Cà phê chuyện đời và phố nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong hơn 10 năm gắn bó với Pleiku, khi nhìn ngắm phố, tôi thấy phố đổi thay từng ngày; khi chiêm ngắm đời, tôi lại yêu hơn cuộc sống này. Khi sớm mai hay lúc phố lên đèn, tôi luôn muốn được thưởng thức một ly cà phê ấm nồng yêu thương của gia đình, bè bạn. Và, bên những ly cà phê đậm chất Tây Nguyên ấy, tôi nghe được tiếng thì thầm của những trái tim, nghe được những thanh âm diệu kỳ của cuộc sống, khi ngoài kia nắng đang rất vàng, gió đang rất nhẹ và những mầm xanh đang trỗi dậy, từng ngày.

1. Đón Tết cùng những giọt nắng vàng hươm, phơ phất làn gió thanh nhàn trong tiết trời ấm áp của Pleiku, có không ít người, không ít gia đình của phố nhỏ Pleiku lựa chọn không gian yên bình mà ấm áp của các quán cà phê làm nơi gặp gỡ. Tôi gặp ông Nguyễn Hải Cường (tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cách đây vài năm, trong quán cà phê 24 (đường Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) giữa một ngày đầu năm mới. Gặp rồi nên quen, quen rồi trở nên thân thiện, cởi mở hơn bên ly cà phê với những câu chuyện đời. Ông Cường là một trong số những người ghiền cà phê mà tôi đã từng gặp, ngày nào cũng 1-2 ly cà phê nguyên chất, suốt vài chục năm qua. “Tôi biết đến hương vị cà phê từ nhỏ-hồi được theo cha đi uống ở cửa hàng 02 Lê Lợi chỗ gần Diệp Kính bây giờ. Hồi đó, cà phê được rang mộc trên chảo bằng củi lửa, hơi vất vả nhưng khá thú vị. Với người ghiền như tôi, hương thơm nhẹ nhàng, tinh khiết, tự nhiên; màu nâu cánh gián, lỏng, không keo dính của những ly cà phê rang xay nguyên chất từ lâu đã không còn xa lạ”-ông Cường bộc bạch.

 

Quán cà phê-điểm hẹn của người dân Phố núi.                                                                                   Ảnh: T.N
Quán cà phê-điểm hẹn của người dân Phố núi. Ảnh: T.N

Qua ông Cường, tôi biết đến anh Thái Vinh Thanh (24/1 Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku). Bố mẹ anh Thanh là người chuyên rang xay cà phê từ thời bao cấp, nay truyền nghề cho 3 anh em. Nếu ta có một chút kiến thức về cà phê, chỉ cần nghe loáng thoáng câu chuyện của vợ chồng anh Thanh về cách chọn lựa cà phê, rang ở độ nào, xay ra sao, Arabica nhất định lấy ở Cầu Đất (Lâm Đồng), cà phê bi (cu li), Robusta  thì ở Chư Sê (Gia Lai) mỗi loại bao nhiêu; rồi trực tiếp đứng xem Thái Vinh Hiếu-em trai anh Thanh pha phin hay ép máy thì chắc chắn ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn niềm đam mê cà phê của họ. Anh Thanh chia sẻ: “Cà phê từ lâu đã trở thành thức uống thân quen với nhiều người. Không chỉ là thói quen, cao hơn, đó còn là nhu cầu được thưởng thức đúng hương vị và chất lượng của đồ uống đã góp phần làm nên một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên. Đa phần thực khách tìm đến cà phê nguyên chất còn coi đây như là một cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Khi uống cà phê nguyên chất thì nên uống cà phê đen và không dùng đá để cảm nhận được đầy đủ hương vị của nó”.

2. Có thể gọi là hạnh ngộ, khi tôi gặp Brian Raslan (người Úc) khi ông đến Gia Lai trong hành trình đi tìm kiếm và tôn vinh giá trị đích thực của thức uống gắn liền với cao nguyên bazan ngập tràn nắng và gió. Dành tâm huyết cả đời mình với hương thơm tự nhiên, tinh tế, thanh dịu của cà phê, Brian Raslan trở thành người pha chế chuyên nghiệp (barista); từ năm 2004 đến 2008 là giám khảo các cuộc thi tìm kiếm người chuyên pha chế cà phê và nghệ thuật cà phê thế giới (World Barista Champion Ship). Ông còn là thành viên sáng lập Viện Hàn lâm về cà phê ở Úc (sacoffeeacademe). Khi đến Việt Nam, ông dành rất nhiều thời gian ở Tây Nguyên để có những trải nghiệm thú vị và những cuộc khảo sát hữu ích về cà phê. Đến với các vườn cà phê, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu về đặc trưng của đất, giống, cách trồng và chăm sóc cà phê; khi cần thiết thì có những lời khuyên thiết thực cho các chủ vườn, tất cả hướng đến mục đích vì một dòng sản phẩm cà phê sạch, năng suất và chất lượng. Đến với các quán cà phê, chủ yếu là các quán cà phê nguyên chất, Brian Raslan dành thời gian tìm hiểu phương thức kinh doanh, pha chế, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được trong suốt thời gian qua.

Thấy tôi hân hoan chuyện trò, Brian Raslan chia sẻ những lời chân thật, không quên gửi kèm e-mail và kết nối Facebook: “Bạn đã dành bao nhiêu niềm đam mê và tình yêu cho cà phê? Với tôi, đó là cả cuộc đời. Và tôi đã kiểm chứng nó ở ngay trên mảnh đất thân yêu của các bạn. Tôi đã đến tìm hiểu một số nông trại trồng cà phê ở Cầu Đất (Lâm Đồng), Ia Pếch (Ia Grai, Gia Lai); thưởng thức cà phê nguyên chất ở Pleiku, đến quán 24 này thì gặp bạn và chúng ta cùng nói về cà phê. Vậy đấy, cà phê đã đem chúng ta đến gần nhau hơn, ít nhất trong lần nói chuyện này. Ở Việt Nam của bạn, tôi rất thích thú với hương vị cà phê Arabica Cầu Đất (Lâm Đồng), đặc biệt có ấn tượng tốt với Arabica catimor, Arabica bour bon. Hy vọng, tôi sẽ lại đến Việt Nam, trong đó có Gia Lai, để cà phê cùng bạn”.

3. Lời của Brian Raslan khiến tôi ngẩn lòng. Tôi, một người chọn Pleiku làm quê hương thứ hai, gắn đời mình với miền mơ tưởng hơn 10 năm. Trong hơn 10 năm ấy, tôi nhìn ngắm phố, thấy phố đổi thay từng ngày; tôi chiêm ngắm đời, lại yêu hơn cuộc sống và yêu hơn Phố núi nhỏ xinh này. Đi trong niềm vui cùng Tết, tôi đã nghe được hơi sương dày mỗi sớm lẫn chút lạnh của mùa Đông xứ Bắc; tôi đã thấy được nắng tươi vàng giữa chừng trưa với trời cao trong xanh thắm, với gió reo vi vút giữa hàng thông; tôi đã cảm được chút se lòng mỗi tối, xuống phố thèm hơi ấm bàn tay.

Tôi thích nhất được dạo phố trong những ngày đầu năm mới. Mọi góc nhỏ Pleiku đều được khoác lên mình tấm áo mới, sạch sẽ vô cùng, tinh khôi vô cùng, ngay một chiếc lá vàng rơi nghiêng bên hè phố cũng cảm nhận được sự đơn điệu của mình. Gặp nhau bất ngờ giữa phố, ngay cả với những người chưa từng quen biết, chưa từng gặp mặt, ai nấy cũng đều sẵn lòng dành tặng nhau những lời tốt đẹp nhất cùng nụ cười thân thiện, chan hòa. Hơn tất thảy, tôi đã luôn muốn được thưởng thức một ly cà phê nóng, khi sớm mai hay lúc phố lên đèn, trong yêu thương của gia đình, bè bạn. Và, bên những ly cà phê đậm chất Pleiku ấy, tôi nghe được tiếng thở thì thầm của đất, nghe được những thanh âm diệu kỳ của cuộc sống, khi ngoài kia, nắng đang rất vàng, gió đang rất nhẹ và những mầm xanh đang trỗi dậy, từng ngày.

Tuệ Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa: Xứng tầm khu kinh tế động lực vùng Đông Nam

Ayun Pa: Xứng tầm khu kinh tế động lực vùng Đông Nam

(GLO)- Phát huy lợi thế là trung tâm vùng kinh tế phía Đông Nam tỉnh, sau hơn 11 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, thị xã Ayun Pa đã từng bước khai thác tiềm năng và nội lực, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

(GLO)- Năm 2018, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng nông sản giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Ia Grai. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự giám sát của HĐND huyện, sự điều hành của UBND huyện, kinh tế-xã hội huyện vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả tích cực.
Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

(GLO)- Sau 30 năm thành lập, huyện Kông Chro đã có sự phát triển mạnh mẽ, đầy hứa hẹn. Bộ mặt đô thị và nông thôn đang đổi mới từng ngày, đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được cải thiện và nâng cao.
Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

(GLO)- Sau 15 năm thành lập, kinh tế-xã hội của huyện Đak Pơ có bước phát triển vượt bậc. Đời sống người dân ngày một cải thiện. Có được kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã tạo động lực giúp vùng đất thuần nông Đak Pơ phát triển mạnh mẽ.
Đất nước của những triệu phú

Đất nước của những triệu phú

(GLO)- Công quốc Monaco nằm ở một eo biển nhỏ phía Nam nước Pháp, bên bờ biển Côte dAzur, nước Pháp bao quanh 3 mặt, mặt còn lại giáp biển Địa Trung Hải. Với diện tích chỉ vỏn vẹn 2,02 km2, Monaco là quốc gia nhỏ thứ 2 thế giới (chỉ sau Vatican), dân số 38.000 người-nằm trong top 10 quốc gia có dân số ít nhất thế giới. Tuy nhỏ về diện tích và ít về dân số nhưng quốc gia này có đến 1/3 dân số là triệu phú và rất nhiều tỷ phú, không có người nghèo, được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có tỷ lệ triệu phú cao nhất thế giới. Do vậy, Monaco được mệnh danh là đất nước của những triệu phú đô la.
Xã luận: Xuân khát vọng

Xã luận: Xuân khát vọng

(GLO)- Chúng ta quyến luyến chia tay năm Mậu Tuất, bước sang Xuân mới Kỷ Hợi 2019. Với Gia Lai, năm Mậu Tuất 2018 ghi dấu ấn đặc biệt trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, khát vọng vươn lên chinh phục những tầm cao mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Những ngày ở Nhật

Những ngày ở Nhật

(GLO)- Trong tâm thức của người Việt hàng thế kỷ nay, Nhật là dân tộc có nhiều điều đáng học. Tư tưởng duy tân từ cụ Phan Chu Trinh và kế tiếp là phong trào Đông Du của Phan Bội Châu in đậm sử sách, ăn sâu tư duy thế hệ chúng tôi. Vì vậy, được đến nước Nhật, tận thấy cuộc sống của người Nhật từ lâu là ước muốn của nhiều người.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Tăng cường đi cơ sở để giúp dân

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Tăng cường đi cơ sở để giúp dân

(GLO)- Năm qua, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã liên tục đi kiểm tra, thị sát cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Qua đó đã tăng cường sức mạnh đoàn kết, đẩy nhanh phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Xuân về trên núi

Xuân về trên núi

(GLO)- Ở xứ cao nguyên này, mưa thì dằng dặc, triền miên, nắng thì hoang hoải, kiệt cùng. Những khoảnh khắc xuân-hạ-thu-đông dường như chỉ đỏng đảnh ghé qua chớp nhoáng trong một thời khắc nào đó, mà nếu hững hờ, sẽ khó lòng mà nhận ra.
Thưởng trà và sống chậm

Thưởng trà và sống chậm

(GLO)- Yêu thích nghệ thuật trà đạo và triết lý Phật giáo, anh Võ Thanh Hưng đã quyết tâm xây dựng một không gian thưởng thức trà đúng chất xưa. Nét xưa ấy thể hiện ngay từ cái tên Hồn Gỗ của quán cho đến cách mà anh ngồi đối ẩm cùng những người trót mê đắm hậu vị ngọt mát của các loại trà Việt.