Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 17-6, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022. 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy



Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Kpă Thuyên, Nguyễn Thị Thanh Lịch, Hồ Phước Thành chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ngành.

Kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp của UBND tỉnh, Gia Lai cơ bản thực hiện tốt việc phòng-chống dịch và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; đồng thời, tổ chức thành công Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022). Minh chứng rõ nét là kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,87%; trong đó, nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,84%, công nghiệp-xây dựng tăng 13,36%, dịch vụ tăng 5,02%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu tại hội nghị về lĩnh vực nông-lâm nghiệp. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu tại hội nghị về lĩnh vực nông-lâm nghiệp. Ảnh: Đức Thụy


Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh ước đạt hơn 10,7 ngàn tỷ đồng (tăng 5,93% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân ước đạt 78 ngàn ha (tăng 2,32%); riêng vụ mùa, tính đến 16-6, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 140 ngàn ha cây trồng các loại (đạt 63,3% kế hoạch). Bên cạnh đó, công tác quản lý dịch bệnh trên cây trồng được triển khai quyết liệt, kiểm soát hiệu quả. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục được quan tâm với hơn 820,35 ha đất trồng các loại. Hầu hết cây trồng được chuyển đổi phù hợp với điều kiện đất đai và thích ứng với biến đổi khí hậu, cho năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng trang trại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình nuôi dưỡng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh có TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 91 xã, 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Hội nghị cũng bày tỏ sự phấn khởi trước sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 của nhiều chỉ tiêu, lĩnh vực như: tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 12.262 tỷ đồng (tăng 14,31%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 39.249 tỷ đồng (tăng 8,75%); kim ngạch xuất khẩu 6 tháng 420 triệu USD (tăng 33,33%); tổng nguồn vốn huy động ước đạt 54,5 ngàn tỷ đồng (tăng 14,1%); tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 3.056 tỷ đồng, (đạt 56,4% dự toán Trung ương giao; 52,4% dự toán HĐND tỉnh giao); toàn tỉnh có 520 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 16,4%)… Bên cạnh đó, các lĩnh vực giáo dục-đào tạo; y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin-truyền thông; lao động-thương binh và xã hội; khoa học-công nghệ; dân tộc-tôn giáo; đối ngoại... cũng có những chuyển biến tích cực. Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy



Đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận và thảo luận sâu về những “điểm nghẽn” trong thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm trên một số lĩnh vực. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đánh giá: Mặc dù kinh tế-xã hội của tỉnh đã dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, thế nhưng vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế cần sớm tháo gỡ. Cụ thể, việc thực hiện và giải ngân xây dựng cơ bản rất chậm; thu xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021; quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm tiến độ; số xã nông thôn mới năm 2021 không đạt kế hoạch; thu ngân sách giảm so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm… Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao chưa cao, dẫn đến chậm tiến độ hoàn thành; một số lĩnh vực chưa được đánh giá sâu sát, đúng thực tế.

 Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa nêu lên một số khó khăn ở lĩnh vực nông-lâm nghiệp 6 tháng đầu năm. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa nêu lên một số khó khăn ở lĩnh vực nông-lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Đức Thụy


Liên quan đến những tồn tại ở lĩnh vực nông-lâm nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa nhìn nhận: “Tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện còn chậm ở một số địa phương. Sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó vì giá vật tư nông nghiệp và xăng dầu tăng cao, dẫn đến chi phí đầu tư khá lớn. Công tác trồng rừng cũng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến các dự án trồng rừng xã hội hóa và kêu gọi đầu tư, trong liên kết trồng rừng giữa các ban quản lý rừng và doanh nghiệp, hoạt động của các công ty lâm nghiệp và xử lý diện tích đất trồng cao su kém hiệu quả”. Ông Nghĩa cũng khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và các địa phương khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch.

Sau khi phân tích những yếu tố tích cực về khí hậu, thời tiết cũng như các dự án, công trình, hoạt động... đang và sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng cuối năm ở cả 3 khu vực: nông-lâm nghiệp, công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm của tỉnh rất có nhiều khả quan. Vì thế, chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đặt ra trong năm 2022 là 8,65% là hoàn toàn có thể đạt được. “Đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh với việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, vướng mắc ở đây là Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 hiện chưa được phê duyệt nên nhiều dự án chưa thể triển khai, nhất là các dự án liên quan đến thu tiền sử dụng đất. Mặt khác, một số công trình trọng điểm của tỉnh vẫn chưa thi công; tiền sử dụng đất cấp vốn cho các công trình xây dựng cơ bản chưa được thực hiện... Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới”-ông Quế cho hay.

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 sẽ đạt kế hoạch đề ra. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 sẽ đạt kế hoạch đề ra. Ảnh: Đức Thụy


Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du thông tin: Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cho 14/17 huyện, thị xã (còn TP. Pleiku và 2 huyện Chư Prông, Chư Pưh do phải bổ sung một số dự án, công trình); đồng thời, đã thẩm định hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 16/17 địa phương (còn huyện Ia Grai). Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Theo quy định, việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm phải được thực hiện vào tháng 12 của năm trước nhưng chúng ta đến nay vẫn chưa hoàn thành. Tôi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa; nhanh chóng rà soát các địa phương chưa thực hiện xong để xử lý nghiêm, tránh để kéo dài gây ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác”.

Ngoài những vấn đề trên, hội nghị cũng quan tâm đến việc thực hiện chuyển đổi số của tỉnh; giải pháp phục hồi và phát triển du lịch; hoạt động thương mại điện tử; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ; rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập...

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Ảnh: Đức Thụy



Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, những vấn đề bất cập nổi lên liên quan đến vấn đề chấp hành, thực hiện các chỉ đạo của tỉnh cần được phê bình nghiêm khắc và chỉnh đốn; đồng thời, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra của năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng kế hoạch để triển khai ngay các kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương để thực hiện; nhất là nội dung về triển khai dự án tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn vì đây là cơ hội lớn để tỉnh có những bứt phá, phát triển vượt bậc hơn. Cùng với đó, rà soát, đánh giá chính xác các chỉ tiêu đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm để hoàn thiện báo cáo gửi cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; xác định lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả năm để định hình nhiệm vụ cần đạt trong 6 tháng cuối năm.

Ngoài ra, các ngành và địa phương cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung chuẩn bị tốt nội dung và các điều kiện để làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cũng như khẩn trương hoàn thiện nội dung phục vụ cho kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới. Nhanh chóng ban hành các quyết định về kế hoạch sử dụng đất năm 2022; xử lý nghiêm những địa phương chậm tiến độ. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình lớn của tỉnh và TP. Pleiku. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường gỡ khó trong công tác trồng rừng. Quản lý tốt các nguồn thu ngân sách, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Ngành Y tế và các địa phương tiếp tục đôn đốc, thực hiện đảm bảo tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, bạch hầu; lưu tâm đến dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng... Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại tỉnh; phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, sắp xếp lại trường, lớp để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai đồng bộ các giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn; sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành còn lưu ý, các nội dung, chương trình triển khai thưc hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và 5 Nghị quyết chuyên đề được Tỉnh ủy ban hành phải được cụ thể hóa ở các ngành, địa phương. Từ đó, có các giải pháp sát với thực tế để tạo đột phá trong thực hiện nhiệm vụ.


 

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

(GLO)- Sáng 11-1, đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

(GLO)- Chiều 9-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung (Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cùng đi có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 6-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 gia đình Anh hùng Núp và 11 gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, chính sách, có công với cách mạng ở 2 huyện Kbang, Đak Pơ.
Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 28-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại huyện Chư Pưh. Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

(GLO)- Chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn“ do BHXH Việt Nam phát động ngày 23-11 vừa qua đã nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Từ đây, nhiều người dân khó khăn đã nhận được món quà ý nghĩa nhân dịp Tết đến xuân về.
Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

(GLO)- “Giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững ở tỉnh Gia Lai“ là chủ đề của hội thảo khoa học do Tỉnh ủy tổ chức ngày 23-12 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa và Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Ngô Khắc Ngọc, hội thảo đã tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới.
TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Sáng 22-12, ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku chủ trì Hội nghị trực tuyến đến 22 điểm cầu tại các xã, phường nhằm kịp thời triển khai các Nghị quyết kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố khóa XII và giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra ngày 20-12, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, tại kỳ họp, HĐND thành phố đã thông qua 22 nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.