Gia Lai tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, nhờ sự quan tâm của Trung ương và sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với sự đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã cơ bản thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ vậy, Gia Lai đang được đánh giá là “vùng xanh” an toàn về dịch Covid-19.

Thực hiện tốt “mục tiêu kép”

Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh 7 tháng qua cơ bản ổn định. Sản xuất nông-lâm-thủy sản tiếp tục đóng vai trò là “trụ đỡ” của kinh tế trong điều kiện dịch bệnh, duy trì xu hướng tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) tăng 13,88% so với cùng kỳ năm 2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,07%; kim ngạch xuất khẩu tăng 22,03%, kim ngạch nhập khẩu tăng 5,6 lần. Các chương trình, dự án nông nghiệp bước đầu được triển khai đồng bộ, hình thành các chuỗi liên kết, các sản phẩm có tính cạnh tranh. Thu ngân sách nhà nước đến tháng 7-2021 đạt 96,11% dự toán Trung ương giao, đạt 86,69% dự toán HĐND tỉnh giao. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, y tế, khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông tiếp tục có bước phát triển; công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính được quan tâm, các vấn đề bức xúc xã hội được tập trung xử lý.

 Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 số 8 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh). Ảnh: Như Nguyện
Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 số 8 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh). Ảnh: Như Nguyện


Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội. Số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng, thu hẹp quy mô hoạt động tăng; hoạt động của ngành vận tải, dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng. Cùng với đó, xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, dịch tả heo châu Phi; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu; giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng lớn đến tình hình xây dựng cơ bản trên địa bàn… Trong bối cảnh đó, để phấn đấu đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi Gia Lai phải triển khai các biện pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong công tác phòng-chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.

Gia Lai tiếp tục tập trung hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tất cả cùng chung tay, chủ động, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện vững chắc để thực hiện phương châm “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân trước dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời các đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị kỹ các điều kiện, sẵn sàng tận dụng cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách”.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tại Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 18-1-2021 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 20-1-2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia năm 2021; tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn để phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra. Triển khai thực hiện nghị quyết và kế hoạch hành động thực hiện 4 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng-chống dịch Covid-19. Huy động cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở để phòng-chống dịch với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là “chống dịch như chống giặc”, thực hiện phương châm “5K + vắc xin và tích cực ứng dụng công nghệ trong phòng-chống dịch” và “4 tại chỗ”. Đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, sở, ngành, đơn vị, bám sát địa bàn trong việc thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Đảm bảo thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, thuốc men… chủ động về năng lực truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm và công tác điều trị, xây dựng phương án đáp ứng các cấp độ. Chuẩn bị chu đáo kế hoạch và tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, hoàn thành ở mức cao nhất.

Nhân viên y tế điều tra thông tin y tế trước khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế điều tra thông tin y tế trước khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: Như Nguyện

Đẩy mạnh, đa dạng hình thức trong công tác truyền thông như: ứng dụng Zalo, sổ sức khỏe điện tử, theo dõi tiêm vắc xin Covid-19, quét mã QR Code. Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, tổ Covid cộng đồng, kêu gọi người dân khai báo y tế; khai báo trung thực trong quá trình truy vết đối với trường hợp F0, F1, F2. Tăng cường công tác nắm và kiểm soát di biến động dân cư; kiểm soát tốt người về từ vùng dịch; kiểm tra, xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng-chống dịch.

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Trong thời gian tới, sản xuất nông-lâm-thủy sản tiếp tục đóng vai trò là “trụ đỡ” của kinh tế. Theo đó, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 31.982 tỷ đồng. Triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành vùng sản xuất, xuất khẩu các loại cây chủ lực có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C, Rainforest, sản phẩm OCOP... gắn với nhãn hiệu hàng hóa, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh các biện pháp phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tập trung khống chế sớm bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò và dịch tả heo châu Phi. Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mùa mưa bão sắp đến. Thực hiện các phương án tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh để vừa chung tay tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân, vừa đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho các địa phương đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

2 Chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 do thành phố Pleiku bố trí tại Cầu số 10 kiểm soát người và phương tiện vào thành phố. Ảnh: Lê Hòa  Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát số 3 đặt tại cầu Suối Voi (phường Yên Thế) kiểm soát chặt chẽ phương tiện vào ra TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát số 3 đặt tại cầu Suối Voi (phường Yên Thế) kiểm soát chặt chẽ phương tiện vào ra TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà


Triển khai linh hoạt các giải pháp vừa phòng-chống dịch vừa tạo điều kiện thuận lợi cho lao động; phương tiện, thiết bị, nhân lực vận chuyển nguyên liệu sản xuất ra vào trong và ngoài vùng dịch để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 24.800 tỷ đồng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai đúng tiến độ các dự án năng lượng tái tạo. Chủ động hợp tác, phối hợp tích cực với các tỉnh, thành phố trong cả nước xây dựng phương án “luồng xanh” vận chuyển hàng từ vùng sản xuất tới siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giúp hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Đảm bảo các luồng, tuyến vận tải hợp lý thông suốt an toàn và phù hợp với công tác phòng-chống dịch Covid-19.


Trong điều kiện hiện nay, tỉnh sẽ đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nhu yếu phẩm, nhất là các khu dân cư đang có dịch và đang thực hiện giãn cách. Chủ động xây dựng chương trình kích cầu du lịch, kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao để triển khai ngay khi kiểm soát được dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, tăng cường ứng dụng công nghệ số.

Năm nay, tỉnh phấn đấu thu ngân sách nhà nước vượt 20% trở lên. Xây dựng phương án cân đối ngân sách địa phương để đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng-chống dịch và chi ngân sách địa phương. Triển khai thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý thu ngân sách, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân vay, trả nợ theo các chỉ đạo của Trung ương.

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2021 của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19; đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước đến tháng 9-2021 đạt 60% kế hoạch được giao, đến ngày 31-1-2022 đạt 100% kế hoạch được giao từ đầu năm. Tiếp tục triển khai việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương năm 2021 nhằm cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, tiềm lực kinh tế đầu tư vào tỉnh. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án. Rà soát, bổ sung, cập nhật kịp thời các quy hoạch, kế hoạch, các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai... mới được sửa đổi, ban hành. Triển khai các giải pháp liên hệ làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hình thức trực tuyến, thích ứng trong tình hình dịch Covid 19.

Về lĩnh vực văn hóa-xã hội, tỉnh sẽ tập trung công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chủ động phối hợp, triển khai đồng bộ để gói hỗ trợ đến tay người lao động sớm nhất. Củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 thì nhiệm vụ của những tháng cuối năm vẫn còn khá nặng nề. Phát huy kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải vừa phòng-chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2021 để tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

 

VÕ NGỌC THÀNH
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh


    

Có thể bạn quan tâm

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

(GLO)- Sáng 11-1, đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

(GLO)- Chiều 9-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung (Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cùng đi có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 6-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 gia đình Anh hùng Núp và 11 gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, chính sách, có công với cách mạng ở 2 huyện Kbang, Đak Pơ.
Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 28-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại huyện Chư Pưh. Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

(GLO)- Chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn“ do BHXH Việt Nam phát động ngày 23-11 vừa qua đã nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Từ đây, nhiều người dân khó khăn đã nhận được món quà ý nghĩa nhân dịp Tết đến xuân về.
Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

(GLO)- “Giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững ở tỉnh Gia Lai“ là chủ đề của hội thảo khoa học do Tỉnh ủy tổ chức ngày 23-12 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa và Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Ngô Khắc Ngọc, hội thảo đã tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới.
TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Sáng 22-12, ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku chủ trì Hội nghị trực tuyến đến 22 điểm cầu tại các xã, phường nhằm kịp thời triển khai các Nghị quyết kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố khóa XII và giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra ngày 20-12, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, tại kỳ họp, HĐND thành phố đã thông qua 22 nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.