Quy Nhơn - thành phố "nàng thơ" trong nhạc Trịnh Công Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phố biển Quy Nhơn là thành phố “nàng thơ” mang đến cho Trịnh Công Sơn nhiều xúc cảm để sáng tác nên những ca khúc làm hàng triệu trái tim say đắm.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biểu diễn văn nghệ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biểu diễn văn nghệ.
Sinh thời, Trịnh Công Sơn từng theo học Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là Đại học Quy Nhơn) trong những năm 1962-1964. Vùng đất này cũng là nơi cho ông cảm hứng để sáng tác ca khúc như Diễm xưa, Biển nhớ, Chiều một mình qua phố, Lời mẹ ru, Nắng thủy tinh hay Cát bụi.
Trong những bài hát ấy, Trịnh Công Sơn thường nhắc đến Quy Nhơn với sự trìu mến, thương yêu và là một nơi ông luôn mong ước quay về. Đó là một nỗi buồn khắc khoải trong tâm hồn Trịnh Công Sơn luôn phảng phất trong những bài hát ông sáng tác nơi đây.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của nhạc sĩ chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng ngày còn bé, bà đã được anh trai kể cho nghe rất nhiều câu chuyện về vùng đất này:
“Quy Nhơn đã ghi dấu vào tâm hồn chúng tôi khi còn rất nhỏ, như một thành phố thân thương qua lời kể của anh chúng tôi. Anh thường nhắc đến Quy Nhơn với sự trìu mến, thương yêu cùng nhiều kỷ niệm. Đó cũng là nơi anh luôn mong ước quay về lúc sinh thời”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ôm đàn ghita hát cùng bạn bè.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ôm đàn ghita hát cùng bạn bè.
Khi “nàng thơ” của chàng nhạc sĩ là một thành phố buồn tênh
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng viết trong bài Về một thành phố tôi đã xa trên Văn nghệ Nghĩa Bình (1988):
“Quy Nhơn có những tháp Chàm lặng lẽ nghìn năm “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Có thể rất gần đây tôi sẽ chuẩn bị một chuyến trở về Quy Nhơn để tần ngần ngồi nhìn một bờ biển của những ngày xưa, lúc một hạt cát cũng đủ làm tôi cảm động”.
Cuối năm 2018, Quy Nhơn đã có con đường mang tên Trịnh Công Sơn. Mới đây, thành phố này tiếp tục khánh thành tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đặt tại vị trí trang trọng ở công viên sát bờ biển như một lời khẳng định cho mối quan hệ keo sơn giữa tâm hồn nhạc sĩ với phố biển này.
Ca sĩ Tấn Sơn đã bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Anh cũng đã cùng gia đình Trịnh Công Sơn tham gia rất nhiều chương trình tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa trong suốt 20 năm qua.
Anh chia sẻ: “Khi chàng thanh niên Trịnh Công Sơn tuổi đôi mươi tạm biệt quê hương cố đô Huế để vào Quy Nhơn học sư phạm, mang theo những nỗi buồn sâu đậm từ biến cố gia đình và rời xa bè bạn để đến một nơi được ông gọi là "thành phố mắt đêm đèn vàng" với bãi cát vàng nhìn ra trùng dương biển nhớ.
Hoàn cảnh đó, khung cảnh đó, con người đó vốn dĩ đã cô đơn lại càng cô đơn hơn trong con người nghệ sĩ của ông, như câu hát "đàn lên khung phím chờ, sầu lên đây hoang vu".
Có lẽ vì thế những tác phẩm trong giai đoạn này của Trịnh Công Sơn rất buồn, đầy tâm trạng nhưng lại là đặc biệt nhất, đậm dấu ấn Trịnh Công Sơn nhất với thính giả.
Ông từng viết "từ đó tuổi đôi mươi không còn biết vui" (Dã tràng ca) hay "hai mươi sầu dâng mắt biếc, thương cho người rồi lạnh lùng riêng" (Nhìn những mùa thu đi).
Các ca khúc giai đoạn này được hầu hết khán giả và các chuyên trang âm nhạc bầu chọn là những tình khúc hay nhất và được biểu diễn nhiều nhất của Trịnh Công Sơn”.
Bức tượng Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn với cây đàn ghita quen thuộc, trước tầm mắt là bãi cát dài nhìn ra trùng dương mênh mang, bốn bề lộng gió.
Bức tượng Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn với cây đàn ghita quen thuộc, trước tầm mắt là bãi cát dài nhìn ra trùng dương mênh mang, bốn bề lộng gió.
Biển nhớ và hy vọng trong vô vọng về một tình yêu chưa kịp thành hình
Sau Hạ trắng và Diễm xưa, Trịnh Công Sơn sáng tác Biển nhớ khi đang là chàng trai 23 tuổi, vào năm 1962. Bài hát nằm trong album Lệ Thu 2 phát hành năm 1972. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng bài hát này viết về một cô gái tên là Bích Khê.
Nhiều bạn bè của nhạc sĩ từng kể về thời gian theo học ở Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn đem lòng thương trộm nhớ thầm Bích Khê, một cô gái cùng hoạt động văn nghệ trong trường.
Mùa hè năm 1963, Bích Khê phải vào Nha Trang với gia đình và vào đêm trước ngày tiễn cô đi, Trịnh Công Sơn đã ngồi trên bờ biển Quy Nhơn rồi viết "ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về".
Dù Trịnh Công Sơn thể hiện tình ý trong các sáng tác của mình một cách rất khéo léo, không tường minh trên mặt câu chữ nhưng bạn bè của nhạc sĩ lúc đó đều biết hai từ "sơn khê" trong câu "trời cao níu bước sơn khê" là ghép từ tên của ông và người con gái ông nhớ mong.
Đây cũng là một trong những ca khúc của Trịnh được công chúng biết đến nhiều nhất và yêu thích nhất.
Biển nhớ có giai điệu giản dị nhưng ca từ lại vô cùng da diết, nó dấy lên trong lòng người nghe những cung bậc cảm xúc khó tả khi trái tim tuổi trẻ trót nhớ mong một bóng hình nhưng lại khắc khoải bởi sự chia cắt và vô thường.
Biển nghìn thu ở lại và món quà mà Quang Dũng sẽ trân trọng cả đời
Ca sĩ Quang Dũng, một người con của mảnh đất Quy Nhơn và cũng là một trong những ca sĩ thường hát nhạc Trịnh, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: “Người Quy Nhơn rất yêu âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, coi đó là một điều rất thân thuộc như thể một phần của quê hương.
Nhạc sĩ từng có thời gian học ở đây và chúng tôi rất tự hào khi nhiều bài hát bất hủ của ông đã ra đời ở thành phố biển này. Trong đó, mỗi bài hát đều mang một câu chuyện hay triết lý nhân sinh nào đó khiến chúng ta phải suy ngẫm, trăn trở”.
Năm 2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ký tặng cho Quang Dũng ca khúc này và ngay sau đó, nam ca sĩ đã chọn làm ca khúc chủ đề cho album đầu tay của mình.
Năm 2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ký tặng cho Quang Dũng ca khúc này và ngay sau đó, nam ca sĩ đã chọn làm ca khúc chủ đề cho album đầu tay của mình.
Biển nghìn thu ở lại là sáng tác cuối cùng được Trịnh Công Sơn viết trên giường bệnh, chỉ vỏn vẹn 6 câu hát.
Ca sĩ Quang Dũng nhắc nhớ lại cơ duyên được nhạc sĩ ký tặng riêng cho anh bài hát này: “Biển nghìn thu ở lại là một bài hát viết sau này, khi nhạc sĩ về Sài Gòn ở được một thời gian. Sau nhiều năm xa cách, nhạc sĩ trở về thăm lại Quy Nhơn vào năm 1999 và Biển nghìn thu ở lại đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Bài hát là cả một nỗi ưu tư, nặng lòng và cả chút nuối tiếc của nhạc sĩ khi thăm lại nơi đã cùng mình gắn bó với nhiều kỷ niệm.
Tôi cũng rất may mắn khi được nhạc sĩ tặng cho mình bài hát này. Bao nhiêu năm đi hát, đây là ca khúc làm cho tôi xúc động, hạnh phúc khi nhận được sự chỉ bảo lẫn quý trọng từ nhạc sĩ tài hoa đã dành tặng cho mình”.
Theo TIẾN VŨ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Nghệ sĩ Vân Dung không diễn hài

Nghệ sĩ Vân Dung không diễn hài

Không được diễn hài đã là điều mới mẻ, Vân Dung còn lần đầu được trải nghiệm cảm giác bị đánh khi vào vai bà mẹ ghê gớm, bất chấp mọi thủ đoạn để có tiền trong phim giờ vàng “Người một nhà”.
Cuộc đua nhạc Việt: Bất ngờ lớn nhất không đến từ Sơn Tùng M-TP, Bích Phương

Cuộc đua nhạc Việt: Bất ngờ lớn nhất không đến từ Sơn Tùng M-TP, Bích Phương

Liên tục có những sản phẩm âm nhạc mới vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, cục diện âm nhạc Việt đều đạt những chỉ số khá tích cực, tuy nhiên chưa có sản phẩm nào quá bùng nổ. Sơn Tùng M-TP tạo khoảng cách lớn về chỉ số truyền thông, nhưng chưa phải là người tạo bất ngờ nhất. 
Phim rạp ngày ấy

Phim rạp ngày ấy

(GLO)- Những ngày qua, phim “Mai”, rồi tiếp theo là “Đào, phở và piano” khiến nhiều người “ăn không ngon, ngủ không yên”, nếu chưa xem thì cảm thấy thiêu thiếu chất gì đấy… Những điều ấy làm tôi nhớ lại chuyện xem phim ở Gia Lai-Kon Tum trong những năm đầu sau giải phóng.