cái tên Hồn Gỗ của quán cho đến cách mà anh ngồi đối ẩm cùng những người trót mê đắm hậu vị ngọt mát của các loại trà Việt.